Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi nằm trong bụng mẹ. Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai và được tạo thành từ ba nguồn gốc: thai nhi, màng ối và máu mẹ.
Khi thấy có tình trạng bất thường, bác sĩ sẽ cho khám và siêu âm để xác định chỉ số chính xác lượng nước ối là bao nhiêu, kiểm tra xem hệ niệu, thận của thai nhi có vấn đề gì không, thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển trong tử cung hay không, mẹ có mắc phải bệnh lý gì không.
Tại sao chỉ số nước ối lại quan trọng đến thế?
Trung bình lượng nước ối vào khoảng 500-1000ml. Dưới 500ml là thiểu ối (nước ối ít) và từ trên 2000ml là đa ối (nước ối nhiều). Tình trạng đa ối hay thiểu ối đều xếp vào nhóm thai nghén có nguy cơ cao. Như đã nói, nước ối xuất hiện vào khoảng ngày thứ 12 sau khi thụ thai. Từ ngày thứ 12 đến ngày thứ 28, tuần hoàn nhau thai được thành lập, có sự thẩm thấu giữa tuần hoàn và nước ối. Nước ối lúc bấy giờ được hình thành từ ba nguồn: thai nhi, màng ối và người mẹ.
Trong giai đoạn đầu, da thai nhi có liên quan đến sự tạo thành nước ối. Khoảng 20-28 tuần, đường này mới chấm dứt. Từ tuần 20, xuất hiện nguồn nước ối từ khí phế quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp. Ngoài ra, nguồn nước ối quan trọng nhất từ thai nhi là đường niệu, xuất hiện từ tháng thứ tư.
Màng ối bao phủ bánh nhau và dây rốn cũng tiết ra nước ối. Đồng thời, như đã nói trên, còn có một sự trao đổi qua màng ối những chất giữa máu mẹ và nước ối. Sự tái hấp thu nước ối được thực hiện chủ yếu qua hệ tiêu hóa thai kỳ. Từ tuần thứ 20, thai nuốt nước ối, rồi thải ra tạo nên hiện tượng tuần hoàn của nước ối. Nước ối luôn được tái tạo. Vào cuối thai kỳ, nước ối đổi mới mỗi 3 giờ. Đây là chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của thai nhi.
> 9 nguyên nhân sảy thai không phải mẹ bầu nào cũng biết
Bạn có thể hình dung em bé sống trong bụng mẹ, được bao bọc chung quanh là lớp “đệm” êm ái ở thể lỏng trong suốt. Đó chính là nước ối. Nước ối bảo vệ thai tránh sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài, có chức năng tái tạo năng lượng, vừa cung cấp dưỡng chất cho thai nhi vừa giúp thai tránh được sự chèn ép quá mức do co cơ tử cung làm ảnh hưởng đến sự cung cấp máu nuôi bào thai qua mạch máu rốn, bảo vệ thai nhi tránh khỏi những va chạm, sang chấn. Nước ối cũng giúp duy trì nhiệt độ ổn định của thai ở trong tử cung, cho phép bé tự do “bơi” trong túi nước ối, nhờ vậy, xương và cơ của bé phát triển cứng cáp hơn.
Có thể nói, nước ối đảm bảo cho thai nhi một môi trường để phát triển hài hòa. Ngoài ra, trong dung dịch nước ối còn chứa cả những tế bào của thai nhi. Vì vậy, các bác sĩ có thể dùng phương pháp chọc nước ối để chẩn đoán hệ thống gen của thai hoặc xác định một số nguy cơ bệnh khác (ví dụ bệnh Down) từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ.
Thông thường, lượng nước ối tăng dần theo tuổi thai. Lúc 20 tuần, lượng nước ối khoảng 350ml. Sau đó, giai đoạn 25-26 tuần có thể đạt 670ml. Vào thời điểm tuần 32-36, lượng nước ối tăng thêm đến khoảng 800ml hoặc cao hơn. Sau đó giảm dần xuống vào khoảng tuần 40-42, còn khoảng 540-600ml. Đây là thời gian thai phụ chuyển dạ. Chỉ số nước ối (AFI) được xác định thông qua việc siêu âm đo độ sâu của 4 khoang trong tử cung.
