Mẹ và Con - Việc lau dọn bàn thờ thần linh, tổ tiên vào dịp cuối năm là một công việc mà bất cứ gia đình nào cũng phải làm để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.

Theo phong tục truyền thống của người Việt, bàn thờ là nơi trang trọng và tôn nghiêm, được con cháu dùng để tưởng nhớ cũng như bày tỏ lòng hiếu thuận, thành kính đối với cội nguồn, thần linh, những người đã khuất trong gia đình. Vì thế, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà người người đều tiến hành vệ sinh nhà cửa đón năm mới, cũng không quên trang hoàng lại bàn thờ gia tiên.

Tuy nhiên, việc lau dọn bàn thờ vào ngày nào, văn khấn ra sao, cần lưu ý những gì, thực hiện như thế nào cho đúng… là những vấn đề vẫn còn gây nhiều băn khoăn cho nhiều gia đình vào mỗi dịp cận Tết. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm về những thông tin này qua bài viết sau đây nhé!

Lau dọn bàn thờ cuối năm vào ngày nào?

Theo tín ngưỡng dân gian, ông Công ông Táo là những người cai quản đất đai, trông coi bếp núc của gia đình. Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, hai ông sẽ cưỡi cá chép về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những chuyện đã xảy ra trong gia đình trong cả năm vừa qua nên không có mặt trong nhà. Vì thế, các cụ cho rằng đây là dịp thích hợp để mọi người tiến hành vệ sinh nhà cửa, lau dọn bàn thờ cuối năm (bao sái bàn thờ) để chuẩn bị đón năm mới mà không sợ ảnh hưởng, kinh phạm đến việc thờ cúng các vị thần linh, ông bà tổ tiên.

dọn dẹp bàn thờ cuối năm

Thế nhưng, trên thực tế, các nhà chuyên gia phong thủy đã bác bỏ điều này, cũng như không có tài liệu nào chứng minh cụ thể những quy định về nên lau dọn bàn thờ vào đúng ngày nào là đón tết tốt nhất. Hơn nữa, bàn thờ là nơi linh thiêng, hội tụ nhiều năng lượng tốt lành và tạo ra phúc đức cho gia chủ. Vì thế, việc dọn dẹp bàn thờ nên được tiến hành thường xuyên để bày tỏ lòng tôn kính của con cháu. Không nhất thiết phải vào đúng ngày ông Công ông Táo chầu trời, trong tháng Chạp, bạn có thể chọn ra một ngày lành bất kỳ để có thể tiến hành dọn dẹp bàn thờ đều được.

Thông thường, khi lau dọn bàn thờ ngày Tết, mọi người sẽ vệ sinh và tỉa chân nhang, vì sau một năm thờ cúng, bát hương sẽ đầy lên, nếu không tỉa chân nhang sẽ không còn chỗ để cắm vào và bài thỉnh cho năm sau, đồng thời gây mất vệ sinh ở nơi linh thiêng. Ngoài ngày 23, những ngày như 13, 15, 20, 21, 25, 27 tháng Chạp âm lịch cũng là những ngày rất tốt để tiến hành dọn dẹp.

Cách lau dọn bàn thờ cuối năm đúng và hiệu quả

Xin phép trước khi tiến hành dọn dẹp

Theo các nhà phong thủy, trước khi tiến hành sái tịnh bàn thờ, người thực hiện cần phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả sẵn và dâng lên bàn thờ. Trong ngày không nên dùng những món kiêng kỵ như cá chép, vịt, mực, mắm tôm…

Sau đó, người thực hiện thắp một nén hương nhằm bày tỏ cho tổ tiên, thần linh biết rằng hôm đó gia chủ có mong muốn sẽ tiến hành dọn dẹp, vệ sinh bàn thờ. Đồng nghĩa với việc mời các ông bà, tổ tiên và các vị thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu có thể thuận tiện dọn dẹp, tránh mạo phạm. Đối với việc dọn dẹp bàn thờ gia tiên, không cần phân biệt người thực hiện là ai trong nhà, chỉ cần thể hiện lòng thành kính, tác phong cẩn thận, tỉ mỉ với từng món đồ trên bàn thờ là được.

