Mẹ&Con – Trẻ nhỏ ở tuổi học cấp 1 rất thường xảy ra tình trạng “giận hờn” nhau vì những chuyện vô cớ, cư xử có phần… “trẻ con” kiểu như đánh thước kẽ vào tay bạn, vạch phấn phân chia “ranh giới” trên bàn, che tập không cho bạn xem, v.v..

Chào bác sĩ!

Năm học vừa mới bắt đầu mà ngày nào tôi cũng phải nghe con gái “càm ràm” về bạn cùng bàn của bé rồi. Con tôi mới học lớp 3, bạn cùng bàn của bé là một bé gái khác. Theo lời bé kể thì bạn không thích con. Ở trong lớp, khi cô đọc bài, con tôi chép không kịp hỏi bạn thì bạn che tập lại, không cho bé xem (dù không phải là làm bài kiểm tra mà chỉ đang chép bài cô giáo đọc thôi). Bạn của bé lấy phấn gạch giữa bàn, con tôi đụng cùi chỏ sang một chút cũng bị bạn lấy thước đánh vào cùi chỏ.

Ban đầu, tôi nghĩ chỉ là chuyện trẻ con nên cũng chẳng quan tâm lắm. Nhưng dần dần tôi nhận ra con stress vì chuyện này chứ không hề chỉ là “chuyện nhỏ”. Bé đi học không thấy vui, về nhà cứ nằng nặc bảo tôi là con khó chịu quá, bực mình bạn quá. Tôi làm sao bây giờ ạ? Có nên xin cho bé chuyển chỗ không? Bàn của bé ở lớp chỉ có 2 học sinh ngồi. Bé không thoải mái sẽ ảnh hưởng việc học, vì có rất nhiều thứ như dò bài cùng nhau, ôn bài, hỏi han nhau, v.v. bé sẽ làm với bạn cùng bàn chứ không phải chỉ là học ở thầy cô được. Mong chuyên gia tư vấn giúp đỡ.

Trần Hoàng Yến (Quận 1)

bác sĩ trả lời

 

Chị đừng lo lắng quá vì thật ra trẻ nhỏ ở tuổi học cấp 1 rất thường xảy ra tình trạng “giận hờn” nhau vì những chuyện vô cớ, cư xử có phần… “trẻ con” kiểu như đánh thước kẽ vào tay bạn, vạch phấn phân chia “ranh giới” trên bàn, che tập không cho bạn xem, như kiểu con gái chị đang gặp phải. Hầu hết những chuyện giận hờn vặt vãnh này sẽ nhanh chóng mất đi khi các bé tìm ra được điểm tương đồng ở nhau, có thời gian chơi đùa, sinh hoạt, học tập chung.  

Nhưng tất nhiên cũng không thể thụ động ngồi chờ đến lúc đó được (nhất là khi con bạn đang stress). Thay vào đó chị nên chủ động chuyện trò với con, giải thích và làm cho con nguôi bớt cảm giác khó chịu về bạn. Ví dụ như có thể nói với bé là: “Tại bạn còn lạ lớp, lạ bạn nên chưa muốn nói chuyện với con, chứ không phải bạn ghét con!”. Có thể mua cho con một vài món đồ chơi nhỏ, để con mang lên lớp, chủ động tặng bạn hoặc rủ bạn chơi chung. Chị cũng có thể thử đưa con lên lớp, vui vẻ chào hỏi bạn của con lúc đầu giờ hoặc cuối giờ, xin số điện thoại phụ huynh của bé để hai gia đình tạo điều kiện cho các bé có những hoạt động ngoại khóa với nhau.

Nên hạn chế việc xin đổi chỗ ngồi của bé, vì điều đó dễ tạo nên những tâm lý không tốt cho bé, khiến tình cảm của bé với bạn càng trở nên căng thẳng hơn. Thay vào đó, chị có thể trao đổi riêng với giáo viên chủ nhiệm, để cô giúp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bé cùng ôn tập, học nhóm với nhau… Dần dần, bé sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn với mối quan hệ bạn bè này, chị ạ!

Bác sĩ Lê Phương Thúy

Tags:

Bài viết liên quan