Mẹ&Con - Tâm lý của mẹ, khi nghe nói bất cứ điều gì liên quan đến 'não' thì cảm giác đầu tiên là sợ hãi. Đúng vậy! Viêm màng não mủ dễ gặp ở trẻ nhỏ và có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Những nguy cơ mang đến cũng rất nhiều, rất nghiêm trọng. Thậm chí bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng thần kinh cho trẻ. Có con làm thay đổi bộ não đàn ông Cần làm gì để não bé phát triển toàn diện? Gà hấp bí đỏ - bổ dưỡng cho não

Mẹ cần biết những điều này

Bạn biết gì về bệnh?

Viêm màng não là tình trạng viêm nhiễm ở màng ngoài vỏ não, tiến triển rất nhanh chóng. Có thể ban đầu trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp. Sau đó vi khuẩn xâm nhập vào đường máu để vào màng não. Sự viêm nhiễm sẽ gây nên tình trạng sinh mủ bên trong hệ thống thần kinh trung ương. Nếu trẻ không được điều trị sớm dễ để lại di chứng động kinh sau này.

Bệnh dễ mắc phải ở độ tuổi nào?

Viêm màng não mủ có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.

Nguyên nhân gây ra viêm màng não mủ

 

Có nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm màng não mủ. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh của từng vi khuẩn phụ thuộc vào tuổi và một số yếu tố khác của cơ thể. Một trong số đó là Haemophilus influenzae type b (Hib). Hib nguy hiểm vì có thể khiến tỷ lệ tử vong lên đến 20-50%. Ngay cả trường hợp nếu được cứu sống, trẻ vẫn có thể bị các biến chứng kéo dài trên hệ thần kinh và có thể bị tổn thương não vĩnh viễn như điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần vận động, não úng thủy hoặc sống đời sống thực vật…

Cơ chế “lây”

Vi-rút Hib có thể lây truyền từ trẻ này qua trẻ kia thông qua các hạt nước bọt khi trẻ bị ho hay hắt hơi, chơi chung đồ chơi rồi cho tay vào miệng. Chính vì vậy, nếu như trong một lớp học có trẻ mắc phải các triệu chứng viêm hô hấp trên, hay có nghi ngờ viêm màng não mủ thì tốt hơn hết là để trẻ nghỉ học ở nhà, tránh lây cho các bé khác.

Tại sao viêm màng não mủ nguy hiểm hơn so với viêm não?

Viêm màng não nguy hiểm hơn so với viêm não vì di chứng của viêm não có thể được chữa trị và hồi phục còn di chứng của bệnh viêm màng não thường rất trầm trọng gây ảnh hưởng và đeo đuổi trẻ suốt đời.

Biểu hiện lâm sàng của viêm màng não mủ thế nào?

Biểu hiện lâm sàng của viêm màng não mủ ở trẻ em rất đa dạng. Mỗi độ tuổi có thể có những biểu hiện không giống nhau nên mẹ thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác. Tuy nhiên, các dấu hiệu mang tính căn bản là trẻ có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, sốt, sổ mũi, ho… Sau đó trẻ ăn kém hẳn, nôn nhiều, thóp trên đầu phồng lên, đau đầu, tiêu chảy nặng, cổ cứng, co giật, nếu bệnh nặng hơn sẽ có biểu hiện liệt chi, hôn mê.

Khi nào nên nghĩ đến viêm màng não mủ và đưa trẻ đi bệnh viện?

Thật ra, chỉ cần thấy trẻ sốt bất thường, có dấu hiệu lơ mơ thì mẹ đã nên đưa trẻ đến khám và theo dõi tại các bác sĩ chuyên khoa Nhi ngay. Không nên chủ quan cứ tự ra nhà thuốc để mua thuốc cảm cúm về cho trẻ uống, dù những triệu chứng ban đầu của trẻ chỉ giống như cảm cúm.

Chẩn đoán bệnh có khó không?

Hiện nay việc chẩn đoán viêm màng não rất dễ dàng. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách chọc dịch não tủy sau đó cấy vi sinh để phân biệt viêm màng não do siêu vi với các bệnh khác ở não (như viêm màng não do lao, áp xe não, u não, xuất huyết não, viêm não).

Nếu trẻ từng bị viêm màng não mủ trước đây, trẻ có thể bị mắc lại lần nữa không?

Có! Bệnh có thể tái đi tái lại ở trẻ có khiếm khuyết miễn dịch hay xương sọ, hoặc có bệnh tai mũi họng mạn tính, khi tái lại triệu chứng cũng tương tự như lần đầu.

