Mẹ&Con - Vợ chồng chung sống bao nhiêu năm trời, tránh sao khỏi lúc đau bệnh. Bệnh nặng hay nhẹ thì đó cũng là lúc “bỗng dưng” ta phát hiện nhiều thứ nhất. Những cơn đau bệnh có lúc khiến tình cảm vợ chồng chợt thêm thắm thiết, khi nhận ra người kia quá tinh tế, quan tâm. Và cũng có khi, nó trở thành nỗi thất vọng ngấm ngầm, thành những rạn nứt khó lường trong mối quan hệ gia đình, khi “lỡ” nhận phải những thờ ơ, lạnh nhạt! Lấy vợ “trẻ con”, chồng nên làm gì? Xung đột vợ chồng sau khi có con 7 cách cư xử khéo léo với họ hàng nhà chồng

Bệnh mới… hiểu lòng nhau!

Hiền và Sang cưới nhau 3 năm. Trong 3 năm ấy, rất nhiều lúc chị than thở với bạn bè, rằng chồng mình ít tình cảm, lễ tết gì cũng chẳng bao giờ biết chúc một câu hay mua tặng vợ một món quà xinh xắn gọi là. Thế rồi đột nhiên chị… bệnh! Đi khám bác sĩ sau mấy tuần liền có vấn đề về tiêu hóa, chị xanh mày xanh mặt nghe bác sĩ chẩn đoán có khả năng bị… ung thư dạ dày! Hoảng loạn, chưa kịp thực hiện những xét nghiệm chi tiết hơn, chị đã đổ rầm xuống bệnh! Ăn không được, mất ngủ, tinh thần suy sụp, chị nằm bẹp dí trên giường.

“Những ngày đó thật thê thảm. Mình cứ tự hỏi làm sao đây khi mới có 30 tuổi đầu mà ung thư dạ dày. Mình khóc lóc, vật vã, cáu bẳn đủ điều. Và trong mấy ngày đó, tự nhiên mình mới phát hiện anh xã cứ lặng lẽ chăm sóc cho mình từng tí!”, chị Hiền nhớ lại.

Hai tuần liền, anh cần mẫn đi chợ, nấu từng chén cháo thịt bằm, ép chị ăn. Anh động viên, trò chuyện, có hôm xin nghỉ ở nhà cả buổi, chỉ để túc trực bên chị vì thấy chị khóc. Anh tìm trên mạng những tài liệu về rối loạn tiêu hóa, các vấn đề về dạ dày, rồi trấn an chị rằng đâu đã có xét nghiệm chi tiết, đây chỉ mới là nghi ngờ bước đầu của bác sĩ thôi.

benh tat

Đến khi hoạn nạn, người ta mới hiểu lòng nhau nhất

Mất thêm mấy ngày an ủi và động viên chị đi kiểm tra, đến khi quay lại bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ báo tin cho chị biết chị cũng có vấn đề về dạ dày cần điều trị, song không phải là ung thư dạ dày! Chị bộc bạch: “Khỏi phải nói mình mừng rỡ như thế nào. Nhưng bỏ qua những chuyện đau bệnh, mình nhận ra chính “sự kiện” này đã khiến mình hiểu chồng hơn rất nhiều. Trước kia, mình luôn nghĩ ảnh khô khan. Nhưng đến khi có chuyện mới thấy ảnh thương vợ như thế nào. Sau trận bệnh nhớ đời đó, cái gì mình cũng chiều chuộng ảnh hơn, thấy thương ảnh nhiều hơn. Đúng là chỉ đến khi hoạn nạn, người ta mới hiểu lòng nhau nhất!”.

Với chị Huyền Anh (Quận Tân Phú), những tháng ngày chị bệnh đã giúp… thay đổi được cả tính cách của chồng. “Anh xã mình là con trai một nên được cưng chiều lắm, không bao giờ phải động tay tới việc nhà. Cưới nhau rồi cũng chỉ có mình lủi thủi với công việc nhà thôi. Nhưng cái đợt mình sốt siêu vi, nằm bẹp gần 10 ngày, tự nhiên ảnh thay đổi hẳn. Đi làm về biết tập tành quét nhà, lau nhà, biết học cách… nấu cơm, nấu cháo. Ăn chén cháo đầu tiên ảnh nấu, dù nó mặn vô cùng nhưng nói thật mình thấy ngon nhất đời luôn ấy! Ăn mà miệng cứ toét ra cười! Ảnh nói với mình là mấy hôm vợ bệnh, tự làm thử việc nhà mới thấy thương vợ, vì hóa ra làm việc nhà cực quá chừng chứ có phải dễ dàng đâu!”, chị cười sung sướng.

Những lần bệnh đau “đáng giá”!

