1. Báo cáo với sếp
Đây là khâu đầu tiên bạn nên nghĩ tới nếu vẫn muốn công việc của mình thuận lợi khi mang thai. Tốt nhất, bạn nên báo với cấp trên trực tiếp về tình trạng mang thai của mình lúc thai đã được 9-10 tuần tuổi. Cần trao đổi thẳng thắn với sếp về việc sinh em bé (thời điểm bạn sẽ sinh) đồng thời lên kế hoạch công việc của bạn trong thời gian mang thai. Nên nhớ, công việc cần phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bạn không thể cùng lúc giải quyết tất cả các công việc hay ôm việc như trước đây được nữa.
Những điều nên tránh khi đi làm lúc mang thai:
– Công việc mang vác nặng, phải đứng quá lâu hoặc môi trường làm việc có nhiệt độ cao, nhiều tiếng ồn
– Việc phải tiếp xúc với hóa chất thường xuyên.
– Trang điểm đậm khi đi làm hay dùng nhiều hương liệu, mỹ phẩm.
2. Đồ bầu đến chỗ làm!
Không phải cứ có thai là bạn mặc ngay những chiếc áo bầu rộng thùng thình. Bạn vẫn có thể diện đồ công sở bình thường cho đến khi bạn không thể cài khuy những chiếc quần vẫn mặc thường ngày, lúc ngồi xuống (một dấu hiệu cho biết bạn nên mặc đầm bầu rồi đấy). Chỉ lưu ý là bạn không nên cài nút áo vest và nên chọn áo khoác dài hơn những chiếc áo bình thường một chút.
Những bộ trang phục hơi ôm ngang lưng, rộng rãi ở phần bụng, độ co giãn tốt sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc. Với quần, bạn cũng nên để ý đến những chiếc quần lưng thun, kết hợp với những đôi giày đế thấp để đi lại dễ dàng, an toàn.
3. Trang điểm
Một “công đoạn” không thể bỏ qua lúc bạn đến công sở làm việc. Tuy nhiên khi mang thai, bạn nên hạn chế điều này. Bạn chỉ nên trang điểm thật nhẹ (sao cho mặt mày không nhợt nhạt là ổn rồi) với các loại mỹ phẩm có thương hiệu, không gây phản ứng phụ. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về loại mỹ phẩm dành riêng cho phụ nữ có thai.
4. Giảm các triệu chứng thai nghén
Đến công ty làm việc mà suốt ngày bạn cứ muốn… buồn nôn thì không hay chút nào! Để hạn chế những triệu chứng này, bạn cần lên sẵn những thực phẩm, hương thơm mình hay bị buồn nôn khi ở nhà để có thể “tránh xa” nó lúc làm việc. Bên cạnh đó, “trữ” sẵn một ít thức ăn nhẹ (bánh quy, các loại kẹo có vị the, chua) sẽ giúp bạn không bị buồn nôn vì quá no hoặc quá đói.
Không nên bỏ qua giấc ngủ trưa (khoảng 30 phút mỗi ngày) ở công ty nếu không, cảm giác mệt mỏi sẽ làm bạn dễ bị buồn nôn. Và một điều khá quan trọng là bạn cần uống đủ nước, nhất là khi bạn làm việc trong môi trường máy điều hòa nhiệt độ.
5. Làm việc hợp lý
Mang thai khiến bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhất là vào những tháng đầu và cuối của thai kỳ. Do đó bạn cần sắp xếp công việc của mình cho hợp lý. Nếu bạn làm việc hiệu quả nhất vào buổi chiều thì nên để những việc quan trọng, cần tập trung cao vào thời điểm này, buổi sáng chỉ làm những việc lặt vặt và ngược lại.
Đừng ngần ngại cắt bỏ hết những công việc linh tinh, rườm rà, không phải chuyên môn của mình. Chỉ cần chú tâm vào việc bạn phụ trách chính, thường xuyên nghỉ ngơi, thư giãn để hiệu quả công việc không bị ảnh hướng ngay cả khi bạn mang thai.
6. Vận động nhẹ nhàng
Khi có thai, bạn không nên ngồi một chỗ quá lâu. Đi lại nhẹ nhàng sau khoảng 2 tiếng ngồi làm việc sẽ giúp đầu óc bạn minh mẫn hơn. Còn đứng quá lâu cũng khiến bạn hoa mắt, chóng mặt và dễ bị ngất. Sau giờ làm việc, bạn có thể đi dạo hoặc tập những bài tập thể dục đơn giản, ít dùng sức để lấy lại năng lượng cho giờ làm việc ngày mai.
Hạn chế đau nhức lưng
Tăng cân nhanh và ngồi làm việc nhiều khiến lưng bạn đau nhức. Bạn có thể hạn chế điều phiền toái trong công việc cũng như sức khỏe này với những “mách nhỏ” sau:
– Khi ngồi, bạn cần thả lỏng tay, đặt gối mềm sau lưng nhằm giảm áp lực lên lưng do trọng lượng cơ thể ngày càng tăng. Ghế cần chắc chắn, có độ cao vừa phải, giúp bạn dễ đứng lên ngồi xuống và có chỗ tì cánh tay.
– Giữ thẳng lưng: Bạn nên cố gắng giữ thẳng lưng khi đứng lên hoặc ngồi xuống. Khi cần cúi xuống lấy đồ, bạn chỉ nên khuỵu một bên gối, không cúi gập người. Tránh xoay vặn mình khi đang lấy. Lúc quét dọn cũng nên gập đầu gối chứ không nên còng lưng. Hạn chế các động tác với tay cao quá đầu. Nếu cần nâng, nhấc vật gì nặng, có thể nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp khác.
– Thường xuyên thay đổi tư thế, vị trí đứng, ngồi để máu lưu thông tốt và các khớp xương được thư giãn. Thỉnh thoảng có thể bỏ giày ra cho chân được thông thoáng.
– Khi nằm, bạn nên nghiêng sang trái. Không nên nằm gối quá cao, gây trũng vùng lưng khiến bạn dễ đau lưng lúc ngủ dậy. Nếu có dấu hiệu dau nhức, bạn nên làm ấm vùng lưng bằng các túi chườm nước nóng, xoa bóp lưng và nắn nhẹ khớp xương sống.
– Ăn uống vừa phải để tăng cân từ từ, không để trọng lượng gây áp lực đột ngột lên các đốt sống. Bên cạnh đó, các động tác Yoga, massage vừa giảm hẳn đau lưng, nhức mỏi mà còn giúp bạn sinh bé dễ dàng.