Mẹ và Con - Với quan niệm "ăn gì bổ nấy", nhiều bà mẹ đã tìm mọi cách để nấu óc heo cho con ăn với hy vọng con thông minh hơn. Tuy nhiên, liệu ăn óc heo có thật sự cải thiện trí thông minh của trẻ? Nếu ăn quá nhiều óc heo thì bé có bị ảnh hưởng không?

Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu xem óc heo có tác dụng gì, ăn óc heo có tốt không cũng như trẻ bao nhiêu tuổi thì được ăn món óc heo, mẹ nhé!

Ăn óc heo có tốt không? Có nên cho trẻ ăn óc heo?

Óc heo là một món ăn bổ dưỡng dành cho trẻ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng: 100 g óc heo có chứa khoảng 123 kcal; Protid 9,0 g; Lipid 9,5 g, glucid 0,4 g.

Có thể thấy, trong óc heo có chứa hàm lượng đạm rất ít. Nếu so óc heo, tủy heo với một số phủ tạng khác (tim heo, gan heo, gan gà) thì lượng đạm trong óc heo chỉ bằng 1/2 so với gan heo và hàm lượng đạm trong tủy heo sẽ bằng 1/9 so với gan heo. Như vậy, món óc heo và tủy heo sẽ dễ tiêu hóa hơn, giúp hệ tiêu hóa của trẻ hấp thụ dưỡng chất nhanh hơn.

Ngoài ra, trong óc heo còn chứa hàm lượng cholesterol cao thích hợp cho bé thiếu cân, chậm lớn.

món óc heo

Ăn quá nhiều món óc heo có sao không?

Tuy nhiên, nếu mẹ quá lạm dụng món óc heo trong khẩu phần ăn uống hằng ngày của trẻ thì sẽ để lại nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe của bé. Các Tạp chí y khoa của Mỹ đã đưa ra kết quả nghiên cứu rằng, cứ 100 g óc heo có tới 2.195 mg cholesterol, hàm lượng này cao hơn 30 lần so với lượng cholesterol có trong thịt heo và gấp 7 lần so với nhu cầu hằng ngày của cơ thể.

Do đó, vì óc heo có chứa lượng đạm và sắt thấp, hàm lượng vitamin và các dưỡng chất khác cũng không nhiều nên nếu chỉ tập trung ăn óc heo, trẻ có thể bị thừa chất cholesterol dẫn đến các bệnh về tim mạch cũng như gan nhiễm mỡ, thừa cân, béo phì.

Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều óc heo thay cho các loại thực phẩm khác còn dẫn đến tình trạng thiếu đạm ở trẻ, khiến trẻ không thể nào phát triển trí thông minh toàn diện được.

óc heo

Đi ngược lại với suy nghĩ của rất nhiều người, món óc heo nếu ăn quá nhiều sẽ không có lợi trong việc tăng cường trí thông minh của trẻ mà khiến trẻ thiếu sắt, thiếu máu, dễ bị choáng, chóng mặt, tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm lớn… Không chỉ như vậy, ăn quá nhiều óc heo còn khiến trẻ dễ bị đau đầu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng acid uric, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác,..

Nhìn chung, việc ăn các món óc heo rất tốt cho bé thấp còi, nhẹ cân. Mẹ chỉ cần đảm bảo không quá lạm dụng óc heo trong việc chế biến các món ăn cho bé là được.

Mẹ cần lưu ý gì khi cho trẻ ăn các món óc heo?

Trẻ bao nhiêu tuổi thì được ăn óc heo?

Để có thể đảm bảo bé hấp thu vừa đủ lượng cholesterol có trong óc heo cũng như hạn chế các tác động xấu đến bé khi dùng món óc heo thì bên cạnh cách chế biến phù hợp, mẹ cũng đừng quên thời điểm cho bé dùng món ăn này cũng rất quan trọng đấy nhé.