Tuy nhiên, không phải ai cũng “trời yên biển lặng”, có lượng nước ối an toàn cho cả mẹ và con như thế. Ở một số thai phụ, xảy ra hiện tượng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” khi lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít.
Làm gì khi rơi vào trường hợp thiểu ối hoặc đa ối?
Nước ối ít (thiểu ối) có thể xảy ra do rỉ màng ối ở người mẹ hoặc do những bất thường từ hệ niệu của thai nhi, chẳng hạn như bào thai nuốt nước ối vào nhưng không thải ra được làm cho quá trình tái tạo nước ối bị hao hụt. Tình trạng thai quá ngày cũng có thể làm cho nước ối bị ít dần đi. Người mẹ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp… trong quá trình mang thai cũng dẫn đến sự thiếu ối. Sự thiểu ối sẽ làm cho hoạt động của thai nhi trong màng ối bị hạn chế. Thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, có nguy cơ khiếm khuyết sau khi chào đời. Người mẹ thì có nguy cơ bị sinh non vì suy thai.
Ngược lại, nước ối quá nhiều (đa ối) có thể xảy ra do những bất thường ở hệ tiêu hóa của thai nhi (không nuốt được nước ối) hoặc những bất thường ở thần kinh trung ương. Bào thai bị nhiễm trùng, người mẹ bị bệnh tiểu đường, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con cũng có thể là những nguyên nhân dẫn đến đa ối. Đa ối gây ra nhiều biến chứng cho thai nhi như: Mẹ bị vỡ ối sớm, sinh non, túi ối bị căng quá sẽ làm cho nhau bong non, ngôi thai bị đảo lộn bất thường có thể dẫn đến sinh mổ. Người mẹ cũng có thể bị băng huyết sau khi sinh.
Khi thấy có tình trạng bất thường, bác sĩ sẽ cho khám và siêu âm để xác định chỉ số chính xác lượng nước ối là bao nhiêu, kiểm tra xem hệ niệu, thận của thai nhi có vấn đề gì không, thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển trong tử cung hay không, mẹ có mắc phải bệnh lý gì không. Đặc biệt, nếu nguyên nhân khiến mực nước ối thấp là do thủng màng ối thì rủi ro bị nhiễm trùng của cả bà mẹ và thai nhi sẽ tăng cao.
Đối với thai nhi, nếu có quá ít nước ối, dây rốn sẽ bị quấn lộn xộn vào nhau; và nếu không có lượng dịch để nổi bồng bềnh, em bé sẽ có thể ngồi lên dây rốn làm đứt mạch máu cung cấp máu cho dây rốn. Người mẹ cũng dễ có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công và tiến vào tử cung xuyên qua chỗ thủng khiến nước ối bị rò rỉ.
Cách xử lý của việc thiểu ối hoặc đa ối tùy thuộc vào từng trường hợp thai phụ và thai nhi. Một số trường hợp, thai phụ được bác sĩ chỉ định rút bớt nước ối (nếu đa ối). Trường hợp khác, bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu chuyển dạ sớm để chỉ định sinh mổ. Trường hợp đa ối mà thai nhi vẫn phát triển bình thường, bác sĩ có thể chỉ định bảo tồn bằng cách cho thai phụ nghỉ ngơi, dùng thuốc theo chỉ định. Ngoài ra, nếu thiểu ối, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho thai phụ được truyền dịch vào túi nước ối để duy trì đủ lượng nước ối cần thiết cho sự phát triển của thai.
Cách phòng tránh tốt nhất của việc đa ối hay thiểu ối, đảm bảo “đủ dùng” cho bé là người mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi tốt khi mang thai, uống đủ nước, khám thai đều đặn và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ nếu phát hiện thấy bất thường.