Ly thân là chuyện chẳng-đặng-đừng, chuyện bạn không hề mong nhưng nó có thể xảy đến với bất cứ gia đình nào. Cư xử sao cho “đẹp” trong khoảng thời gian tạm ly thân cũng là điều cần nghĩ đến. Bởi lẽ, có những đôi vợ chồng, sau thời gian ly thân là một kết cuộc đoàn viên trở lại. Cũng có những đôi, sau ly thân thì xem nhau như thù địch và hoàn toàn không thể… nhìn nổi mặt nhau!
1. Luôn nhớ: Ly thân chưa phải là… “độc thân”!
Nhiều người ngay khi ly thân lập tức vội vàng tung tẩy, thỏa sức buông mình cho một cuộc sống “tự do” mới. Chẳng hạn, thay vì về nhà lúc 6h tối, bạn la cà đi chơi đến tận 12h khuya hoặc thậm chí qua đêm. Khi vợ/ chồng vẫn còn “hiện hữu” trong nhà, bạn đã vội vàng tủm tỉm cười với các tin nhắn, các cuộc điện thoại “bóng gió”, “ỡm ờ” với sự có mặt của người thứ ba.
Tất cả những cư xử này đều là không nên! Hãy biết rằng, để hôn nhân gãy gánh nửa chừng là lỗi không của một người. Trong cuộc, ngoài vợ chồng bạn còn có các con, còn có người thân, còn có bạn bè chung của gia đình, còn có gia đình chồng vợ hai bên. Đừng khiến người khác tổn thương bằng cách “cố ý” tỏ ra mình đã là một người “tự do”, thích làm gì thì làm, không quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của ai khác nữa (phần lớn hành xử này là nhằm để “trả thù”, làm tổn thương chồng/ vợ của mình).
Hãy nhớ, trên cơ sở pháp lý, chỉ khi ly hôn mới là kết thúc thật sự một cuộc hôn nhân. Còn trong tình huống ly thân, bài học kinh nghiệm vẫn đang mở ra và vẫn còn có nhiều hướng giải quyết nằm phía trước. Cách cư xử đúng cho bạn là nên tạm khép mình lại, trầm tĩnh nhìn mọi thứ đã qua, suy nghĩ lại về mối quan hệ của vợ chồng mình. Những ứng xử bình tĩnh, sáng suốt, thấu tình đạt lý của bạn lúc này có khả năng quyết định số phận cuộc hôn nhân và cuộc sống của con cái về sau.
2. Tôn trọng, nhẹ nhàng, tránh cãi vã
Nhắm mắt lại đi, hãy nhớ đến những ngày đầu tiên khi vợ chồng bạn cưới. Tay trong tay, hạnh phúc tràn đầy, hứa với nhau vun vén một mái gia đình và đi trọn đời cùng nhau, đúng không? Vậy thì giờ đây, ngay cả lúc đang đứng ở bờ vực hôn nhân này, bạn cũng thật sự nên dành cho người đã từng đi cùng mình một chặng đường dài một sự tôn trọng, nhẹ nhàng, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói.
Khái niệm ly thân thường được hiểu như là sự tạm dừng chung sống, đặc biệt là về phương diện “gối chăn” giữa cặp vợ chổng, do những bất đồng, mâu thuẫn trong gia đình, mà thường là chưa có sự can thiệp về mặt hành chính, pháp lý từ bên ngoài.
Nếu quá bực tức, hãy tránh đi. Đừng cãi vã! Bạn hãy thử xem người bạn đời của mình như “bạn”: Chừng mực và cư xử nhã nhặn, giữ lại trong lòng người kia một hình ảnh đẹp về mình. Có rất nhiều đôi vợ chồng suýt mất nhau nhưng khi thấy bạn đời của mình cư xử nhã nhặn, nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ly thân này thì bình tĩnh nhìn lại, nhận ra vẫn còn thương và vẫn còn cần nhau nhiều lắm. Có thể bạn bảo rằng trong lòng bạn “nguội lạnh” rồi, bạn không muốn gì nữa cả nên không cần sự quay lại ấy! Nhưng hãy nghĩ xem, sẽ rất tốt nếu bạn giúp các con thấy rằng cha mẹ dù không chung sống cùng nhau nữa nhưng vẫn rất mực tôn trong nhau. Điều đó chỉ có lợi cho bạn mà thôi!
