Cẩn thận bàn chân bẹt
Tật bàn chân bẹt (Flatfoot) đã được y học biết từ rất lâu. Tật này có vòm bàn chân thấp hơn bình thường. Vì thế khi đứng, cạnh trong của bàn chân sẽ bè ra và toàn bộ gan bàn chân sẽ áp sát mặt đất thay vì chỉ một phần bàn chân như những người khác.
Khi bị bàn chân bẹt, trẻ sẽ hay bị té khi chạy nhảy, không thể chạy nhanh như các bạn dù thể chất không thua kém. Nhiều bà mẹ than phiền con hay bị đau chân và bên trong bàn chân có mấy cục u gồ lên. Trong tất cả những trường hợp ấy, khi cho bé đứng thẳng đều thấy hiện tượng bàn chân bẹt.
Bạn sẽ đặt ngay câu hỏi: Ơ, nhưng nãy giờ đang đề cập đến chuyện cho bé đi giày hay đi chân đất cơ mà. Chuyện chân đất hay giày thì có liên quan gì đến “bàn chân bẹt” mà lại… đá sang đề tài mới nhanh như thế?
Kỳ thực, câu trả lời cho bạn là: Chuyện trẻ đi chân đất liên quan đến tật bàn chân bẹt rất nhiều. Khi không được cho mang giày phù hợp, ngay từ nhỏ đã để bé đi chân đất quá nhiều thì đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bàn chân bẹt.
Bình thường bàn chân chúng ta khi đứng có hình vòm. Đưa bàn chân lên ngắm thử, bạn sẽ thấy má trong bàn chân con lên thành vòng cung. Nói một cách dễ hình dung hơn là khi chúng ta đứng, phía bên trong bàn chân có thể đút được ngón tay từ phía trong bàn chân đi xuống dưới bàn chân.
Bàn chân có hình vòm như thế này để làm gì? Tạo hóa “cấu tạo” bàn chân theo dạng vòm nhằm giúp chúng ta đi lại nhẹ nhàng, giảm phản lực từ đất dội lên khi đặt chân xuống đất. Thế nhưng, khi chẳng may bị tật bàn chân bẹt từ quá sớm thì trẻ sẽ không có được “thế đứng” vững chãi này. Vòm ngang bàn chân sẽ bị xẹp do gân cơ mác dài yếu, không tạo nổi vòm ngang bàn chân. Nếu bàn chân đạp lên cát sẽ thấy toàn bộ bàn chân in lên cát, không có chỗ khuyết.
Bị chứng bàn chân bẹt, mỗi khi chạy nhảy, trẻ dễ té vì bàn chân mất sự linh động lúc chạm đất, vì gót vẹo ngoài nên cổ chân và các khớp cổ bàn chân bị ảnh hưởng làm lực tác động không đều, khiến thoái hóa khớp sớm hơn. Điều quan trọng nữa là với tật này, chỉ cần đến độ tuổi trung niên, người bị bàn chân bẹt sẽ thường xuyên cảm thấy đau chân, đau thắt lưng, dần dần là đau toàn vùng cột sống do “lệch thế”.
Quay trở lại chuyện bàn chân bẹt liên quan thế nào đến đi chân trần. Hãy thử để ý, ở các nước phương Tây, nơi tỷ lệ bị bàn chân bẹt ít hơn Việt Nam nhiều, trẻ em và người lớn ngay cả ở trong nhà cũng mang các loại dép lê chứ không đi chân trần. Điều này chính là để tránh thường xuyên “nện” chân trực tiếp xuống mặt đất, dần gây nên tật bàn chân bẹt. Trong khi đó, ở Việt Nam, thói quen cho trẻ đi chân đất rất phổ biến. Trừ khi ra đường, còn lại trong nhà hầu hết trẻ đều cứ thế “chân trần”. Ngay cả chuyện chọn giày cho bé như thế nào cũng thường ít được chú trọng, cho rằng trẻ con mau lớn, giày mau chật nên không cần mua những đôi tốt (thiết kế mặt đế thông minh, phù hợp nâng đỡ bàn chân trẻ) mà mua đại những đôi giá rẻ, miễn sao con mang vừa là đã “ổn” rồi.
Chọn giày cho trẻ thế nào?