óc heo chưng

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ nên uống sữa, không nên ăn bất kỳ món ăn nào. Vì thế, lúc này mẹ tuyệt đối lưu ý không cho bé sử dụng óc heo nhé.

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm (trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên), mẹ có thể bắt đầu cho con tập ăn óc heo. Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ ăn 1 phần thật nhỏ để tránh trẻ dư cholesterol.

Các lưu ý khác khi cho trẻ ăn óc heo

  • Óc heo hay các bộ phận nội tạng của động vật thường là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Đặc biệt, trong quá trình giết mổ, lưu thông, vận chuyển hay buôn bán, nếu không đảm bảo được các điều kiện vệ sinh thì óc heo rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán). Các vi khuẩn này có thể lây trực tiếp vào cơ thể của bé khi bé ăn món óc heo. Vì thế, mẹ nên chú ý vệ sinh và chế biến thật kỹ.
  • Khi mua óc heo, mẹ cũng nên lưu ý chọn óc heo còn tươi, không có vết nứt, óc có màu đỏ hồng, không có mùi hôi, sờ vào còn tính đàn hồi, không bị chảy nước.
  • Khi chế biến, để loại bỏ mùi hôi, tanh, mẹ có thể bóc bỏ màng gân máu, rửa sạch lại óc rồi chế biến. Khi nấu các món óc heo, mẹ có thể cho thêm các loại gia vị mạnh như củ gừng, lá gừng, rau răm để khử hết mùi tanh còn sót lại của óc.
  • Với các món được làm từ óc heo, khi nấu mẹ không nên cho nhiều nước, chỉ nên chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm để tránh làm giảm lượng phospholipid có trong óc.
  • Không nên cho trẻ ăn quá nhiều các món óc heo mà nên kết hợp với các món ăn khác để đảm bảo cân bằng các dưỡng chất trong cơ thể trẻ.

cho con ăn óc heo

Gợi ý mẹ cách chế biến một số món óc heo cho bé

Cháo óc heo đậu Hà Lan

Món óc heo nấu cháo chung với đậu Hà Lan cũng rất dễ chế biến. Mẹ chỉ cần làm sạch óc heo, hấp chín, hầm chung với cháo và đậu Hà Lan đến khi cháo thật nhừ là được.

Vì bé còn nhỏ nên mẹ có thể xay nhuyễn cháo và đậu, óc heo để bé dễ ăn hơn mẹ nhé.

Món óc heo chưng cách thủy

Óc heo chưng cách thủy là một món ăn truyền thống, dễ làm, mẹ có thể chế biến để cho bé ăn. Cách làm đơn giản như sau:

Trước tiên, mẹ làm sạch óc heo rồi cho vào thố nhỏ, có nắp đậy. Tiếp theo, đặt nồi lên bếp, cho nước vào nồi sao cho nước cao khoảng 2 đốt tay, cho gừng vào nồi nước. Cho thố ốc heo vào nồi, đậy nắp nồi và chưng khoảng 15-20 phút kể từ khi nước sôi là được.

Khi làm món óc heo chưng cách thủy, mẹ lưu ý cho lửa vừa phải, tránh để nước sôi bùng lên tràn vào thố óc heo.

Cháo óc heo cà rốt

Cháo óc heo cà rốt rất dễ chế biến, mẹ chỉ cần làm sạch óc heo rồi hấp chín. Với cà rốt, mẹ cũng gọt vỏ, luộc chín sau đó xay nhuyễn cả óc heo lẫn cà rốt. Nấu cháo, đợi cháo chín thì cho hỗn hợp óc heo và cà rốt vào nấu thêm 2-3 phút là được.

cháo óc heo cà rốt

Món óc heo được nhiều mẹ lựa chọn cho bé yêu. Giờ thì mẹ đã chắc chắn hơn về việc ăn óc heo có tốt không cũng như cách chế biến món óc heo rồi phải không nào? Chúc bé yêu luôn khỏe mạnh, cao lớn và thông minh nhé.

Bài viết liên quan