Chuẩn bị những thứ cần thiết

Đầu tiên, gia chủ cần chuẩn bị chổi và khăn lau, lưu ý phải sử dụng đồ mới, sạch sẽ. Một chiếc thìa nhỏ. Một mâm lễ có đầy đủ những món như: 1 đĩa xôi, 1 miếng thịt luộc, 1 đĩa hoa trái theo mùa, 1 ấm trà cùng với 5 bộ chén nhỏ, 3 chén rượu nhỏ, 1 chén nước sôi để nguội, 3 lễ tiền vàng và 2 lọ hoa tươi.

thắp nhang

Chuẩn bị thêm 5 loại thảo dược (đinh hương, quế, hồi, gỗ vang, bạch đàn) hoặc rượu gừng hoặc nước ấm để có thể tẩy uế và làm sạch các vật dụng cúng kiếng trên bàn thờ được tốt nhất. Gia đình của có thể mua 1 gói thảo dược về rửa sạch, đun sôi cùng với 1,5 lít nước, sau đó lấy nước này để lau rửa bàn thờ và đồ cúng. Nếu muốn lưu giữ mùi hương lâu, bạn có thể nấu lâu để nước đặc hơn hoặc mua thêm hương liệu.

Sau đó, gia chủ cũng nên chuẩn bị một chiếc bàn con, trải giấy đỏ để đặt bài vị. Nếu như gia đình bạn đặt bàn thờ thần linh và gia tiên chung với nhau, cần lưu ý tách biệt rạch ròi tại 2 vị trí khác nhau, tuyệt đối không được lẫn lộn.

Hướng dẫn lau dọn bàn thờ đúng cách

Bước 1: Sau khi đã tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị lễ cúng đầy đủ, bạn có thể bày dọn lên bàn thờ và thắp hương, đọc bài khấn bao sái bát hương (ở cuối bài viết). Chờ cho đến khi hương tàn hết, bạn có thể thực hiện lau dọn bàn thờ.

Bước 2: Bạn bắt đầu hạ các đồ thờ cần lau dọn xuống chiếc bàn con đã được trải giấy đỏ ở trên. Riêng bát hương, bạn tuyệt đối không được di chuyển. Bởi thông thường, các bát hương đã được gia đình xem hướng tốt để đặt cho hợp phong thủy, thu hút tài lộc. Vì thế việc xê dịch bát hương có thể trúng phải hướng xấu, gia chủ có thể gặp phải những điều xui xẻo, không may mắn.

Các chuyên gia phong thủy khuyên bạn, việc lau dọn bàn thờ nên được thực hiện theo đúng trình tự từ trên cao xuống dưới. Bạn nên dùng khăn mềm, sạch sẽ để lau các bức tượng có trên bàn thờ để tránh làm trầy xước, mất màu sơn. Với những bức tượng được làm bằng đồng, bạn không nên rửa bằng rượu, cồn hoặc hóa chất để tránh làm oxy hóa, hoen rỉ và xỉn màu bức tượng.

dọn dẹp bàn thờ

Bước 3: Sau khi đã dùng khăn ẩm vệ sinh sạch sẽ toàn bộ bàn thờ, bạn dùng thêm một chiếc khăn khô, sạch khác để lau khô toàn bộ đồ thờ cúng.

Bước 4: Khi hoàn thành việc lau bài vị, bạn có thể tiến hành rút tỉa chân nhang và thu dọn bát hương. Đầu tiên, bạn nên vệ sinh sạch sẽ hai tay bằng nước ngũ vị hoặc rượu gừng. Sau đó dùng thìa nhỏ và xúc từng thìa tro trong bát hương ra ngoài. Việc xử lý tro cũ có thể tùy theo từng gia đình, có nhiều người lọc lại tro để dùng tiếp.

