Em và ông xã từ lúc kết hôn với nhau đến nay rất tâm đầu ý hợp, chuyện gì cũng có thể ngồi xuống và thảo luận để có một điểm chung. Nhưng từ khi em mang thai và sinh cháu đầu lòng đến nay thì em và anh ấy thường xuyên bất đồng ý kiến. Lúc mang thai thì anh xã ra sức chiều chuộng em, lúc nào đi làm về thì cũng hỏi han và trò chuyện với em, bên cạnh đó, anh cũng dành nhiều thời gian trò chuyện với bé dù bé còn trong bụng. Anh đã lớn tuổi mới có con đầu lòng, nên anh rất mong đợi đứa bé này. Mọi tâm trí của anh đều dành cho con. Anh đọc sách, tra cứu trên mạng về cách giáo dục con, chế độ dinh dưỡng cho con, chế độ dinh dưỡng khi mang thai, thậm chí anh còn tìm hiểu xem nhà trẻ nào tốt hiện nay… Mọi chủ đề lúc đó anh đều bàn luận xoay quanh con. Lúc đó, mình thấy vui và nghĩ là vì anh yêu mình nên cũng yêu con. Em sinh bé được 2 tháng nay, đó là một bé trai rất kháu khỉnh. Nhưng sau lúc sinh bé xong, anh vẫn giữ nguyên sự chú ý của mình dành cho con mà ít hỏi han em như ngày hai đứa mới cưới. Đi làm về anh hỏi han về con, anh trò chuyện cùng con. Anh cáu gắt khi thấy em cho con bú không đúng cách, anh ít hỏi han xem hôm nay em làm gì, có mệt mỏi không, mà thường bắt em làm cái này, cái kia vì anh đọc được trên sách vở những cách chăm sóc cho con … Em cảm thấy buồn và sợ tình cảm của anh dành cho em không còn nữa. Bây giờ anh chỉ thương con mà đã bớt thương em. Em không muốn duy trì tình trạng này vì nó làm cho tình cảm của em và con giảm sút. Em vẫn rất thương con, nhưng em dạo này rất dễ tủi thân và khóc nhiều.
Ngọc Huyền (Q.6)
Ngọc Huyền thân mến,
Đọc thư của chị, tôi hiểu chị đang ở trong giai đoạn nhạy cảm của những bà mẹ sau khi sinh. Do sự thay đổi các hoocmon trong cơ thể cộng với đau đớn trong lần chuyển dạ, những bà mẹ giai đoạn sau khi sinh là những người phụ nữ vô cùng nhạy cảm về mặt tâm lý. Họ dễ buồn, dễ khóc, dễ tủi thân và đôi khi cảm thấy chán nản hoặc có những suy nghĩ bi quan. Vì vậy, chỉ cần sự lơ là ít nhiều trong cách quan tâm của chồng hoặc những người xung quanh cũng sẽ làm cho họ chạnh lòng. Giai đoạn này sẽ qua đi sau đó vài tháng, khi cơ thể của người mẹ đã cân bằng trở lại.
Trong trường hợp của chị, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn một chút khi bé trai của chị lại là bé đầu lòng. Vì vậy, ở một số gia đình sẽ có sự xáo trộn và một trong hai người trong cặp vợ chồng sẽ cảm thấy hơi chông chênh vì có cảm giác như mình bị “cho ra rìa” trong mối quan hệ trước đây chỉ có vợ hoặc chồng. Chắc với cách quan tâm hơi quá mức cộng với những nhạy cảm của một bà mẹ vừa sinh xong nên làm chị có những cảm giác như vậy.
Chị có thể thỏ thẻ cùng chồng vào những lúc bé đã ngủ, dành thời gian cùng chồng trao đổi những suy nghĩ, những công việc hằng ngày như trước đây hai người đã cùng nhau chia sẻ. Thỉnh thoảng chị cũng có thể tâm sự với anh về những tủi thân của mình trong những lúc hai vợ chồng vui vẻ, cởi mở cùng nhau. Chị cũng có thể “vô tình” giới thiệu với anh những tài liệu viết về sự thay đổi tâm lý của một bà mẹ sau khi sinh để anh hiểu chị hơn.
Nếu vẫn duy trì những thói quen chia sẻ và có những khoảng không gian riêng dành cho tình cảm hai vợ chồng thì “người thứ ba 2 tháng tuổi” của chị sẽ chỉ làm cho mối quan hệ của gia đình trở nên tốt hơn và gắn bó với nhau hơn mà thôi.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Huỳnh Thị Hoài Như