Nên chăm sóc ra sao với trẻ mắc bệnh nhưng đã khỏi?

Sau khi khỏi bệnh đa số trẻ có sinh hoạt bình thường, chỉ cần theo dõi các dấu hiệu tái phát. Tuy nhiên, nếu trẻ có hôn mê lúc bệnh thì cần theo dõi di chứng như động kinh, chậm phát triển.

Có thể phòng ngừa bệnh được chứ?

Rất may, câu trả lời là được! Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm vắc-xin ngừa viêm màng não mủ cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi. Vắc-xin phòng bệnh do Hib gây ra còn có thể được tiêm cùng lúc với các vắc-xin khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.

dang-ngai-viem-mang-nao-mu-o-tre

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Mẹ cần biết!

Cần đặc biệt cẩn trọng trong những giai đoạn thời tiết chuyển mùa, vì đây là lúc các bệnh lây qua đường hô hấp sẽ hoành hành dữ dội. Nếu viêm màng não mủ được phát hiện sớm và chính xác thì không những có thể cứu sống trẻ dễ dàng mà còn bảo đảm để trẻ không phải mang theo di chứng sau này.

Lịch tiêm phòng viêm màng não mủ

– Nên bắt đầu cho trẻ tiêm phòng viêm màng não mủ 3 mũi, vào các tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4.

– Sau đó tiêm nhắc lại mũi thứ 4 lúc trẻ 18-24 tháng.

– Các trường hợp tiêm vắc-xin ngừa Hib thường không gây nên tác dụng phụ nào nên bạn không cần quá lo lắng. Thường trẻ chỉ bị sốt nhẹ 1 ngày. 

Điều trị viêm màng não mủ

Viêm màng não mủ là một cấp cứu nội khoa, cần thiết phải điều trị sớm và tích cực. Việc sử dụng kháng sinh đóng vai trò chính trong điều trị viêm màng não mủ. Nếu điều trị muộn dễ để lại những biến chứng và di chứng nặng nề nhất là đối với trẻ em.

dang-ngai-viem-mang-nao-mu-o-tre

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

* Nguyên tắc lựa chọn kháng sinh của bác sĩ:

– Sớm và càng sớm càng tốt. Sử dụng kháng sinh ngay khi có chẩn đoán.

– Vấn đề lựa chọn kháng sinh ban đầu (khi chưa có kết quả phân lập vi khuẩn) thường phải dựa vào kinh nghiệm, dựa vào lứa tuổi, yếu tố thuận lợi… để định hướng vi khuẩn gây bệnh và sử dụng kháng sinh phổ rộng. Khi phân lập được vi khuẩn và có kết quả kháng sinh đồ, bác sĩ sẽ tham khảo kỹ lưỡng trước khi lựa chọn kháng sinh đặc hiệu.

Ở các nước đang phát triển, viêm màng não mủ do Haemophilus influenzae type b (Hib) có tỉ lệ tử vong khoảng 20-50%. Trên thế giới, ước tính có 400.000 – 700.000 trẻ tử vong hàng năm do các bệnh Haemophilus influenzae type b gây ra, gồm viêm màng não và viêm phổi. Nếu sống, trẻ vẫn có thể bị các biến chứng kéo dài trên hệ thần kinh và có thể bị tổn thương não vĩnh viễn như điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần vận động, não úng thủy hoặc sống đời sống thực vật…

Mẹ nên làm…

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp dù là viêm đường hô hấp trên hay đường hô hấp dưới cũng rất cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Hằng ngày nên vệ sinh họng, miệng cho trẻ.

Đối với trẻ lớn cần tập thói quen cho trẻ tự vệ sinh họng, miệng bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

Nên định kỳ cho trẻ đi khám bệnh về đường hô hấp. Nếu bác sĩ phát hiện trẻ mắc bệnh về đường hô hấp thì cần cho trẻ điều trị dứt điểm theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho con mình.

Nơi địa phương đang có dịch hoặc có trẻ nghi mắc bệnh viêm màng não mủ thì cần cách ly bệnh nhi và tránh tiếp xúc với trẻ bị bệnh vì vi khuẩn có thể lây qua các giọt nước bọt, chất nhày họng do bệnh nhi ho, hắt hơi hoặc nói bắn ra không khí xung quanh rồi trẻ lành trực tiếp hít phải sẽ mắc bệnh.

Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ.

Chủ động tiêm phòng vắc-xin cho con.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp
(BV Nhi Đồng 2)

Tags:

Bài viết liên quan