Chu vi vòng đầu thai nhi có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé. Đặc biệt là trong trường hợp mẹ có ý định sinh thường. Vậy cụ thể chỉ số này là gì? Chu vi vòng đầu thai bao nhiêu là bình thường? Nếu lớn hoặc nhỏ hơn thì có sao không? Mẹ và Con mời bạn xem bài viết để rõ hơn các vấn đề này.
Chu vi vòng đầu thai nhi là gì?
Chu vi vòng đầu thai nhi được ký hiệu là HC (Head Circumference). Chỉ số này giúp đánh giá sự phát triển của thai nhi qua từng tuần thai. Thông qua đó có thể phát hiện ra các bất thường như bệnh đầu nhỏ để có biện pháp can thiệp sớm.
Chu vi vòng đầu tương quan chặt chẽ với thể tích não. Vào tam cá nguyệt thứ 3 và 2 năm đầu sau sinh thì não bé sẽ phát triển mạnh mẽ nhất. Do đó, chu vi vòng đầu thai nhi là thước đo giúp tính toán sự phát triển của não bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Chỉ số HC trong giai đoạn này có thể có ý nghĩa tiên lượng cho sự phát triển sau này của bé.
Việc ước lượng chính xác vòng đầu thai nhi còn giúp bác sĩ chẩn đoán khả năng mẹ có thể sinh thường không hay cần chỉ định mổ. Bên cạnh đó, chỉ số HC cũng giúp:
- Ước tính cân nặng của thai
- Tính tuổi thai
- Đánh giá sự phát triển của thai nhi
- Phát hiện các yếu tố nguy cơ cho mẹ
Chỉ số chu vi vòng đầu theo tuần
Chu vi vòng đầu của bé sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Tại cùng tuần thai thì chu vi vòng đầu của các bé có thể không giống nhau. Bác sĩ cần kiểm tra chỉ số HC và so sánh với tiêu chuẩn thông thường theo từng tuần thai để có chẩn đoán gần chính xác nhất. Theo đó, có thể chia thành các giai đoạn như sau:
- Từ tuần 1 đến 4: lúc này phôi thai vẫn còn rất bé để quan sát.
- Từ tuần 4 đến 7: chỉ số thai nhi quan trọng trong giai đoạn này vẫn chưa phải vòng đầu mà là đường kính túi thai và chiều dài đầu mông bé.
- Từ tuần thứ 12 trở đi: từ lúc này thì chu vi vòng đầu thai nhi, chiều dài xương đùi, đường kính lưỡng đỉnh của bé mới có thể xác định cụ thể.
Các chỉ số này phụ thuộc nhiều yếu tố nên luôn có sự khác biệt theo từng trường hợp. Những sự khác nhau này phần lớn là do đặc điểm di truyền từ bố mẹ cũng như chế độ dinh dưỡng cho mẹ và bé.
Bé sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh thì chu vi đầu thường nằm trong khoảng 33-37cm. Chu vi vòng đầu các bé trai thường lớn hơn 0,5cm so với các bé gái. Theo một số nghiên cứu, chu vi vòng đầu thai nhi trung bình ở những em bé phát triển bình thường trong từng tuần thai như sau:
Chỉ số chu vi vòng đầu của thai nhi bất thường có sao không?
Số đo vòng đầu thai nhi nói lên rất nhiều điều về sức khỏe của thai nhi. Bất kỳ sự bất thường nào nói chung cũng sẽ khiến bố mẹ lo lắng, bất an.
Thực tế, không phải lúc nào bất thường cũng gắn tới nguy hiểm nên thông tin dưới đây chỉ nên dùng để tham khảo. Chẩn đoán chính xác cần đến từ bác sĩ, người có chuyên môn và thông qua quá trình thăm khám, kiểm tra cẩn thận. Bạn nhớ đừng tự phán đoán và lo lắng không cần thiết.
Chu vi vòng đầu to
Khi HC lớn hơn đáng kể so với mức trung bình thì được xem là bé mắc chứng vòng đầu to. Chu vi vòng đầu quá to chủ yếu ảnh hưởng nhiều tới việc mẹ phải sinh mổ hay đẻ thường nhiều hơn là dị tật. Thực tế, số HC cao thường do di truyền hoặc các yếu tố lành tính. Một số vấn đề khác gây chứng đầu to thường gặp là:
- Não phì đại
- Não úng thủy
- U xơ thần kinh
- Xơ cứng củ
Chu vi vòng đầu nhỏ
Thông thường, chu vi vòng đầu thai nhi nhỏ mới là dấu hiệu cho thấy có vấn đề bất ổn. Tình trạng này có thể là chỉ báo cho việc não không phát triển với tốc độ bình thường, khiến hộp sọ nhỏ. Điều này sẽ khiến bé có nguy cơ mắc các chứng rối loạn thần kinh và nhận thức. Chứng đầu nhỏ thường do các nguyên nhân sau:
- Thai nhi chậm phát triển
- Tình trạng bất thường gien, bất thường nhiễm sắc thể
- Bất thường thể chai
- Bất thường hệ thần kinh trung ương
- Bất thường hệ nội tiết
- Nhiễm trùng thai nhi
- Chẻ não…
Khi phát hiện chỉ số HC bất thường, gồm các chứng đầu nhỏ hoặc đầu to thì bác sĩ sẽ dùng phương pháp chuyên sâu để kiểm tra, xác minh nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý.
Không phải lúc nào chu vi vòng đầu thai nhi bất thường cũng báo hiệu nguy hiểm. Bạn chỉ cần lưu ý thăm khám thai định kỳ, ghi nhớ và báo với bác sĩ bất kỳ sự khác biệt nào. Việc chẩn đoán, điều trị nếu có hãy để người có chuyên môn hỗ trợ mẹ nhé.