Dù trong năm có làm ăn thành công hay không thì Tết đến, mỗi gia đình đều cố gắng chuẩn bị những bữa cơm thật tươm tất. Trước dùng để cúng trời đất và ông bà tổ tiên, sau để cả gia đình quây quần sum họp cùng nhau. Năm mới lại sắp đến, Tạp chí Mẹ và Con sẽ bật mí cùng bạn top 17 món ngon ngày Tết. Cùng xem đó là những món ăn quen thuộc nào bạn nhé!
Bí quyết giúp bạn chuẩn bị mâm cơm ngày Tết tươm tất nhất
Để có thể nấu được những món ăn ngon, tươm tất và chỉn chu trong dịp tết đến xuân về, bạn đừng quên bỏ túi một số bí kíp sau đây:
- Nấu nhiều hơn mọi ngày: Vào ngày Tết, gia đình bạn sẽ có nhiều khách đến chúc Tết hơn. Vì thế, “quân số” cho mỗi bữa ăn cũng có sự thay đổi. Đừng quên nấu nhiều món hơn trong những ngày này bạn nhé!
- Lên danh sách các món cần nấu trước khi đi chợ: Vào ngày Tết, bạn thường phải mua sắm rất nhiều thứ để chuẩn bị đón năm mới, nào là trái cây để bày mâm ngũ quả, nào là hoa, nào là các vật dụng trang trí nhà cửa… Để tránh bị rối và mua sót, không đủ nguyên liệu nấu ăn, bạn hãy lên danh sách những món mình muốn nấu. Sau đó, ghi rõ thực phẩm, nguyên liệu, số lượng. Như vậy bạn sẽ dễ dàng mua đủ những loại nguyên liệu mà mình cần có cho tết.
- Chuẩn bị món ăn theo sở thích các thành viên trong gia đình: bên cạnh những món ngon ngày Tết theo phong tục, tập quán của nước ta, bạn có thể chuẩn bị thêm một vài món ăn theo sở thích của các thành viên trong gia đình để đỡ ngán và khiến mọi người ngon miệng hơn. Tết là dịp để mọi người thư giãn, thoải mái và hạnh phúc, đúng không nào?
Bạn đã lên danh sách món ngon ngày Tết cho gia đình của mình?
Mỗi vùng miền, địa phương sẽ có những phong tục, tập quán khác nhau. Chính vì thế, việc chuẩn bị các món ăn cho dịp Tết cũng có sự khác biệt.
Miền Bắc
Văn hóa Hà Nội xưa nói riêng và các tỉnh miền khu vực miền Bắc nói chung thường chú trọng về mặt hình thức. Vì thế, mâm cơm tết phải chuẩn bị thật chỉn chu, không chỉ nhiều món ngon mà phần trang trí cho từng món ăn cũng phải thật tinh xảo, mang nhiều ý nghĩa. Một số món ăn trong mâm cơm Tết của các gia đình miền Bắc có thể kể đến như:
- Bánh chưng: Món bánh chưng tượng trưng cho đất là món bánh đã có lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực nước ta. Nhắc đến bánh chưng, người ta liền nhớ đến sự tích chàng hoàng tử Lang Liêu làm bánh dâng tặng Vua Hùng đời thứ 16 cũng như đất trời. Cũng chính vì sự tích này, bánh chưng trở thành món ngon không thể thiếu trong ngày Tết của chúng ta. Không chỉ là một món ăn đầy ý nghĩa, bánh chưng còn mang hương vị độc đáo khi kết hợp giữa sự dẻo thơm của nếp, ngọt bùi của đậu, béo ngậy của thịt mỡ, cay nồng của tiêu. Hơn nữa, khi thời tiết se lạnh vào mùa xuân, việc cả gia đình cùng quây quần canh nồi bánh chưng nghi ngút khói sẽ là một khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ.
- Xôi gấc: Đã nhắc đến món ngon ngày Tết thì không thể không kể đến xôi gấc. Màu đỏ cam của xôi mang hàm ý một năm mới đầy may mắn. Vì thế, trong mâm cơm ngày Tết chắc chắn không thể thiếu một đĩa xôi gấc phải không nào?
- Dưa hành (hành muối chua): Không phải lúc nào cũng cần mâm cao cỗ đầy, đôi khi chỉ một món ăn dân dã cũng có thể mang đến hương vị tết thật trọn vẹn. Nếu bạn đón Tết tại miền Bắc, bạn sẽ thấy hầu hết các gia đình đều có một lọ hành muối chua hay còn gọi là dưa hành mang vị chua ngọt, cay nhẹ. Dưa hành thường được ăn cùng bánh chưng, thịt mỡ để đỡ ngấy.
- Giò: Những miếng giò dai dai, có vị bùi của thịt và mang ý nghĩa “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà” thường được ưu ái vị trí trung tâm của bữa ăn ngày Tết. Đây là một món ăn bạn nên chuẩn bị cho gia đình của mình trong những dịp Tết đến xuân về.
- Gà luộc: Món ăn đơn giản, chấm kèm với muối ớt chanh này luôn xuất hiện trong mọi mâm cỗ, từ mâm cơm Tết đến tân gia, đám hỏi, mừng sinh nhật,…
- Nem rán: Nhắc đến món ngon ngày Tết theo chuẩn “gu” văn hóa ẩm thực miền Bắc, không thể không kể đến món nem rán bên ngoài vàng rụm, bên trong có vị ngọt thanh của mộc nhĩ, thịt, giá. Nem rán có thể chấm kèm với tương ớt hoặc nước mắm ớt chua cay và trở thành “mồi nhắm” tuyệt vời trên bàn tiệc.
