“Con tôi năm nay học lớp 1 rồi, bình thường bé rất ngoan và vâng lời bố mẹ. Nhưng có một điều mà tôi cảm thấy buồn vì bé đối xử với những con vật rất khó chịu. Chẳng qua là ở nhà tôi có nuôi một chú chó ta, mỗi lần bé thấy chó là hay kiếm cây hoặc dùng chân để đánh đuổi nó. Có lần bé còn bắt nó thảy vào xô nước nữa. Tôi cũng có la bé rồi nhưng mà tôi vừa quay lưng đi, không thấy tôi, bé vẫn đối xử với nó như vậy. Không riêng gì chú chó nhà mình mà ngay cả con mèo của hàng xóm cũng làm thú vui của bé. Tôi có hỏi bé tại sao con lại như vậy thì bé trả lời rất dửng dưng vì con thấy vui và cũng đâu ảnh hưởng gì tới con vật đó đâu. Tôi phải làm gì để bé có thể yêu thương thú vật hơn?”
Mẹ Gấu (An Giang)
Làm thế nào để bé yêu thương thú vật hơn? – Ảnh minh họa
Chuyên gia tư vấn:
Trong trường hợp này, các bậc cha mẹ sẽ đóng vai trò cầu nối rất quan trọng để tạo ra sợi dây liên kết, hình thành tình bạn cho trẻ và động vật bởi vốn dĩ, trẻ còn nhỏ nên không phân biệt được thế nào là đối xử tốt với chó mèo và thế nào là hành hạ chúng. Do đó, để trẻ dạn dĩ, yêu thương động vật hơn, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một vài hướng dẫn sau:
Thứ nhất, bản thân các phụ huynh nên là hình mẫu trong việc thể hiện tình cảm cũng như nâng niu, chăm sóc những động vật có trong nhà. Trẻ con luôn nhìn theo những hành động, việc làm của người lớn và tái hiện lại chúng trong cuộc sống của mình nên nếu phụ huynh thực hiện được điều này, các bé sẽ thực hiện theo một cách vô thức.
Thứ hai, trong phương pháp giáo dục trẻ em, lời nói chỉ mang tính giải thích, không mang tính “thị phạm” và cũng không có “uy tín” mạnh với trẻ so với những việc làm, hành động cụ thể. Vì thế, muốn trẻ yêu thương thú vật, chúng ta không thể nói với bé rằng “con phải yêu thương con Kiki này nhé!”, vì “yêu thương” vốn dĩ là một khái niệm mơ hồ với trẻ. Thay vào đó, chúng ta sẽ vẫn nói câu ấy kèm với những hành động cụ thể nhưng bồng bế thú cưng, tắm cho chúng, cho chúng ăn, chải lông, chơi đùa cùng chúng và khích lệ bé cùng tham gia như một trò chơi tập thể. Lúc này, việc “yêu thương” động vật đối với bé được định nghĩa là “vui chơi” cùng chúng và điều này sẽ giúp bé cảm thấy dễ dàng tiếp cận với thú cưng hơn.
Thứ ba, khi trẻ đối xử mạnh bạo với động vật thì nên có sự chỉnh đốn ngay bằng những so sánh cụ thể, bởi bản thân trẻ chưa phân biệt rõ ràng thế nào là đối xử nhẹ nhàng, thế nào là mạnh bạo với thú vật. Hãy giải thích rằng, “khi con làm như vậy với Kiki, nó sẽ đau giống như lúc con bị té hoặc va vào cửa đó” hoặc “nếu con nhận nước nó, nó sẽ bị cay mắt và khó chịu như khi con đi tắm mà bị nước vào mắt đó”… Và để hạn chế những hành vi bạo lực với động vật nơi trẻ, phụ huynh vừa có sự nghiêm khắc với hành vi này song cũng đồng thời đó, sẽ khích lệ bằng lời nói hoặc thưởng nhỏ cho trẻ khi trẻ có những hành vi âu yếm, quan tâm, chăm sóc động vật.
Thứ tư, hãy cùng trẻ xem những bộ phim, video clip đáng yêu về động vật đồng thời trò chuyện, đặt những câu hỏi liên quan đến nội dung đang xem để khơi gợi hứng thú, nhận thức của trẻ với những động vật mà trẻ được tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Bên cạnh đó, quý vị phụ huynh hãy đảm bảo vật nuôi không gây dị ứng cho trẻ, được đảm bảo vệ sinh để tránh cách bệnh lây nhiễm cũng như chích ngừa đầy đủ để các bé có được một người bạn thực sự hoàn hảo.