Mẹ&Con - Giữa trưa, khi cả khu phố đang chìm trong yên tĩnh thì bất chợt mọi người hốt hoảng choàng dậy khi nghe tiếng khóc thét lên của một đứa trẻ. Kế tiếp đó là tiếng rượt đuổi sầm sập, tiếng khóc của con, tiếng quát tháo chửi mắng nặng lời của mẹ.

Có nên dạy con bằng đòn roi

(Hình minh hoạ)

Tôi thương thì tôi mới… đánh!

Thằng bé con chị mới 8 tuổi, nhưng đã lì đòn và bướng bỉnh một cách khủng khiếp. Nó có thể ngoa ngoắt trả treo bất kỳ người lớn nào trong xóm, có thể thừa cơ vắng người là giật đồ chơi hoặc bắt nạt, cốc đầu ngay em bé hàng xóm nhỏ hơn mình. Những lời mắng vốn hầu như không bao giờ dứt. Ba của bé đi làm xa, rất hiếm khi về nhà. Người mẹ thì quá bận rộn, mệt mỏi với cả trăm thứ việc, khi nói mãi con không được, chị chỉ còn biết cậy nhờ vào… cây roi mây – thứ duy nhất còn có thể làm thằng bé sợ chút ít.

Chị đánh con khi con phạm bất cứ lỗi nào. Ban đầu, thằng bé khóc thút thít sợ hãi. Nhưng dần dần, khi các trận đòn như cơm bữa cứ lặp đi lặp lại thì tình thế bắt đầu thay đổi. Nhóc con chị… đổi chiến thuật. Nó sẽ chọn một trong hai cách: Một là lầm lì cắn răng nhất định không khóc, cho mẹ đánh bao nhiêu thì đánh rồi hằn học nhìn mẹ bằng ánh mắt “căm thù” đến mức khiến chị sợ hãi. Cách thứ hai, cứ hễ nó thấy mẹ cầm cây roi mây lên là chưa bị đánh đã khóc thét đến mức lớn nhất có thể có. Thằng bé gào thét ầm ĩ cho đến khi nào tổ trưởng tổ dân phố hoặc những người hàng xóm phải chạy đến can thì thôi!

Khi các chị trong Hội phụ nữ xuống can thiệp, nhắc nhở về chuyện đánh con, chị bật khóc nức nở: “Tôi thương thì tôi mới đánh, chứ ai thích thú gì chuyện cầm roi mà quất lên con mình chứ. Thằng bé ương bướng quá, tôi dạy bằng lời không được nữa, đành phải đánh thôi. Đánh với hi vọng nó sợ và nó chừa. Nhưng khổ nỗi, càng đánh, nó càng có vẻ lì đòn và phản ứng dữ dội hơn. Đến bây giờ, tôi chỉ còn biết cảm thấy bất lực trước con!”.

Thực tế, một người mẹ như chị Lê không phải là “hàng hiếm”. Hỏi mười bà mẹ trẻ thì phải đến 7-8 người cho biết từng đánh con. Nhưng… cũng xin báo động đến các bậc cha mẹ một con số dễ sợ khác: Khảo sát cho thấy, có đến trên 70% trẻ bị cha mẹ đánh đập, phạt đòn dữ dội khi đến tuổi 13-14 sẽ có những phản ứng cực kỳ xấu như dễ dàng dùng bạo lực học đường, học kém, có xu hướng muốn bỏ học, có hành động phạm pháp, nghiện thuốc lá, nghiện rượu sớm, trầm cảm, tự tử, quan hệ tình dục trước tuổi, sử dụng chất kích thích…

Đánh trẻ – chỉ là hành động thể hiện sự bất lực mà thôi!

Rất nhiều phụ huynh phản đối chuyện… không được đánh con. Thậm chí nhiều người còn viện dẫn bằng chính mình: “Hồi nhỏ bị ba mẹ đánh hoài chứ đâu. Ba mẹ đánh nên mình mới ngoan, mới nên người. Vậy thì bây giờ, mình đánh con cũng chỉ là chuyện bình thường mà. Đánh cho con biết sợ, biết tránh những lỗi lầm…”.