Miền Trung
Nối liền hai vùng Bắc – Nam, văn hóa, phong tục ngày Tết của người dân miền Trung ít nhiều có sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau. Đón Tết ở miền Trung, bạn sẽ thấy có những món:
- Bánh tét: Nếu ở miền Bắc có bánh chưng thì người dân miền Trung lại chào đón Tết bằng cách cùng nhau quây quần gói bánh tét. Gần giống với các nguyên liệu khi gói bánh chưng, nhưng bánh tét thường được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Hơn nữa, bánh tét được gói thành những đòn hình trụ, mang ý nghĩa sự giao thoa của đất trời. Từ lâu, bánh tết đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân khu vực miền Trung Việt Nam.
- Nem chua: Món nem làm từ thịt heo, tẩm ướp gia vị rồi gói trong lá ổi hoặc lá chùm ruột đã trở thành đặc sản của vùng đất miền Trung cằn cỗi. Cũng vì thế, món ngon ngày Tết của người dân nơi đây cũng không thể thiếu món nem chua ăn cùng với hành, tỏi ngâm với vị chua chua, cay cay và giòn giòn đặc sắc.
- Dưa món: Nếu món dưa hành ở miền Bắc chỉ có hành ngâm chua thì dưa món lại là sự kết hợp giữa nhiều nguyên liệu khác nhau như củ cải đỏ, nào củ cải trắng, lại còn có cả dưa leo, củ kiệu. Tất cả hòa quyện cùng nhau và mang đến cho bạn một món ăn có vị giòn, mặn nhẹ, chua chua, ngọt ngọt. Khi ăn bánh tét hoặc các món ăn nhiều dầu mỡ, người ta thường ăn cùng với dưa món để đỡ ngán và tăng thêm mùi vị.
- Tôm chua: Tôm tươi có vị ngọt, béo được ngâm cùng với riềng và tỏi ớt cay thơm, kết hợp với vị chua của khế, vị thơm nồng của các loại rau thơm, vị chát của vả sẽ trở thành một món ăn cực kỳ “bắt cơm” trong ngày Tết.
- Chả bò: Những khoanh chả bò màu đỏ hồng ngon miệng thường xuyên có mặt trong mâm cơm đãi khách của các gia đình miền Trung trong ngày Tết.
- Thịt ngâm mắm: Nhắc đến món ngon ngày Tết của người dân miền Trung thì không thể không kể đến món thịt ngâm mắm độc đáo này. Thịt heo hoặc thịt bò sau khi sơ chế xong sẽ được ngâm cùng nước mắm đường nấu sẵn, ăn cùng rau, bánh tráng, bún và củ kiệu, dưa món. Nếu có dịp đến miền Trung trong những ngày này thì đừng quên thử món thịt ngâm mắm, bạn nhé!
Miền Nam
Bạn có thắc mắc, tại miền Nam của Tổ quốc, người dân sẽ đón Tết như thế nào? Những món ăn nào sẽ được có mặt trong mâm cỗ dịp Tết đến xuân về? Khi không khí mùa xuân đang len lỏi khắp phố phường cũng là lúc người dân rục rịch chuẩn bị các món:
- Bánh tét: Bánh tét tại miền Nam có sự “nâng cấp” hơn khi có hai phiên bản: nhân mặn và nhân ngọt. Phần nhân bên trong bánh tét cũng được sắp xếp để khi cắt bánh thành từng khoanh sẽ tạo thành các hình ảnh như chữ “Tết”, chữ “Thọ”… Hơn nữa, với loại bánh tét nhân mặn, bên cạnh thịt thì còn có thêm trứng muối, lạp xưởng,… góp phần làm cho món ăn thêm phong phú.
- Củ kiệu: Có cách làm gần giống với dưa món, dưa hành tại miền Bắc và miền Trung nhưng món củ kiệu tại đây không ăn cùng bánh chưng, bánh tét mà ăn cùng tôm khô và tạo thành một món ăn lạ miệng.
- Thịt kho nước dừa: Để chuẩn bị món ngon ngày Tết thì không thể nào thiếu được món thịt kho nước dừa. Thịt heo thật mềm, nước dừa ngọt thanh, trứng vịt béo ngậy sẽ tạo nên một món ăn cực hấp dẫn.
- Canh khổ qua: Với hy vọng qua năm mới, mọi đau khổ sẽ qua đi, người dân miền Nam thường chuẩn bị canh khổ qua nhồi thịt cho mâm cơm Tết nhà mình thêm chuẩn vị.
- Dưa giá: Giá, hẹ, cà rốt cắt sợi và kết hợp cùng nhau sẽ cho ra đời một món ăn thanh mát, giúp bạn giải nhiệt cực tốt trong những ngày Tết khi phải liên tục ăn các loại thức ăn cay nóng nhiều dầu mỡ.
Vào dịp Tết nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền thì không thể không chuẩn bị mâm cơm gia đình sao cho tươm tất nhất. Hy vọng những món ngon ngày Tết mà Tạp chí Mẹ và Con bật mí sẽ giúp bạn lên được thực đơn chuẩn xịn cho gia đình mình vào ngày đầu xuân. Chúc bạn và gia đình có một năm mới bình an, hạnh phúc!.