Mẹ&Con - Những ngày tháng sáu chuyển mùa, nắng ấm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có tiêu chảy. Đưa trẻ đi du lịch, về quê, đi chơi xa nhà, những bữa cơm nóng sốt hàng ngày có thể được thay thế bằng các món ăn không đảm bảo vệ sinh nơi hàng quán. Đây cũng là một lý do nữa khiến nguy cơ tiêu chảy gia tăng. Điều trị tiêu chảy cho bé yêu ngay tại nhà 3 sai lầm khi chăm bé tiêu chảy Mùa hè - đề phòng trẻ bị tiêu chảy cấp

Sao con tôi tiêu chảy?

Tiêu chảy là hiện tượng trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày). Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, còn nếu xảy ra trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.

Nguyên nhân tiêu chảy có thể là do chế độ ăn (chẳng hạn trẻ không dung nạp lactose hoặc dị ứng với đạm sữa động vật); do nhiễm khuẩn từ thức ăn ôi thiu; do sử dụng kháng sinh không đúng, kéo dài gây tổn thương niêm mạc ruột, gây loạn khuẩn… Các triệu chứng khác của bệnh tiêu chảy (kèm theo việc đi ngoài phân lỏng) là nôn mửa, đau dạ dày, miệng trở nên khô, da bị mất nước và không còn đàn hồi, đi tiểu ít.

dau-he-can-than-tieu-chay

Mẹ lưu ý, tiêu chảy kéo dài thường bắt đầu bằng một đợt tiêu chảy cấp và kéo dài. Hậu quả của bệnh thường dẫn đến suy dinh dưỡng nặng và dễ tử vong. Ngoài ra, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc tiêu chảy kéo dài cao hơn trẻ lớn. Khi trẻ bị tiêu chảy, mối nguy hiểm lớn nhất đe dọa tới sức khỏe của trẻ chính là tình trạng mất nước. Vì vậy, khi chẳng may trẻ bị tiêu chảy, việc cần làm ngay – quan trọng nhất – chính là phải kịp thời bù nước và chất điện giải cho trẻ, sử dụng men vi sinh để cân bằng vi sinh đường ruột.

Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.

Nếu bị mắc tiêu chảy, nên cho con uống nhiều nước, uống thêm dung dịch Oresol cho trẻ em. Lưu ý, dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi, pha dung dịch mới.  

Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ thế nào?

Đề phòng bệnh tiêu chảy không phải là việc quá khó khăn. Mẹ chỉ cần chú ý đến một số vấn đề như: 

Mẹ nên

Luôn cho trẻ uống nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai có nhãn mác rõ ràng, uy tín.

Nhắc nhở trẻ rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Lưu ý: Cả người chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn cũng phải rửa tay thật kỹ bằng xà phòng.

Cắt ngắn móng tay cho trẻ.

Thức ăn mùa hè rất dễ ôi thiu nên hạn chế tối đa cho trẻ ăn thức ăn để nguội, hâm đi hâm lại. Nên cho trẻ ăn thức ăn nóng, nấu xong ăn ngay.

Khi buộc phải ăn uống ngoài hàng quán, cần chọn nơi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Nên chọn cho trẻ ăn các món được nấu sôi, còn nóng sốt.

Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ vì như đã nói, dùng kháng sinh không đúng cách là một trong các nguyên nhân làm tổn thương niêm mạc ruột, gây loạn khuẩn, dẫn đến tiêu chảy.

Không cho trẻ ăn các món ăn tái (đặc biệt khi gia đình đi biển, tránh để trẻ ăn hải sản chế biến theo kiểu tái, sống).

Các loại trái cây cần rửa thật sạch trước khi cho trẻ ăn.

Không cho bé tiếp xúc với người lớn hoặc trẻ khác đang bị tiêu chảy.

Không để bé ngậm đồ chơi, mút tay.

Ngay khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy nhẹ, cần hỏi ý kiến bác sĩ và có những biện pháp chăm sóc tốt cho trẻ (bổ sung nước, cho ăn thực phẩm loãng – dễ tiêu hóa…), đề phòng biến chứng nguy hiểm.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách

Đã hiểu về bệnh, đã đề phòng bệnh, nhưng chẳng may con bạn vẫn bị tiêu chảy. Bạn cần chăm sóc cho trẻ thế nào? Nếu chăm sóc đúng, trẻ sẽ khỏi rất nhanh! Ngược lại, nếu chăm sóc sai, trẻ có thể gặp nhiều nguy hiểm.  

dau-he-can-than-tieu-chay

* Luôn pha và cho trẻ uống dung dịch Oresol đúng liều lượng:

Bệnh tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải, làm cho trẻ nhỏ nhanh suy kiệt, nên phải bù nước và chất điện giải kịp thời.Cách bù nước và chất điện giải tốt nhất và dễ thực hiện nhất là cho trẻ uống dung dịch oresol (ORS). Điều quan trọng nhất để dung dịch ORS có tác dụng chữa bệnh là phải pha đúng liều lượng. Cách pha đúng là làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn gói oresol. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại oresol để bù nước và điện giải: gói pha 1 lít nước; gói pha 200ml, gói pha 250ml. Pha với nước đun sôi để nguội.

