Mẹ&Con - Bạn không muốn, nhưng chuyện đó đã xảy ra: Gia đình đến hồi lục đục, xào xáo tới mức bạn cảm thấy mình như vượt quá giới hạn chịu đựng. Trong đầu bạn lúc này đã kịp xuất hiện một cách rõ ràng, rành mạch hai chữ “ly hôn”. Cứu vãn hay buông tay? Và cứu vãn bằng cách nào, có thể có hi vọng được không? Điều này quả là không dễ.

Cái ly đã nứt thì chỉ có cách bể luôn???

Gia đình anh Tuấn – chị Nga từng là mơ ước của rất nhiều người. Vợ chồng hiền lành, chăm chỉ, chí thú làm ăn, thương yêu nhau. Hai đứa con một gái, một trai đủ cả nếp tẻ kháu khỉnh và xinh xắn. Mong gì hơn nữa chứ! Nhưng… Đúng như người xưa bảo: “Ông trời không lấy đi của ai tất cả, và cũng không cho ai tất cả mọi thứ bao giờ”. Sáu năm sau ngày cưới, một trận “giông bão” kéo qua ngôi nhà nhỏ. Chị phát hiện anh có mối quan hệ “lầm đường lạc lối” với cô người yêu cũ về nước lại sau nhiều năm đi xuất cảnh. Đọc được những tin nhắn của anh và người yêu cũ, biết anh đã có cả chuyện chăn gối với cô ta, chị bủn rủn tay chân, cứ như người rơi xuống vực.

Với anh Quốc – chị Thi, những vết nứt lại xuất hiện từ trước đó rất lâu, nhưng anh không để ý. Vốn vô tư và khá vô tâm, anh cần mẫn làm công việc nghiên cứu của mình ở một cơ quan nhà nước, rất trách nhiệm với công việc, đi sớm về muộn, việc nhà yên tâm giao hết cho vợ. Chị Thi, vốn là mẫu phụ nữ tháo vát và đảm đang, một tay quán xuyến việc nhà, nuôi dạy con, lo liệu chính cả chuyện kinh tế gia đình (vì tuy anh làm nhiều nhưng công việc nghiên cứu nên lương vẫn chỉ ba cọc ba đồng). Những năm đầu không sao. Song, càng về sau, chị càng cảm thấy mệt mỏi khi nhận ra mình cứ như “trụ cột” gia đình, như một bà mẹ “đơn thân” vì từ chuyện sinh nở đến chuyện mua nhà, từ chuyện cái bóng đèn hư đến chuyện đưa con đi chơi, chị đều phải một mình gánh cả.

Cuu van hon nhan

(Ảnh minh hoạ)

Nói chuyện với anh hàng trăm lần, anh ậm ừ rồi mọi chuyện lại đâu vào đó. Có lúc ức chế, chị viết lên facebook của mình: “Trời ơi, bảy năm cuộc đời tôi!”, “Bảy năm như sống với người dưng”. Bạn bè xúm vào an ủi, động viên, chia sẻ, hỏi han. Nhưng bản thân anh thì vẫn lơ đãng phủi tay: “Ôi trời, cô ấy nói thế thôi chứ chẳng có gì nghiêm trọng đâu. Tôi cũng đâu ăn chơi gì, chỉ là làm việc thôi mà!”. Cứ thế, cho đến ngày chị gửi anh một email, bảo rằng đã đơn phương gửi đơn ly hôn rồi, về tài sản chị tính thế này, về con cái chị tính thế kia, anh có ý kiến gì không, anh chưng hửng cứ như… vợ đang giỡn!

Theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Minh Hạnh, hầu như gia đình nào cũng trải qua một đôi lần sóng gió đến mức nghiêm trọng, khiến vợ chồng phải đối diện trực tiếp với chữ “ly hôn”. Nếu tình yêu đã cạn kiệt luôn từ cả hai bên thì… chẳng còn chuyện gì để nói. Nhưng nếu tình yêu vẫn còn, một trong hai vợ chồng (hoặc cả hai) vẫn đánh giá cao ý nghĩa gia đình đối với mình, vẫn mong duy trì cuộc hôn nhân, thì những động thái tích cực cứu vãn sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, cũng giống như một cuộc “cứu hộ” giữa lúc mưa to gió lớn, thuyền đang tròng trành, xác suất thành công lúc này không cao. Một hành động sai lầm, dù nhỏ, sẽ có thể phá hỏng tan tành luôn cả công cuộc “cứu hộ”. Nhiều anh chồng bực tức chia sẻ với chuyên gia: “Vợ tôi thật cố chấp. Tôi đã biết lỗi và gắng sức sửa đổi rồi, đã về nhà sớm, thôi nhậu nhẹt, đã quan tâm hơn đến vợ con. Thế mà cô ấy cứ lạnh lùng, dửng dưng, thậm chí còn bảo rằng trễ rồi anh ạ, em không thay đổi nữa đâu!”

Thật ra, đừng quên rằng những tổn thương mà một trong hai vợ chồng đã phải chịu đựng kia vốn kéo dài nhiều năm, nhiều tháng. Đã trải qua bao nhiêu đêm âm thầm khóc một mình, đã trải qua bao nhiêu lần tha thứ rồi lại đau, trái tim cũng có “giới hạn chịu đựng” của nó và đừng chủ quan nghĩ rằng chỉ một vài nỗ lực vào phút cuối sẽ nhanh chóng thay đổi được tình hình. Muốn cứu vãn một cuộc hôn nhân đang mấp mé trên bờ vực ly hôn, chẳng thể chỉ vài biểu hiện “tích cực sửa chữa” mang tính tạm thời là làm được.

Xoay chuyển tình hình: Cần có một tình yêu lớn gấp đôi!

Đúng thế! Nếu như thời điểm vợ chồng bạn quyết định tiến đến hôn nhân, tình yêu của cả hai lớn bao nhiêu thì vào thời điểm cận kề với… ly hôn, để cứu vãn cuộc hôn nhân, cần có một tình yêu lớn gấp đôi như thế! Tất nhiên bạn sẽ thở dài: “Nếu thế thì… thua rồi, vì thời điểm yêu, trái tim còn đang rung rinh với bao điều mới mẻ. Chứ lúc này, trong lòng chỉ có sự mệt mỏi, chán chường, buồn bã, muốn yêu lại từ đầu làm sao được nữa!”

Thế nhưng, thật ra bạn đã vô tình quên mất một “sức mạnh” khác của mình. Đúng là tình yêu nồng nàn có thể phai nhạt đi nhiều theo thời gian, song vợ chồng bạn lại có thứ khác, đó là mối quan hệ giữa họ hàng thân tộc hai bên, là những đứa con kháu khỉnh mà bất kỳ người cha – người mẹ nào cũng chạnh lòng khi nghĩ sẽ làm con khổ với một gia đình không còn trọn vẹn. Bạn còn có những kỷ niệm, những cái “nghĩa” mà dù ít dù nhiều vẫn hiện hữu sau chừng ấy năm chung sống.

Chuyên gia tư vấn Minh Hạnh cho biết: “Quan trọng nhất lúc này là đừng cố tranh cãi, thanh minh, đổ lỗi cho nhau. Tất cả những việc đó chỉ góp phần tạo nên cảm giác chán chường và thúc đẩy việc ly hôn diễn ra chóng vánh hơn thôi. Hãy tập trung thể hiện những động thái cho thấy tình yêu của mình dành cho gia đình, cho chồng/vợ, cho con cái vẫn rất nhiều. Đó là công thức đơn giản nhất may ra làm động lòng người bạn đời của mình, thay đổi và xoay chuyển tình huống”.

