Mẹ&Con – Vấn đề tâm lý và dinh dưỡng là hai nguyên nhân chính khiến bé yêu gặp ác mộng.

Chào bác sĩ!

Con gái tôi mới 6 tuổi. Trước kia, cháu ngủ rất êm, không hề có vấn đề gì bất thường. Nhưng cách đây 2 tháng, gia đình ở quê có tang cụ cố. Chúng tôi có đưa cháu về dự đám tang. Không hiểu sao từ đó đến nay, cháu rất hay gặp ác mộng và nói sảng trong khi ngủ. Mỗi lần thức dậy, cháu rất hốt hoảng, sợ hãi. Xin bác sĩ tư vấn giúp bây giờ tôi nên làm gì? Cháu như vậy có phải là có vấn đề về thần kinh? Có nên đưa cháu đi khám bác sĩ không? Những người lớn trong xóm thì bảo hay là tại cụ cố “quở”, tại cháu đi đám tang… Nhưng tôi không tin như thế.

Nguyễn Thị Ngọc (Quận Gò Vấp)

bác sĩ trả lời 

Có 2 nguyên nhân chính gây ra những cơn ác mộng ở trẻ: thứ nhất là về vấn đề tâm lý, thứ hai là chế độ dinh dưỡng. Bé mới 6 tuổi, về quê xa, lần đầu dự đám tang nên có thể có những ám ảnh nào đó mà bố mẹ không để ý. Đó là chưa kể nhỡ có người nào đùa, kể những chuyện rùng rợn cho cháu nghe thì tình trạng sẽ càng “gay go” hơn.

Bạn nên nhẹ nhàng gần gũi bé, hỏi chuyện, chia sẻ nếu bé có lo lắng điều gì. Đừng thực hiện những biện pháp cúng bái, đồng cốt sẽ càng dễ ảnh hưởng tâm lý, khiến trẻ hoảng sợ hơn. Cũng có thể hỏi con về những giấc mơ, cố gắng đưa bé đi chơi, tiếp cận với những điều mới mẻ, trang trí lại phòng ốc của con, mua cho con chăn nệm mới với màu sắc sinh động, vui tươi, v.v.. Những biện pháp đó đều tốt cho việc ổn định tâm lý của bé.

Bạn cũng nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của bé, đừng để thiếu hụt chất. Hãy cho bé ăn đủ bữa, bữa tối nên cách giờ ngủ trên 2 tiếng. Nên bổ sung cho trẻ thêm kẽm, canxi, các vitamin, v.v. thông qua các loại thực phẩm hàng ngày. Trong trường hợp đã làm tất cả những việc trên mà vẫn không cải thiện được tình hình, trẻ vẫn thường xuyên gặp ác mộng, bạn có thể đưa con đến khám bác sĩ để được kiểm tra và có cách điều trị tốt nhất.

Bác sĩ Phạm Khuê Anh

Tags:

Bài viết liên quan