Vâng, bắt nguồn từ chính suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, “cha mẹ mình ngày xưa đánh mình đó mà có sao đâu” nên một tỷ lệ lớn khủng khiếp phụ huynh hiện nay vẫn sử dụng thỉnh thoảng hoặc thường xuyên đến chiếc roi mây để dạy con. Cá biệt, có người còn đánh bằng cách… trói con lại, quất dây nịt, đốt trẻ, chặt ngón tay con (vì con ăn cắp)! Thực tế, trong tất cả mọi trường hợp, đánh con đều chứa đựng trong đó ít nhiều sự bất lực của cha mẹ, khi không còn biết cách làm gì tốt hơn, chứ thật ra phương pháp này không cho được hiệu quả gì.

Bạn cần biết rằng ở các quốc gia phát triển, chuyện đánh con đã được xếp vào chuyện tuyệt đối không nên. Roi vọt quất xuống con, dù chỉ một lần, dù đánh đúng thì ít nhiều vẫn gây nên những tổn thương cho trẻ mà bạn không nhận ra. Đương nhiên, trẻ vẫn cần có những hình phạt được quy định để uốn nắn, rèn luyện nhân cách, nhưng hình phạt không có nghĩa là… roi mây.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Hiên (tổng đài 1088) chia sẻ chân thành: “Đừng khăng khăng rằng con lì quá, không đánh nó thì chẳng có cách nào dạy nó được. Thực chất không hề có đứa trẻ nào mới sinh ra đã… lì! Bạn nhớ ngày con còn bé bỏng, còn trong vòng tay che chở của bạn không? Con có bao giờ lì vào thời điểm đó chưa? Hay con chỉ bắt đầu lì khi bạn lạm dụng và dùng đến roi vọt thường xuyên, khiến cảm xúc của trẻ chai sạn, khiến con bắt đầu muốn phản kháng, muốn tìm cách chống lại?”.

Có rất nhiều cách để bạn phạt con, khiến con nhận ra lỗi lầm của mình mà không cần đánh. Chị Nguyễn Thanh Mai (Q.11), một người mẹ đã có hai nhóc tì 13 tuổi và 8 tuổi khẳng định: “Mình chưa từng đánh bất kỳ đứa con nào suốt mười mấy năm qua. Con mình cũng thuộc dạng gan lì, cá tính lắm đấy. Bé cũng có lúc cãi lại cha mẹ, có lúc phạm phải những lỗi lầm. Những lúc đó, mình rất tức giận nhưng đều phải cố nén. Mình luôn tự nhủ, lúc đi làm ở công ty, có bao nhiêu lần gặp chuyện cãi cọ, mình đều phải nén lại để giải quyết bằng lời nói đó thôi. Có khi nào giải quyết bằng… bạo lực đâu? Vậy hà cớ gì với con, mình lại bao biện rằng mình tức quá không kiềm nén nổi nên phải dùng đến roi vọt? Nhờ cách này nên mình đã vượt qua được những khoảnh khắc cơn giận trào lên đỉnh điểm. Mình tự hứa sẽ không bao giờ đánh con, vì mình chắc rằng chuyện đánh con chỉ làm cha mẹ xa cách con thêm mà thôi”.

Còn với bà mẹ trẻ Thu Uyên (Q.2), mẹ của một bé gái 10 tuổi, chị bật mí những bí quyết của mình: “Tôi và anh xã lập ra những điều luật riêng trong gia đình, cho phép bé tham gia và cho phép bé tự… đưa ra hình phạt từ ban đầu. Thường thì hình phạt sẽ là không được đi chơi, không được xem tivi, phải làm một việc nhà nào đó đều đặn suốt tuần, phải chép phạt, viết bản tự kiểm, đứng úp mặt vào tường hoặc lên quỳ trước bàn thờ ông bà nội suốt buổi tối. Khi con phạm lỗi, tôi ngồi xuống để lắng nghe con và phân tích ngược lại cho con hiểu lỗi của nó. Có lúc giận dữ chứ, nhưng tôi tập kiềm chế. Bằng cách này, 10 năm nay bé vẫn rất ngoan, rất biết sợ khi lỡ phạm lỗi và thường chấp hành hình phạt nghiêm chỉnh. Tôi không tin rằng mình cần phải dùng đến roi vọt mới có thể dạy dỗ được con gái của mình…”.

Tags:

Bài viết liên quan