Mẹ&Con – Con biết đi! Đó là sự kiện trọng đại trong đời của mẹ. Không gì tuyệt vời hơn cái cảm giác nửa hồi hộp, âu lo, nửa mừng vui, hạnh phúc khi bạn buông tay ra, nhìn thấy con tự mình lẫm chẫm những bước đầu đời

Lam cham buoc dau doi

(Ảnh minh hoạ)

Làm gì khi con bắt đầu chập chững?

Ngay khi con có dấu hiệu muốn đứng, muốn đi, nhiều bà mẹ rất thích nên lập tức tậu về cho con một chiếc xe tập đi, háo hức đặt con vào và mong bé sẽ biết đi thật sớm. Tuy nhiên, xin nhắc bạn rằng việc này là sai lầm! Lạm dụng xe tập đi ngay từ đầu có thể khiến bé yếu, biết đi muộn hơn và khó thể “tự chủ” với chuyện đi.

Nguyên nhân là vì khi bị đặt vào xe tập đi quá sớm, bé sẽ hình thành thói quen tựa ngực vào thành xe, lao người về phía trước. Động tác này lại không phải là động tác hữu ích với việc tập đi. Để đi vững, bé nhất thiết phải học được cách giữ thăng bằng. Và điều đó nghĩa là bé thật sự cần tập những bước lẫm chẫm đầu tiên trong sự hỗ trợ của mẹ, nhưng ở tình trạng “tự lực cánh sinh” chứ không dựa vào xe tập đi 6 bánh.

Một việc khác nữa, khi đi bằng xe tập đi, bé sẽ không luyện tập được cơ đùi và mông. Trong khi hai cơ này lại cực kỳ quan trọng với việc tập đi của bé. Lạm dụng xe tập đi còn khiến cho lưng và chân bé dễ bị cong khi cứ phải “khuỳnh” ra theo tư thế ở trong xe. Rồi thì bé không kiểm soát được “tốc độ” của mình (do bé lao về phía trước là các bánh xe cũng lao theo hỗ trợ nên sẽ đi nhanh hơn mức bình thường). Tất cả những điều đó đều có thể tạo nên ảnh hưởng không tốt cho bé trong quá trình tập đi.

Nói như thế nghĩa là, bạn chỉ nên xem chiếc xe tập đi như một công cụ hỗ trợ. Không nên lạm dụng chúng. Còn lại, hãy dành thời gian cho con, để trở về với các “phương pháp… cổ truyền”, giúp con chập chững những bước đầu tiên một cách tự nhiên. Bàn tay của mẹ nâng đỡ, dẫn dắt bao giờ cũng tốt hơn mọi chiếc xe tập đi khác ở trên đời. Bạn sẽ có thể giúp bé giữ thăng bằng, biết đi một cách chậm mà chắc, thật vững vàng.

Thêm một điều nữa liên quan đến chuyện tập đi của con mà mẹ cần đặc biệt quan tâm. Đó là giai đoạn này, bạn cần chịu khó đầu tư mua cho trẻ những đôi giày thật tốt. Đừng thấy con còn nhỏ quá, sẽ lớn “vù vù”, giày sẽ mau chóng chật nên… tiết kiệm bằng cách mua giày cỡ lớn “trừ hao”, hoặc mua giày giá rẻ, kém chất lượng. Bàn chân của bé khi mới tập đi còn rất yếu. Bé cần sự hỗ trợ của một đôi giày thật êm, thật vừa vặn, để bảo đảm an toàn cho đôi chân cũng như sức khỏe.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý là không nhất thiết lúc nào cũng cho bé mang giày. Tập đi bằng chân trần trên sàn nhà sạch sẽ giúp bé “cảm nhận” được từng bước chân của mình rõ rệt hơn, khiến bé đi vững và tự nhiên hơn. Nhiều mẹ sợ con lạnh chân, dễ ốm nên cứ cho bé mang vớ lúc tập đi.

Điều này là không nên vì bé sẽ rất dễ trượt ngã (bạn đi bằng vớ trên sàn nhà còn cảm thấy dễ té ngã nữa là bé!). Giày hoặc chân trần, đó là công thức đơn giản của bạn. Nếu sàn nhà của bạn lót gỗ, đó là cơ hội tốt để bé tập đi thuận lợi, dễ dàng, và “ấm chân” hơn.

Cẩn thận!
Tuyệt đối không để bé đi chân trần ngoài đường hay trên cát ở các bãi biển vì chân bé rất dễ bị tổn thương khi dẫm vào mảnh thủy tinh, gai nhọn, đá sỏi… Nên ưu tiên cho giày, vì khi mới tập đi, nếu điều khiển chân với một đôi dép, bé sẽ rất vất vả và dễ “nản lòng”.

Đi nào, bé yêu ơi!

Khi mới biết đi, bé sẽ đi với tư thế rất ngộ nghĩnh, buồn cười. Chân bé khuỳnh ra, bé vừa đi vừa giơ hai tay để giữ thăng bằng. Bạn không cần lo lắng khi cảm giác như bé bị “vòng kiềng”.Chuyện này sẽ từ từ thay đổi khi bé có thể bước vững vàng hơn. Tuy nhiên, nếu như đến khi bé biết đi vững mà vẫn còn tình trạng này, bạn cần đưa bé đến khám bác sĩ.

Tất nhiên theo trình tự, bé sẽ tập đứng trước rồi mới tập đi. Nghĩa là bé sẽ rướn người, đứng dậy, đứng vững rồi thì mon men bước theo những vật có tay vịn như thành giường, thành ghế… Song, cũng chẳng có gì đáng lo nếu như con bạn bỏ qua giai đoạn đó, háo hức muốn đi luôn. Không cần so sánh bé với trẻ hàng xóm, cũng không cần cố “kiềm hãm” bé lại với hi vọng con sẽ tập đứng cho vững đã rồi sẽ tập đi.

Bạn chỉ cần thực hiện các bước hướng dẫn, khuyến khích như nâng đỡ con, thả bé ra và đứng cách đó vài bước, vỗ tay, vẫy gọi, cầm đồ chơi, khuyến khích bé bước tới để lấy.

Lưu ý là khi bé tập đi, bạn muốn nâng con thì nâng ở phần thân chứ không phải ở tay hoặc chân bé. Bạn có thể sử dụng các dụng cụ như dây đai tập đi (bé mặc vào người, bạn chỉ cầm dây nâng đỡ, giữ khi bé ngã).

Một điều đặc biệt quan trọng cần nhớ trong giai đoạn này là khi con càng lúc càng lớn, càng “biết” nhiều thứ hơn thì nghĩa là bé cũng dễ gặp tai nạn hơn. Bạn phải để mắt đến bé mọi lúc mọi nơi, luôn đặt ra câu hỏi trong đầu là liệu mọi thứ quanh đây có đủ an toàn với bé không. Hết sức cẩn thận nhé! Đã từng có những trường hợp, mẹ chủ quan đặt con trong xe đẩy tập đi, sau đó mải mê làm công việc khác.

Chỉ cần bé trượt người tới trước, xe có thể ngã, bé có thể va vào đủ mọi chướng ngại vật nguy hiểm phía trước mà không biết. Song, nói vậy cũng không có nghĩa là bạn cứ “ủ” bé suốt ngày, không dám buông tay. Một vài lần bé vấp ngã, khóc? Không sao cả! Bạn đừng xót con. Chính những vấp váp như thế sẽ khiến bé vững vàng hơn, tự tin hơn với từng bước chân sau này.

Tags:

Bài viết liên quan