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết, trong các cột mốc của đời sống vợ chồng có rất nhiều cột mốc quan trọng khác nhau: Lần cãi vã đầu tiên, lần thất nghiệp đầu tiên, lần đau bệnh đầu tiên, lần có con đầu tiên, lần nghĩ đến chuyện ly hôn đầu tiên… Mỗi cột mốc đó đều là một “cơ hội” lớn để cả hai vợ chồng nhìn lại, hiểu sâu sắc hơn mối quan hệ của mình.

Mỗi trận bệnh giống như lửa thử vàng. Nó giúp mỗi người hiểu rõ hơn về tình cảm của mình. Ở bên nhau lúc ấy mới chính là cái nghĩa, cái tình!”. 

Đau bệnh cũng là một “cột mốc” quan trọng. Bởi lẽ, đó là thời điểm ta “yếu đuối” nhất, cần đến sự quan tâm, chăm sóc, động viên của người bạn đời nhiều nhất. Bình thường vợ pha cho một ly sữa, chưa chắc chồng để ý. Nhưng lúc nằm trên giường bệnh, một ly sữa ân cần, một bàn tay đặt nhẹ lên trán, một cử chỉ vuốt ve đều khiến người kia phải… “mềm lòng”!

Đau bệnh thông thường cũng là lúc để người khỏe cảm nhận rõ rệt hơn về “vai trò”, “tầm quan trọng” của người đang bệnh. Mỗi ngày chồng về nhà đều thấy nhà cửa tươm tất sẵn sàng sẽ ít nhận ra tầm quan trọng của vợ. Nhưng chỉ cần có dịp được… tự làm trong khoảng vài ngày, khi vợ đau bệnh, chồng lập tức hiểu hơn những khó nhọc của vợ mình.

Chị Hoàng Oanh (Quận 2) chia sẻ thêm: “Đồng thời, có một đôi khi, đau bệnh lại làm rạn nứt mối quan hệ vợ chồng. Nói cho cùng, nó giống như một cơn gió vậy, giúp thổi bùng ngọn lửa lớn và dập tắt ngay những ngọn lửa nhỏ. Chỉ với một cơn bệnh, mình đã nhìn rõ hơn về mọi chuyện và có được quyết định dứt khoát hơn, thương bản thân mình hơn!”.

bệnh tật

Những lúc ốm đau, bệnh tật thật sự rất cần đến sự nâng đỡ của người kia

Câu chuyện của chị cũng là một trường hợp rất đáng suy nghĩ. Cưới nhau 7 năm, âm thầm gánh vác mọi công việc gia đình, chiều chuộng chồng đủ điều, chị vẫn không cảm nhận được tình yêu của chồng. Tuy nhiên, nghĩ đến con và cũng không muốn làm đổ vỡ gia đình, chị lặng lẽ chấp nhận tất cả những điều ấy, chấp nhận đến cả những mối quan hệ “ngoài luồng” của anh. Chỉ đến khi bệnh, chị mới nhận ra…

“Nằm trên giường bệnh mấy ngày trời, chồng vẫn đi biền biệt, thậm chí không biết rằng tôi bệnh, tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Bệnh xong thì tôi quyết định ly hôn, dù chồng không hiểu nổi lý do vì sao. Đơn giản vì tôi nhận ra rằng khi thật sự yếu đuối nhất, tôi chỉ có những người khác ở bên mình mà không phải là chồng. Ráng níu kéo làm gì, khi rõ ràng anh ấy không hề có tôi ở trong lòng…”, chị thở dài.

Quả thật, khi khỏe mạnh xinh đẹp, khi ngời ngời sức sống mà thể hiện sự nồng nàn thì chỉ mới là… một phần thôi. Một phần khác, quan trọng hơn để đánh giá tình cảm và mối quan hệ bền chặt của vợ chồng, chính là lúc ốm đau, bệnh tật, lúc mình thật sự cần đến sự nâng đỡ của người kia.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhấn mạnh: “Mỗi trận bệnh giống như lửa thử vàng. Nó giúp mỗi người hiểu rõ hơn về tình cảm của mình. Ở bên nhau lúc ấy mới chính là cái nghĩa, cái tình!”. Như câu chuyện của anh H.N (Quận 3). Mấy năm trời, anh lén vợ có mối quan hệ “bên ngoài”. Nhưng đến khi trải qua một trận bệnh thập tử nhất sinh, anh mới nhận ra: “Người túc trực bên giường bệnh của mình từ ngày này sang ngày khác là vợ. Người nằm dưới sàn nhà bệnh viện, chăm nom cho mình từng muỗng cháo là vợ. Người không hề có một lời than vãn, không ngại dơ bẩn để chăm sóc cho mình đến cả những chuyện vệ sinh cá nhân đơn giản nhất cũng là vợ. Một trận bệnh đủ làm tôi thật sự hiểu, trân trọng và ân hận vô cùng vì những chuyện sai trái mình đã làm. Cô ấy đã hi sinh cho tôi cả cuộc đời, tôi còn muốn gì nữa chứ…?”.

Tags:

Bài viết liên quan