Vì sao con vừa béo phì vừa suy dinh dưỡng
Béo phì nhưng suy dinh dưỡng, còn gọi là suy dinh dưỡng thể phù, nguyên nhân là do trẻ mắc một số bệnh di truyền hoặc nhiễm khuẩn sơ sinh kết hợp với chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý.
Bên cạnh đó, do mẹ chăm sóc sai cách: Trẻ không được bú mẹ chỉ dùng sữa công thức, nước cháo pha sữa, bột dinh dưỡng… hoặc kiêng khem quá mức khi mắc bệnh. Trẻ không được theo dõi cân nặng thường xuyên, chế độ ăn cung cấp không đủ các nhóm thực phẩm cần thiết, sử dụng những loại sữa không phù hợp với trẻ.
Suy dinh dưỡng có thể gây ra nhiều tác hại như tăng nguy cơ bệnh lý, trẻ bị chậm phát triển về mặt trí tuệ và tâm thần… đặc biệt nguy hiểm nếu trẻ bị suy dưỡng nhưng không được phát hiện sớm. Vì vậy việc phòng bệnh là rất quan trọng để phòng tránh những nguy cơ cho trẻ.
Triệu chứng mẹ cần biết
Khi bị suy dinh dưỡng thể phù, con sẽ có các dấu hiệu: Phù trắng, mềm toàn thân do giảm đạm máu, giảm albumin trong máu làm giảm áp lực keo nên tăng thoát nước ra khoảng gian bào; Rối loạn sắc tố da; Thiếu máu : Da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng…; Còi xương, biểu hiện thiếu vitamin D, hạ canxi huyết; Biểu hiện thiếu vitamin A : còi cọc, khô giác mạc, quáng gà, hay bệnh…; Triệu chứng bệnh ở các cơ quan: Gan thoái hoá mỡ, suy tim, giảm tiêu hoá hấp thu; Chậm phát triển tâm thần, vận động.
Phòng bệnh như thế nào?
Chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ để tránh suy dinh dưỡng bào thai, mẹ cần đi khám thai định kỳ đầy đủ trong thai kỳ. Khi bé trào đời: Bú mẹ càng sớm càng tốt, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi.
Cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng tuổi, chế độ ăn cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột, chất béo, chất đạm, rau quả tươi. Trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa thì cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, tuyệt đối không dùng nước cháo đơn thuần để nuôi trẻ.
Theo dõi cân nặng cho bé bằng cách mỗi tháng cân trẻ một lần, trẻ từ 2 -5 tuổi thì 2 – 3 tháng cân một lần, để ý những dấu hiệu trên cơ thể bé, đặc biệt là khi bé mập lên một cách bất thường.
Bên cạnh đó, nên khám sức khỏe định kỳ và tham vấn dinh dưỡng để cân đối lại chế độ ăn hợp lý cho bé.