Mẹ lưu ý: Khi pha, cần pha đúng nồng độ các chất điện giải mới dễ hấp thu vào cơ thể. Không được tự ý làm “đậm đặc” dung dịch, pha với lượng nước không phù hợp sẽ phản tác dụng, gây nguy hiểm cho trẻ.

Trẻ dưới 2 tuổi, uống 50-100ml/lần tiêu chảy; trẻ 2-9 tuổi, uống 100-200ml/lần tiêu chảy; trẻ lớn hơn 10 tuổi uống tùy theo nhu cầu cơ thể. Nếu bệnh nặng cho uống ORS 5ml/kg/giờ, kết hợp với truyền dịch.

Nếu không có ORS, có thể pha dịch thay thế gồm: 8 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối pha trong 1 lít nước; hoặc nước cháo 50g gạo và một nhúm (3,5g) muối hoặc nước dừa non có pha một nhúm muối. Nếu trẻ bị nôn nhiều thì chỉ nên cho uống nhiều lần, mỗi lần từng ngụm nhỏ.

Mẹ ghi nhớ

Luôn pha Oresol đúng như hướng dẫn trên bao bì. Nếu pha quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ; ngược lại nếu pha quá đặc, trẻ sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng do lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra, khiến cơ thể bị mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng hơn. Không nên chỉ ép trẻ uống quá nhiều nước lọc, vì uống nước lọc nhiều, bụng trướng lên khó chịu trong khi trẻ vẫn mới chỉ được bù nước, không bù được chất điện giải.

* Luôn cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia thành nhiều bữa:

Trẻ bị đi ngoài nhiều lần, mất nước, mất muối nên rất nhanh mệt mỏi, suy kiệt. Thức ăn bù vào cho cơ thể lúc này đóng vai trò rất quan trọng để bù lại năng lượng bị mất và nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Nhiều mẹ khi thấy con bị tiêu chảy chỉ cho con ăn một ít cháo trắng với muối. Điều này hoàn toàn không đúng vì cơ thể sẽ thiếu chất, khả năng vượt qua bệnh tật càng kém hơn.

Những ngày trẻ bệnh, bạn cần cho trẻ ăn thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ các chất dinh dưỡng là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Vì đường tiêu hóa của trẻ đang bị tổn thương, nên cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ.

Cụ thể, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú như bình thường và tăng cữ bú lên. Sữa mẹ có tác dụng rất tốt khi trẻ bị tiêu chảy vì trong sữa mẹ vừa đủ các chất dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa, hấp thu. Nếu trẻ bú sữa ngoài, bạn tiếp tục cho bú bình thường nên cho bú tăng khối lượng và tăng bữa, nhưng không nên thay đổi loại sữa. Đối với trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi, cần cho trẻ ăn đủ các bữa với các loại thức ăn nấu chín kỹ, bổ dưỡng, dễ tiêu như ăn cháo với thịt gà, thịt heo nạc… không nên bắt trẻ kiêng khem. Cần cho trẻ ăn thêm cả các loại trái cây chín hoặc nước trái cây như chuối, cam, đu đủ.

Tuy nhiên, đối với các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như váng sữa, phô mai, thức ăn chiên xào thì không nên cho trẻ ăn, vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa tiêu hóa được nên ăn vào sẽ càng dễ bị tiêu chảy.

* Cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ:

Không ít phụ huynh vẫn cho tiêu chảy là bệnh… “quá quen” nên thay vì đưa trẻ đến bác sĩ thì lại tự ý ra nhà thuốc, mua thuốc cho trẻ uống. Đã có những trường hợp, cha mẹ mua thuốc chống nôn, cầm đi ngoài khiến tuy hiện tượng đi ngoài giảm nhưng chỉ là giảm giả tạo, tác nhân gây bệnh vẫn ở lại trong đường tiêu hóa khiến cho bệnh lâu khỏi hoặc nặng lên.

Tốt hơn hết, khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ và cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy ngày một nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện chứ không nên tự ý chữa trị tại nhà.

LÀM SAO PHÁT HIỆN TRẺ MẤT NƯỚC?

Không được bù nước kịp thời và đầy đủ khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ có hiện tượng mất nước, gây nguy hiểm. Đây là những dấu hiệu để bạn nhận ra con đang bị mất nước.

– Mất nước nhẹ: Trẻ khát nước và đòi uống. Ở trẻ nhỏ chưa biết nói thường quấy khóc nhiều chỉ khi cho uống nước đủ mới hết khóc.

– Mất nước vừa: Ngoài khát nước trẻ có biểu hiện khô mắt, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo. Các trẻ nhỏ có thể thóp lõm xuống, mắt trũng lại, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ khóc không có nước mắt.

– Mất nước nặng: Ngoài các triệu chứng trên sẽ thấy trẻ có dấu hiệu đặc biệt về thần kinh như lừ đừ, có khi vật vã, hoặc li bì hôn mê, hoặc có những cơn co giật.

* Khi nào cần truyền dịch?

Trẻ mất nước vừa nhưng không uống được, uống vào lại nôn và những trẻ mất nước nặng nhất thiết phải truyền dịch để bù nước và điện giải.

Tags:

Bài viết liên quan