Bà đúng hay… mẹ đúng?
Sau 2 năm ở nhà chăm sóc con, chị Mai Lan ở Bình Thạnh quyết định gửi con cho ông bà ngoại ở Đồng Nai với sự an tâm tuyệt đối “không ai thương cháu bằng ngoại”, từ đó chị đủ thời gian để tiếp tục công việc của mình, cuối tuần mới về thăm. Tuy không thể phủ nhận tình thương của ngoại dành cho con nhưng quan điểm chăm sóc trẻ của chính ba mẹ ruột làm chị giật mình.
Dễ dãi trong việc cho Bin ăn quà vặt, luôn đáp ứng yêu cầu bim bim hay nước ngọt, cho cháu ăn cháo hàng quán, hột vịt lộn thường xuyên nên đến bữa cơm cháu thường ăn rất ít cơm lại sinh ra thói quen đòi thứ này thứ kia và nhất định phải được đáp ứng. Khi chị phân tích với mẹ thì bà bảo: “Ối giời, tui ăn như thế cả có sao đâu, vẫn khỏe mạnh đấy thôi”. Rồi tới việc chị muốn con mình sau khi chơi phải biết dọn dẹp gọn gàng thì bà ngoại lại “chen ngang”: “Cứ để đấy cho bà”. Cả việc đánh răng của cháu cũng thế, chị Lan dạy cho con vào nhà tắm thì ba chị đã lên tiếng ngay: “Làm gì mà phải đánh ngày 2 lần, sáng mai ngủ dậy đánh cũng được. Với lại đánh không đánh thì thôi chứ răng sữa thế nào rồi chả phải thay”, thế là ông bế Bin vào xem ti vi để mặc chị tha hồ giải thích.
Giật mình hơn nữa khi cuối tuần nọ Lan về chứng kiến con mình thẳng tay tát vào mặt một cô bạn hàng xóm, chị giải thích, bắt con xin lỗi và phạt úp mặt vào tường nhưng chưa đầy 5 phút sau bà ngoại đã dỗ cháu và ra hàng tạp hóa “bồi thường” cho 2 cây kẹo mút. Thế là từ đó hễ bị mẹ đánh là Bin quay qua mình mẩy với ông bà rồi lại còn sinh ra biết nói dối, chị chưa động đến, bé đã nhìn ông bà khóc ré lên “con bị mẹ đánh”. Cho đến một lần chị chứng kiến ông ngoại vừa bế cháu vừa xem ti vi và miệng vẫn hút thuốc lá như thường. Chị đã giải thích cho cụ và thế là bị mắng ngay một câu: “Mày mà con dâu tao thì đã bị mấy bạt tai rồi con ạ”.
Gần như bất lực trong cách nuôi dạy trẻ của bà nội nên chưa đầy 3 tháng sau khi gửi con cho ông bà nội, chị Phương (Bình Thạnh) đã phải “chịu khổ” quyết định sử dụng lại cách vừa đi làm vừa chăm con. Mặc dù bé Cưng mới được 16 tháng tuổi nhưng nội mặc sức cho bé ăn ô mai vì theo nội đó là món “ruột” của cháu, có ô mai là hết khóc ngay. Sợ con bị hóc chị đã góp ý thì nội gạt ngay: “Yên tâm đi, cháu nó khôn lắm, ăn xong nhè bỏ hạt ngay, không đời nào nuốt hạt để bị hóc hết”.
Khoảng cách thế hệ là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này. Các cụ thường dùng kinh nghiệm dân gian để nuôi dạy cháu mặc cho những điều này có khi đã lạc hậu. Không thể phủ nhận tình yêu của ông bà đối với cháu nhưng điều này vô hình trung ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất cũng như nhân cách của bé.
“Có ngoại rồi cháu không cần mẹ nữa”!
Câu chuyện của chị Khánh Chi (Q.12) đã qua 10 năm nhưng đến nay khi nhắc lại chị vẫn chưa hết xót xa. Anh chị quê ở Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp, những năm đầu cuộc sống hết sức vất vả đến nỗi khi cu Ken ra đời anh chị không thể nuôi được cháu, chị đành gửi về cho bà ngoại chăm sóc. Trong vòng tay yêu thương của ông bà, lần nào chị gọi điện về cũng yên tâm vì cháu ăn giỏi, chơi ngoan và rất nghe lời bà ngoại. Gửi Ken về ngoại khi cháu được 1 tuổi, qua 2 cái Tết, hai vợ chồng khóc đẫm nước mắt vì nhớ thương con mà không có tiền về quê thăm cháu.
