Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ nguyên nhân là do một loại vi-rút hay vi khuẩn gây bệnh. Khi có dấu hiệu đau mắt, mắt bé sẽ đỏ ngầu, nhìn đờ đẫn và ngấn nước, mí mắt sưng lên và hay bị chảy ghèn. Trong khoảng 3 ngày đầu, bé sẽ cảm thấy khó chịu nhưng dần đến những ngày tiếp theo bệnh sẽ thuyên giảm dần.
Bệnh có thể lây cho những người tiếp xúc với bé vì thế các thành viên trong nhà nên hạn chế tiếp xúc. Mẹ cũng nên cho bé nghỉ học khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, như đã nói ở trên đau mắt đỏ có thể nguyên nhân là do vi khuẩn gây ra. Nếu trong trường hợp này chỉ cần một ngày là mọi sinh hoạt của bé có thể trở lại.
(Ảnh minh họa)
Bé bị đau mắt đỏ, mẹ cần phải làm gì? Điều mẹ cần làm là lấy khăn ướt thấm nước ấm lau sạch mắt bé, sau đó lấy một miếng gạc lau khô. Nếu mắt bé bị nhiễm khuẩn, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ nhãn khoa để kê đơn thuốc nhỏ mắt phù hợp.
Nghẽn tuyến lệ
Khi bé còn trong bụng mẹ, mắt sẽ diễn ra quá trình tróc các mô tuyến lệ và hình thành các tuyến nước mắt giúp mắt bé nhắm mở dễ dàng. Tuy nhiên, ở một số bé quá trình này lại không diễn ra, mô mắt vẫn còn sót lại, chặn tuyến lệ. Vì thế, mắt bé bị khô, dính ghèn nhiều tới mức làm lông mi và mắt dính chặt lại với nhau, việc mở mắt của bé trở nên rất khó khăn.
Trong trường hợp này, mẹ sử dụng nước ấm và khăn ướt để làm sạch mắt bé bất cứ lúc nào khi thấy mắt bé có ghèn. Mẹ cũng không nên lo lắng quá về nghẽn tuyến lệ vì một mô tuyến lệ bị tắc sẽ tự động mở dần dần theo cơ chế riêng của chúng. Tuy nhiên, nếu sau 1 đến 1 năm rưỡi mô mắt vẫn không tự mở, ghèn vẫn ra liên tục thì mẹ cần đưa bé đi tiến hành tiểu phẫu.
(Ảnh minh họa)
Lẹo mắt
Mẹ phát hiện thấy mi mắt trên hoặc dưới của bé xuất hiện một cái mụn sưng lên, màu đỏ hồng? Có thể bé nhà mẹ đang bị lẹo mắt đấy! Ở chân của mỗi sợi lông mi có một nang lông có nhiệm vụ tiết ra chất nhờn nhưng khi vi khuẩn xâm nhập gây viêm khiến nang sưng to, chất bã nhờn ứ đọng sẽ gây ra lẹo mắt. Chườm nước ấm ở mắt mỗi ngày vài lần, giữ vệ sinh sạch sẽ mắt bé là cách chăm sóc tốt nhất. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp vết sưng càng ngày càng lớn mẹ nên cho bé sử dụng thuốc nhỏ hay thuốc bôi dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa.
Nguồn: Bác sĩ chuyên khoa mắt Sharon Freedman của trường Đại học Duke