Mẹ nên… |
Vì sao? |
Thường xuyên đo lại chân con và thay đổi giày dép cho trẻ 3 tháng/lần. |
Trẻ nhỏ là cá thể đang phát triển vì thế cơ thể các bé thay đổi liên tục theo thời gian từng ngày từng tháng. Giày dép cần phải được chú ý thường xuyên để đổi cỡ lớn hơn. Mang giày chật làm chân đau và gây biến dạng cấu trúc xương, nhất là xương ngón chân. |
Cho trẻ mang dép lê trong nhà, nhưng mang giày hoặc sandal khi ra ngoài. |
Trẻ thường hiếu động, chạy nhảy nhiều. Mang dép lê tạo cảm giác thoải mái hơn nhưng dễ làm trẹo cổ chân khi trẻ bị té ngã. Vì thế nên cho trẻ mang giày và dép có quai hậu khi vui chơi ở bên ngoài. |
Hỏi con / kiểm tra ngay khi thấy con có dấu hiệu mang giày không thoải mái. Kiểm tra chân con và bề mặt trong của giày sạch sẽ chưa. |
Da bàn chân của trẻ mỏng và nhạy cảm. Trong giày mang chỉ cần có một vài hạt cát cũng gây khó chịu cho da bàn chân.. Vì thế, cần chú ý làm sạch bề mặt của giày trước khi cho trẻ mang vào. |
Nên chọn giày có nhiều lỗ thông thoáng trên bề mặt, tránh giày bít kín hoàn toàn. |
Trẻ hoạt động ra mồ hôi nhiều. Giày kín sẽ làm ẩm ướt do ứ đọng mồ hôi, tạo điều kiện cho nấm mốc vi khuẩn phát triển gây chứng viêm da và hôi chân. |
Với trẻ đã bị tật bàn chân bẹt, cần chọn loại giày thiết kế phù hợp (theo tư vấn của bác sĩ). |
Với những trẻ mắc tật bàn chân bẹt thì giày dép là phương tiện chính để dùng giảm đau và điều chỉnh cấu trúc của bàn chân. |
Giày không quá cứng cũng không quá mềm. |
Nhiều bà mẹ đang quan niệm rằng “giày càng mềm càng tốt”, song thực tế một đôi giày quá cứng hay quá mềm đều có thể khiến chân trẻ bị trầy xước, thậm chí làm biến dạng xương bàn chân. |
Không nên mua giày quá rộng. |
Không giống như quần áo, bạn có thể mua hơn một cỡ để con mặc được nhiều năm. Với giày cần mua vừa chân trẻ, không rộng cũng không chật quá để trẻ bước đi tự tin, thoải mái. Một đôi giày rộng sẽ cản bước chân của trẻ, khiến trẻ bước đi khó khăn. Nếu cứ đi những đôi giày này lâu dài sẽ ảnh hưởng tới bước đi của trẻ. |
Không “tận dụng” giày của trẻ khác. |
Tiếc những đôi giày còn mới tinh mà các mẹ khác “nhường lại” cho, bạn cho con mình đi chúng. Đây là một sai lầm tai hại, vì không giống như quần áo có thể “san sẻ” cho nhau, tận dụng lại những bộ trẻ khác mặc chật, cho con mình mang lại giày “nhường lại” tức là đang ép chân con vào những chiếc giày đã định hình theo chân bé khác. |
Mẹ lưu ý!
Nên đo cỡ chân của bé mỗi 3 tháng 1 lần bởi chân bé có thể sẽ lớn rất nhanh và đôi giày hiện tại không còn vừa nữa. Nếu bé cứ phải đi một đôi giày khi cỡ chân thay đổi thì bé sẽ vừa bị đau vừa ảnh hưởng đến dáng đi của bé.
Mẹ cần biết!
Vòm chân giúp trẻ phân phối hợp lý lực đè ép của trọng lượng cơ thể qua bàn chân. Có thể xem nó như bộ nhún giảm lực của bàn chân. Các vòm cần phải mạnh mẽ cũng như linh hoạt để thích ứng với các bề mặt khác nhau cũng như các tư thế di chuyển khác nhau của cơ thể.
Khi mói sinh ra, bàn chân trẻ có thể không có cấu trúc hình vòm. Trẻ vẫn chạy nhảy đi lại bình thường. Cùng với những bước đi của trẻ mà các hệ thống trục và vòm bàn chân sẽ dần dần hoàn thiện cho đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, do nhiều tác động, trong đó có chuyện mất đi sự hỗ trợ của giày dép (đi chân trần quá nhiều), một số người không tự thích nghị được thì sẽ phát triển thành tật bàn chân bẹt ở tuổi trưởng thành cùng với những biến chứng của nó.
Có nhiều trẻ bị bàn chân bẹt không?
Khoảng 10-40% trẻ bị bàn chân bẹt. Tỷ lệ này cao nhất ở trẻ từ 3-5 tuổi. Nếu được điều trị bằng cách cho trẻ mang giày dép phù hợp, tỷ lệ này sẽ giảm dần khi đến tuổi trưởng thành.
Hỏi nhanh bác sĩ
H: Con tôi đang độ tuổi tập đi. Tôi thường cho trẻ đi chân trần để bé bám vững. Nhưng các bác sĩ lại khuyên tôi nên cho bé tập mang giày để giữ thăng bằng tốt hơn. Tôi có nên để bé 9 tháng nhà mình tập đi với giày?
Đ: Vẫn có nhiều tranh cãi khác nhau về vấn đề này. Một số người quan niệm khi đi chân trần, các ngón chân của các bé sẽ bám mặt đất và giúp bé giữ thăng bằng. Tuy nhiên, giày sẽ giữ ấm bàn chân bé và bảo vệ chân bé khỏi những bề mặt cứng. Ở độ tuổi bé đã đi vững vàng, nên cho bé mang giày, dép thường xuyên, tránh đi chân trần. Nhưng ở độ tuổi mới tập đi thì bạn có thể kết hợp cả hai cách: Cho bé đi giày khi ra ngoài và thỉnh thoảng vẫn thử đi chân trần trên nền nhà sạch, êm.