Cho đến năm cháu 4 tuổi chị mới dư một ít, háo hức sắm quà cho hai bà cháu, tay xách nách mang đầy những quà và rạng ngời hạnh phúc khi từ đầu làng bà ngoại đã đưa Ken ra đón mẹ. Gặp con, chị ôm chầm lấy con và hôn lấy hôn để cho thỏa lòng thương, những tưởng Ken cũng ôm hôn vui mừng khi gặp mẹ, nhưng không! Chị thất vọng khi con khóc thét lên và quay sang ôm chầm lấy ngoại khóc nức nở.
Mẹ chị động viên, con cứ từ từ cho cháu nó quen đã, nhưng đã 2 tuần khi chị gần trở lại Sài Gòn cháu cũng chỉ đứng từ xa nhìn lơ đãng, không quan tâm đến mẹ là ai. Động viên, giải thích thế nào cháu cũng không chịu cho chị bế. Đêm đến, tỉnh giấc thấy chị ngủ cùng bé lại ré lên: “Ngoại ơi, con ngủ với ngoại”. Con mình rứt ruột đẻ ra mà cháu không hề có khái niệm về mẹ – chị chỉ còn biết gạt nước mắt chờ đợi đến ngày con hiểu lòng mẹ thương con như thế nào.
Câu chuyện của chị Hoa Lâm (Q.6) kể ra cũng làm không ít phụ huynh có ý định gửi con nhờ nội, ngoại chăm phải giật mình nghĩ lại. Sinh con và ở nhà chăm Jean đến năm 2 tuổi, ngán ngẩm việc làm nội trợ, chị đành lòng gửi con cho ông bà nội chăm sóc và tự động viên mình: Mình đi làm kiếm thêm chút đỉnh phụ bớt gánh nặng kinh tế cho chồng, gửi Jean cho nội trông coi chừng 2, 3 năm gì đó cho đến khi cháu đến tuổi học Tiểu học chị sẽ đón cháu lên thành phố. Được cái quê chồng cũng không xa Sài Gòn cho lắm nên vài ba tháng chị sắp xếp về thăm cháu vài ngày. Thời gian đầu mọi việc thật suôn sẻ, cháu Jean mong chờ ngày mẹ về để được nhận quà. Nhưng rồi một năm trôi qua, việc có mặt của mẹ Lâm hay không không làm Jean quan tâm nữa: “Quà hả? Bà mua cho con nhiều rồi!”, “Bà tắm cho cháu cơ, cháu không thích mẹ tắm!”…
Jean không muốn chơi cùng mẹ, mẹ hỏi bé chỉ dạ vâng cho qua không chú ý, ngược lại khi nội hỏi cháu bi bô kể chuyện bạn, chuyện cô giáo ở lớp hết sức vui vẻ…
Trong hoàn cảnh này nhiều bà mẹ vì ích kỷ và muốn nhanh chóng giành lại tình cảm của con nên cấm đoán con “theo” ông bà, “cuộc chiến” giành tình cảm của con diễn ra. Điều này dẫn tới hệ lụy không đáng có: con ngày càng xa cách mẹ còn ông bà cũng bực mình vì sự ích kỷ của con cái.
Lá có rụng về cội?
Theo các chuyên gia của công ty tư vấn Nhật Minh, là phụ nữ ai cũng yêu thương con và muốn được con yêu thương, phụ thuộc vào mình. Nhưng tình thương của trẻ hết sức thơ ngây: ai thương trẻ chắc chắn sẽ được trẻ đền đáp. Vì hoàn cảnh đưa đẩy, nhiều chị em đành cầm lòng đưa con về nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc với sự chắc chắn “lá rụng về cội”, con mình rứt ruột đẻ ra nó không thương mình thì thương ai. Điều này không hoàn toàn đúng, sợi dây ràng buộc giữa mẹ con thực chất rất bền chặt song cũng rất đỗi mong manh, dễ đứt gãy. Để có trọn tình thương của con mình, các bà mẹ phải tự tay chăm sóc, quan tâm đến con. Bạn hãy tưởng tượng xem một em bé mới sinh ra, bé hoàn toàn chưa biết ai là mẹ, đưa bé cho ai, bé được ai chăm sóc thương yêu, lớn lên trong suy nghĩ của bé người đó sẽ là mẹ.
Không ai phủ nhận tình yêu của ông bà dành cho cháu nhưng nếu sắp xếp được công việc gia đình và xã hội các bà mẹ hãy tự tay chăm sóc con mình, hạn chế gửi con cho ông bà. Hạnh phúc của người làm cha mẹ là được ngắm nhìn con khôn lớn mỗi ngày.