Như câu chuyện của anh Tuấn – chị Nga. Đối diện với lá đơn xin ly hôn của vợ, anh âm thầm thể hiện tất cả những nỗ lực cuối cùng: Cắt đứt mối quan hệ với người yêu cũ, cương quyết không trả lời những cuộc điện thoại, những tin nhắn nhớ thương kia. Anh chăm sóc con, đưa con đi học. Anh về sớm hơn để cùng chia sẻ với vợ việc nhà. Bữa tiệc sinh nhật vợ, anh cùng các con chuẩn bị những thứ “vụng về” để làm quà cho vợ. Tất cả những điều đó đã lay chuyển được chị Nga.

“Khi đọc email của chồng, viết rằng mong em cho anh một cơ hội cuối, đây không chỉ là cơ hội của riêng anh, mà là của cả nhà mình, anh không thể xa em và các con, tôi đã khóc. Đắn đo nhiều ngày, cuối cùng chúng tôi trở về lại bên nhau. Tất nhiên, đâu đó trong lòng vẫn ám ảnh những tổn thương. Nhưng may mắn cho chúng tôi là tình yêu trong lòng cả hai chúng tôi đều còn rất lớn, và chồng tôi đã rất kiên trì…”, chị Nga chia sẻ.

Cuu van hon nhan

(Ảnh minh hoạ)

Có một nguyên tắc mà chuyên gia tâm lý thường đưa ra cho những “nhân viên cứu hộ con thuyền hôn nhân”. Đó là tránh tuyệt đối cứ chăm chăm phân tích sự việc và tìm cách chối bỏ lỗi của mình. Chẳng hạn khi vợ quyết định ly hôn vì “có chồng cũng như không”, nhiều anh chồng thất bại chỉ vì cố tìm cách chứng minh rằng mình có quá nhiều ưu điểm (không bài bạc rượu chè, không trai gái lăng nhăng, không làm gì… sai), trong khi lại cố tình “lờ” đi những nguyên nhân thực tế dẫn đến tình trạng nứt vỡ tình cảm gia đình (chồng đi sớm về muộn, thờ ơ không quan tâm đến việc nhà, không chia sẻ khó khăn cùng vợ, không hiểu vợ nghĩ gì, v.v.). Thậm chí, có anh vào thời điểm nhạy cảm này còn… hăng hái “kể tội” lại vợ, cho rằng vợ có rất nhiều điểm “xấu” khác mà mình đã không hề nói đó thôi. Phản ứng này chỉ có thể dẫn đến mong muốn ly hôn nhanh hơn, chứ không thể vì phát hiện chồng mình quá “tốt” (qua những phân tích của chồng) mà vợ chấp nhận xoay chuyển tình thế được.

Hãy lắng nghe nhau, bớt khẳng định mình đúng – người sai. Hãy hướng về mục tiêu duy nhất: Cố giữ lại cho các con và cho chính mình một mái ấm gia đình. Tôn trọng người bạn đời, bình tĩnh tìm cách cứu vãn và giải tỏa cho người kia. Đó là những cách đơn giản nhưng hiệu quả sẽ giúp ích cho bạn.

Và lời khuyên cuối cùng từ chuyên gia: “Đừng đợi đến khi ở sát mí của tình trạng đổ vỡ hôn nhân mới cố tìm cách cứu vãn. Xác suất thành công cho bạn lúc này chỉ còn là rất thấp. Thay vì thế, hãy luôn nhắc nhở mình nâng niu, trân trọng gia đình. Cố gắng vun đắp cho mái ấm của mình trong từng năm tháng sống chung. Bằng cách đó, khi một chuyện sóng gió xảy ra, người ta vẫn có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân, khi hồi tưởng lại những tháng ngày êm đềm, và biết rằng mình đã có từ mái ấm này rất nhiều điều, chứ không chỉ là những tiếng thở dài và những giọt nước mắt…” Chắc chắn, đây là một lời khuyên đáng giá mà bạn cần ghi nhớ.

Tags:

Bài viết liên quan