3. Nhìn lại bản thân mình
Trước lúc ly thân, ai cũng đùng đùng cho rằng lỗi nằm ở… người kia. Nhưng đây là khoảng thời gian tĩnh lặng giúp bạn có cơ hội nhìn lại chính mình đấy. Hãy xem lý do ly thân của vợ chồng bạn “hợp lý” chưa hay nó chỉ bắt nguồn từ chỗ giận hờn, làm nư, định giận để chồng… xuống nước xin lỗi trước? Nếu lý do ly thân của bạn chưa phù hợp, chẳng hạn vợ chồng còn rất thương nhau nhưng vì vài ba chuyện hiểu lầm, ghen tuông mà xa nhau, hãy thử nghĩ xem mình có nên hàn gắn?
Ly thân không phải là… “đình công”, bạn nhớ nhé! Đây gần như là cơ hội cuối của bạn trước khi vuột tay mất đi một mái ấm gia đình mà mình đã mất bao công sức gầy dựng nên. Vì vậy, bạn cần bình tâm để nghĩ suy, nhìn nhận thấu đáo mọi việc và trung thực với chính mình, đừng “bao che” cho bản thân mình. Nếu bạn có lỗi, sao không nghĩ đến việc xin lỗi hay nỗ lực hàn gắn? Nếu chồng có lỗi, hãy thử một lần nhìn nhận lại vấn đề công tâm, xem mình có góp phần đẩy chồng vào “lỗi” ấy không, có làm tròn bổn phận một người vợ chưa, có thể bao dung một lần nữa hay không?
4. Chia sẻ thẳng thắn cùng con cái
Đừng đóng kịch, giả vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra trước mặt con. Bạn biết không, thực tế trẻ nhỏ luôn nhạy cảm hơn nhiều so với bạn tưởng. Trẻ có thể nhận ra cha mẹ “giận” nhau rất nhanh và trong trường hợp cha mẹ đóng kịch như vậy, mức độ rối nhiễu tâm lý của trẻ sẽ trầm trọng lên rất nhiều so với trường hợp cha mẹ cho trẻ biết sự thật một cách đàng hoàng.
Vì vậy, vợ chồng bạn nên nghiêm túc nói với con rằng cha mẹ có việc muốn nói cùng con. Hãy chuyện trò với con, chia sẻ thẳng thắn rằng cha mẹ đang ở trong giai đoạn rất khó khăn, có vài vấn đề với nhau và cần suy nghĩ xem có thể chung sống với nhau tiếp tục hay không. Cũng nên cho trẻ biết rằng việc này hoàn toàn không phải “lỗi” do trẻ và cho dù thế nào, cả cha lẫn mẹ đều yêu thương trẻ vô bờ bến.
5. Đừng vội “tích cực”… phân chia tài sản
Không ít đôi vợ chồng ngay thời điểm ly thân đã lục tục tìm cách phân chia tài sản, phân định “đâu là của anh, đâu là của tôi”. Việc này rất gây tổn thương và chỉ làm tình trạng ly thân trở nên căng thẳng thêm, đẩy nhanh thêm đến bước ly hôn.
Nếu bạn thật sự cảm thấy rằng không thể “quay về”, không thể có cách giải quyết nào khác cho cuộc hôn nhân của mình, nên ngồi xuống cùng người bạn đời, bình tĩnh đưa ra từng giải pháp cho tương lai của con cũng như tương lai của hai người.
Cần thiết thì có thể nhờ đến pháp luật can thiệp (cho sự tranh chấp về con cái, tài sản) nhưng tốt hơn hết, vợ chồng bạn nên thử tìm cách thỏa thuận cùng nhau, sao cho ít gây tổn thương tâm lý của nhau và tâm lý của các con nhất. Trong trường hợp bạn cảm thấy mình đang bị “xử ép” hoặc thiệt thòi, vẫn nên cố gắng giữ lấy cách cư xử chừng mực và trao đổi riêng với luật sư để tìm hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.
Trong thời gian ly thân, vợ chồng có thể sống riêng hẳn dưới hai mái nhà khác nhau hoặc vẫn chung nhà nhưng… tách phòng, tách giường theo kiểu “sống chung nhưng ăn ngủ riêng”, hoặc “sống chung, ăn chung nhưng ngủ riêng”. Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, bạn cũng cần học cách cư xử phải phép, hợp lý, hợp tình với khoảng thời gian nhạy cảm này. Nhất là trong trường hợp bạn đã có con, vì trẻ nhỏ rất dễ tổn thương sâu sắc khi nhìn thấy cách hành xử của cha mẹ.
