Mồ hôi, bụi bẩn là những tác nhân khiến da đầu hình thành nhiều tế bào chết, từ đó khiến tóc gãy rụng, nhiều gàu hơn. Để chăm sóc chắc khỏe, bên cạnh việc sử dụng các dưỡng chất kích thích và nuôi dưỡng tóc thì việc tẩy tế bào chết da đầu cũng được nhiều chị em áp dụng.
Phương pháp này có thực sự cần thiết không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Tẩy tế bào chết da đầu là gì?
Cơ thể có thể thay thế các tế bào da chết bằng các tế bào da mới một cách tự nhiên. Nhưng đôi khi quá trình này cũng cần một chút trợ giúp dưới hình thức tẩy da chết. Điều này đúng ngay cả với da đầu.
Tẩy tế bào chết da đầu là một bước quan trọng trong việc chăm sóc da đầu để loại bỏ các tế bào da thừa, dầu và gàu. Nhiều chuyên gia về tóc cho rằng tẩy tế bào chế da đầu với tần suất vừa phải là chìa khóa giúp tóc bóng mượt, khỏe mạnh hơn từ chân tóc đến ngọn.
Có nên tẩy tế bào chết da đầu không?
Câu trả lời là NÊN tẩy tế bào chết da đầu. Vì tẩy tế bào chết da đầu không chỉ giúp làm sạch các vết bụi bẩn, mồ hôi cũng như dầu thừa mà còn mang đến nhiều lợi ích khác. Dưới đây chính là những lợi ích mà việc tẩy tế bào da chết mang lại cho da đầu:
Làm sạch nang tóc
Việc tẩy tế bào chết da đầu với tần suất vừa phải sẽ giúp làm sạch nang tóc. Một nang tóc sạch sẽ sẽ giúp lỗ chân lông thông thoáng, kích thích mọc tóc đều và dày dặn hơn, đồng thời tránh dẫn đến tình trạng mái tóc thưa yếu và mỏng.
Hạn chế bong tróc da đầu
Việc tẩy tế bào chết da đầu sẽ hạn chế việc bong tróc da đầu cũng như làm giảm lượng gàu đáng kể trên tóc. Đây là một ưu điểm mà khiến nhiều người thường xuyên tẩy tế bào chết da đầu của mình.
Kích thích mọc tóc nhanh hơn
Da đầu thông thoáng sau quá trình tẩy tế bào chết sẽ tạo điều kiện tốt cho việc mọc tóc. Để tóc mau dài và khỏe mạnh hơn, bạn có thể kết hợp với các thao tác massage nhẹ nhàng.
Điều tiết lượng dầu trên da đầu
Da đầu có nhiều gàu thường dẫn tới một số tình trạng phổ biến như gàu, nấm vùng da đầu, tóc bị bết và xuất hiện mùi hôi khó chịu. Sau khi áp dụng phương pháp tẩy tế bào chết da đầu, lượng gàu thuyên giảm kéo theo việc lượng dầu nhờn và các vấn đề kể trên cũng được điều tiết và giảm đi đáng kể.
Tần suất tẩy tế bào chết da đầu bao nhiêu là đủ?
Tẩy tế bào chết da đầu được coi là một phần massage và chăm sóc da đầu. Tuy nhiên, việc massage da đầu được khuyến khích làm hàng ngày nhưng tẩy da chết da đầu thường xuyên sẽ khiến da đầu “hoảng sợ” và tiết ra nhiều dầu hơn. Do đó, ban đầu chỉ nên tẩy 1 lần/tuần. Khi đã quen, có thể tăng dần thành 2 lần/tuần nếu muốn.
Cách tẩy tế bào chết trên da đầu hiệu quả
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tẩy tế bào chết da đầu. Bạn có thể tự mình tạo ra những sản phẩm tẩy tế bào chết da đầu với những nguyên liệu có sẵn trong bếp hoặc mua những sản phẩm dành riêng cho việc này. Dưới đây là một số cách để bạn tham khảo:
Sử dụng đường nâu kết hợp mật ong
Trong thành phần đường nâu có chứa nhiều axit glycolic, axit alpha hydroxy sẽ có tác dụng tẩy được các tế bào chết cho da đầu vô cùng hiệu quả. Lưu ý, cần chăm chỉ thực hiện phương pháp này trong khoảng 1 – 2 lần/tuần thì bạn sẽ cảm nhận được da đầu mình giảm ngứa và tình trạng nhiều gàu, mái tóc bết dính nhiều dầu sẽ không còn xảy ra nhiều nữa.
