Mẹ&Con - Nhiều phụ huynh khi thấy con có biểu hiện vượt trội so với bạn bè ở một số mặt nào đó thì luôn muốn đưa con đi kiểm tra chỉ số thông minh. Nhưng thật ra, việc này lại gây áp lực với trẻ.

Chào bác sĩ!

Tôi có một bé gái, năm nay được 6 tuổi, chuẩn bị hết hè này là vào lớp 1. Con có vẻ rất nhanh nhẹn, thông minh, hay hỏi và thích tìm hiểu. Năm 3 tuổi, bé đã học chữ cái cùng với chị họ (lúc đó chị họ bé được 6 tuổi) và nhớ mặt chữ rất nhanh, thậm chí nhớ nhanh hơn chị họ bé luôn. Tôi không ép gì con học sớm cả, cứ cho bé vừa học vừa chơi với chị họ thôi nhưng nhận ra là con biết chữ rất nhanh. Từ đó đến nay, mỗi ngày tôi dạy cháu (bằng hình thức chơi) và cháu đã có thể đếm được từ 1 tới 100, biết các phép cộng đơn giản, nhớ được nhiều chữ tiếng Anh và đã đọc được sách lớp 1 một phần. Tôi rất muốn cho con đi kiểm tra chỉ số IQ và muốn theo dõi để có thể kịp thời giúp con phát triển năng khiếu.

Trần Thị Hoàng Yến (Quận 1)

 bác sĩ trả lời

Có rất nhiều phụ huynh muốn đưa con đi kiểm tra chỉ số thông minh, nhờ tư vấn xem con phát triển tâm lý như thế nào, có phải là thần đồng hay không. Mục đích của việc làm này là phụ huynh mong muốn giúp những yếu tố “thông minh tiềm năng” này không bị thui chột mà được tạo điều kiện phát triển, để trở thành tài năng.

Tuy nhiên, xin lưu ý với bạn là việc làm này của phụ huynh có thể vô tình gây áp lực với trẻ (khi trẻ lờ mờ cảm nhận được “kỳ vọng” của người lớn). Do đó, bạn phải rất khéo léo và nên có sự trao đổi trước đó với chuyên viên tâm lý, thực hiện việc trắc nghiệm theo hình thức như “đùa chơi”.

Bạn cũng có thể không cần kiểm tra chỉ số IQ mà chỉ cần quan sát xem con có những biểu hiện vượt trội ở lĩnh vực nào để tạo điều kiện hỗ trợ cho bé. Ví dụ: Nếu bé có vốn từ vựng lớn, nói lưu loát, sớm thuộc lòng những bài thơ dài không chút khó khăn, sáng tạo trong cách diễn đạt, dùng từ chính xác, sớm nhớ mặt chữ và tỏ ra rất thích thú, quan tâm đến các câu chuyện cổ tích người lớn kể, có thể kể lại dễ dàng, v.v. thì hướng cho con theo hướng phát triển ngôn ngữ. Nếu bé có trí nhớ tốt, khả năng tư duy lôgic, dễ dàng phát hiện những mối quan hệ có tính nhân quả, quy luật, thích các trò chơi như cờ, thích các con số, có khả năng tính nhẩm nhanh hơn hẳn trẻ cùng tuổi, có thể hướng con theo hướng phát triển khả năng toán học.

Bạn hãy để bé phát triển một cách thật tự nhiên. Cha mẹ chỉ khơi gợi, tạo điều kiện để bé phát triển năng khiếu một cách tốt nhất chứ đừng làm bất cứ điều gì mang tính kỳ vọng, ép buộc. Nhiều phụ huynh sợ con không bằng bạn bè, cứ cho con đi học thêm ngay từ tuổi mẫu giáo, ép con học, đến khi con thuộc hết chữ cái trước cả khi vào lớp 1 lại hớn hở nghĩ rằng con mình thông minh thì đây lại là cách làm tai hại và sai lầm, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ, khiến trẻ nhanh chán học (vì vào lớp mà cái gì cũng đã biết rồi thì làm sao trẻ còn ham thích nữa!).

Tags:

Bài viết liên quan