6. Chuẩn bị tâm lý cho mình
Sau những ngày ly thân, sẽ có hai con đường khác nhau hoàn toàn. Thứ nhất, vợ chồng bạn đoàn tụ lại. Thứ hai, vợ chồng bạn sẽ ly hôn. Dù đi con đường nào, bạn cũng cần có một sự chuẩn bị tâm lý cho mình.
Nếu đoàn tụ, bạn sẽ tha thứ được cho chồng không? Làm cách nào để quên đi những chuyện không vui? Làm cách nào để “bắt đầu lại từ đầu”? Làm cách nào để sửa đổi chính mình, để xây dựng lại một mái gia đình suýt tan vỡ? Ngược lại, nếu chia tay, bạn có vượt qua được những suy sụp tinh thần? Có thể bắt đầu lại như thế nào với một cuộc sống mới, khi không còn chồng/ vợ ở bên?
Hãy chuẩn bị tâm lý cho mình. Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng hãy biết rằng bạn chỉ có một cuộc đời và bạn cần sống hạnh phúc, nhẹ nhàng, vượt qua suy sụp và thù hận. Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn trong lúc này, thử tìm đến các chuyên viên tâm lý, những người bạn thân để chia sẻ, lắng nghe góp ý từ họ.
7. Yêu thương bản thân mình hơn
Cho dù tiếp tục hay chia tay, sau “sự cố” này, khi đã có khoảng lặng nhìn nhận lại tất cả mọi việc, mọi giá trị của cuộc sống, bạn cần rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Hãy yêu thương bản thân mình hơn một chút. Thay đổi một kiểu tóc, đăng ký một lớp học yoga, thử làm vài điều lành mạnh mà trước kia bạn rất muốn được làm nhưng không có thời gian… Tất cả những điều đó sẽ giúp bạn tô nên màu sắc mới cho cuộc sống của mình.
Nếu sum họp, điều đó sẽ khiến người bạn đời nhìn thấy ở bạn những nét đáng yêu hơn. Nếu chia tay, bạn cũng sẽ giúp chính mình vượt qua giai đoạn khó khăn, thay vì gặm nhấm nỗi buồn thì bình an bắt đầu một cuộc sống mới.
8. Chuyện trò cùng con về quyết định cuối của vợ chồng
Kết thúc giai đoạn ly thân, đã đến lúc vợ chồng bạn đưa ra quyết định. Ngồi lại với nhau, nói hết mọi thứ cùng nhau, sau cùng, bạn nên có cuộc nói chuyện với các con, để cho con biết “tình hình chung cuộc”.
Hãy thực hiện điều này nghiêm túc. Ví dụ vợ chồng bạn quyết định sẽ cùng sửa sai, cùng thay đổi, nên nói cho con biết điều ấy. Nếu quyết định chia tay, bạn cũng cần nói chuyện với con, chia sẻ cùng con kế hoạch của bố mẹ sắp tới, xem các con sẽ sống cùng ai, sẽ có những thay đổi thế nào. Chắc chắn trẻ sẽ sốc trong trường hợp này nhưng nếu bạn nói chuyện bình tĩnh, nhẹ nhàng, chân thành, con sẽ hiểu vấn đề và có được sự thích nghi hoàn cảnh tốt hơn. Luôn nhớ rằng con là một thành viên của gia đình và con cần được biết sự việc chứ không phải đột ngột đặt vào chuyện đã rồi. Trong mọi hoàn cảnh, bạn nên giữ thái độ tích cực với con, để con hiểu đây là một giai đoạn khó khăn nhưng không có nghĩa là… chấm hết!
Trường hợp chồng bạn hành xử bằng bạo lực…
Trong tình huống như vậy, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của pháp luật là hoàn toàn chính đáng và cần thiết trong giai đoạn ly thân. Nó không chỉ nhằm bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ mà còn bảo vệ quyền của trẻ em được sống và phát triển bình thường trong một bầu không khí gia đình thuận lợi, không có những xung đột, bạo lực gay gắt giữa bố mẹ. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ luật sư, các cơ quan đoàn thể, hội phụ nữ…