Cách thực hiện:
- Pha hỗn hợp bao gồm 3 muỗng đường nâu và 50ml mật ong nguyên chất.
- Tiếp đến hãy bạn làm ướt tóc của bạn rồi thoa đều phần hỗn hợp này lên da đầu.
- Thực hiện mát xa nhẹ nhàng trong khoảng từ 3 – 5 phút.
- Xả và gội lại tóc bằng nước sạch bình thường là xong.
Sử dụng Baking soda
Trong baking soda có hoạt chất tính kiềm nhẹ giúp trung hòa lượng axit, ổn định độ PH trên làn da. Vì thế, khi sử dụng baking soda, tế bào chết sẽ bị loại bỏ một cách đáng kể.
Cách thực hiện:
- Dùng baking soda với 2 thìa muối và 1 thìa dầu dừa.
- Trộn đều hỗn hợp cho đến khi sánh mịn rồi sau đó mát xa nhẹ nhàng trên da đầu khoảng 3 phút.
- Thư giãn và sau đó gội lại bằng nước sạch là xong.
Aspirin tẩy tế bào chết
Aspirin chứa axit salicylic, một chất tẩy tế bào chết hóa học. Để làm hỗn hợp tẩy tế bào chết da đầu bằng aspirin, hãy trộn 6 – 8 viên aspirin với 4 muỗng canh nước ấm. Dùng bàn chải để thoa hỗn hợp lên da đầu và chà nhẹ massage. Gội sạch khi hoàn thành và tiếp tục sử dụng dầu xả yêu thích của bạn.
Sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết da đầu vật lý
Nếu không có quá nhiều thời gian thì bạn có thể mua các sản phẩm tẩy tế bào chết da đầu vật lý có sẵn trên thị trường. Tẩy da chết vật lý có chứa các thành phần tạo ma sát với da đầu, giúp loại bỏ các tế bào chết trên da. Do đó, để đạt được hiệu quả tẩy da chết tốt nhất, bạn cần massage da đầu trong vài phút. Khi mua sản phẩm tẩy da chết vật lý cho da đầu, hãy tìm những từ như “scrubs” để xác định chúng.
Các sản phẩm tẩy tế bào chết da đầu hóa học
So với tẩy tế bào chết da đầu vật lý, tẩy tế bào chết da hóa học không cần các tác động cơ học như massage. Tuy nhiên, cần cẩn thận trong thành phần, nhãn mác, xuất xứ để an toàn cho da đầu.
Những lưu ý khi tẩy tế bào chết cho da đầu
- Không tẩy tế bào chết da đầu thường xuyên vì có thể gây tiết dầu nhờn nhiều hơn.
- Massage nhẹ nhàng để không làm hư chân tóc. Thay vào đó hãy massage theo chuyển động tròn một cách nhẹ nhàng. Điều này sẽ kích thích máu lưu thông đến da đầu tốt hơn.
- Sử dụng các sản phẩm chứa kẽm và đồng. Vì kẽm là một thành phần đặc biệt làm sạch da đầu nên thường thấy trong các sản phẩm chuyên trị gàu. Bên cạnh đó, các sản phẩm có thành phần như đồng, magie, tinh dầu hữu cơ và keratin giúp nuôi dưỡng và làm tóc chắc khỏe hơn.
- Nếu xảy ra các vấn đề dị ứng da đầu thì cần nhanh chóng đi khám bác sĩ da liễu
- Nếu sử dụng tất cả cách tẩy tế bào chết da đầu mà không hiệu quả thì cần phải lựa chọn thêm các biện pháp can thiệp sâu hơn từ bên trong như là các phương pháp: Tiêm tế bào gốc, cấy gốc tự nhiên…
Trên đây là giải đáp thắc mắc về tính cần thiết của phương pháp tẩy tế bào chế da đầu. Mọi phương pháp làm đẹp khi sử dụng quá mức đều sẽ phản tác dụng. Do đó, bạn cần sử dụng “đúng liều” và kiên trì để tạo thói quen chăm sóc tóc mỗi ngày. Như vậy chắc chắn bạn sẽ có một mái tóc khỏe mạnh và óng mượt.