Bước 5: Khi đã dọn tro xong, bạn nên dùng khăn ẩm thấm nước ngũ vị sau đó lau sạch bên ngoài bát hương.

Bước 6: Cuối cùng, bạn nên đặt lại đồ thờ cúng theo đúng vị trí ban đầu. Đồng thời mang nước đi thay nước cho các bình hoa, ly cúng, thay chum gạo muối (nếu có). Hoa được chọn lên bình phải còn tươi, sạch sẽ, loại bỏ các hoa héo, xấu. Quét dọn bàn thờ lần cuối và khấn xin thỉnh các ngài về, báo cáo đã hoàn tất việc lau dọn bàn thờ.

Những lưu ý trong lúc lau dọn bàn thờ cuối năm

  • Nhiều gia đình thường lo sợ sai phạm nên nghĩ bao sái bàn thờ cần nhờ đến các thầy cúng, pháp sư lĩnh vực phong thủy. Tuy nhiên, việc bao sái nên được thực hiện bởi những người trong gia đình.
  • Khi thực hiện bao sái bát hương, bạn nên mặc đồ chỉn chu, nghiêm túc, hơi thở sạch sẽ. Tác phong cẩn thận, tỉ mỉ, nhẹ nhàng để tránh làm rơi vỡ các đồ thờ.
  • Trong quá trình dọn dẹp bát hương, bạn không nên xê dịch ra khỏi vị trí ban đầu. Nên tia chân hương và lau rửa, một tay giữ lấy bát, một tay dọn dẹp và rút chân nhang để tránh làm xê dịch. Theo bao sái bát hương, nên để lại 3 hoặc 5 (bàn thờ thần linh) chân nhang. Tuy nhiên, có nhiều gia đình theo quan điểm như sau: Nếu trạch chủ là nam, bạn nên giữ lại 7, 17, 27, 37 chân nhang, không được giữ lại 47 chân nhang vì đây là số tử thần, không nên. Nếu trạch chủ là nữ, gia đình mẹ góa con côi… nên giữ lại 9, 19, 29, 39 chân nhang, không được giữ 49 chân nhang.

lau dọn bàn thờ

  • Nếu trong gia đình có bàn thờ Phật, bạn nên lau dọn bàn thờ Phật trước, sau đó mới đến bàn thờ gia tiên. Đặc biệt lưu ý, khi vệ sinh bàn thờ Phật, không nên dùng rượu. Thay vào đó, bạn chỉ cần dùng khăn thấm nước sạch hoặc nước ngâm cánh hoa hồng vàng để lau là được. Nếu không có, bạn cũng có thể dùng nước ngũ vị hoặc nước trắng bình thường vẫn được. Tuyệt đối không được lau bài vị tổ tiên trước các bài vị của thần Phật. Vì các cụ từ xưa quan niệm làm như vậy là bất kính, mạo phạm đối với thần linh.
  • Khi lau rửa bài vị của tổ tiên, gia chủ nên dùng nước ấm sạch, tránh dùng nước lạnh.

Văn khấn khi lau dọn bàn thờ cuối năm 

Thông thường, tùy theo mỗi gia đình sẽ có những bài khấn khác nhau. Sau đây là bài khấn thông dụng và cơ bản nhất bạn có thể tham khảo:

“Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con tên là… hiện đang ngụ tại…

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ… tại… (địa chỉ nhà ở, quê quán).

Hôm nay là ngày… tháng Chạp năm…, con xin phép được bao sái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ, nhằm tiễn năm cũ, đón mừng năm mới đến, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ… chấp thuận.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)”.

bàn thờ cuối năm

Như vậy, qua bài viết trên cũng đã giải đáp được những băn khoăn của bạn về việc lau dọn bàn thờ cuối năm được chuẩn nhất. Những đúc kết của ông bà từ xưa đến nay đã được tổng hợp trong bài viết này, giúp mọi người hạn chế tối đa việc phạm phải các cấm kỵ trong phong thủy, tránh được các chuyện xui rủi ngoài ý muốn. Tuy nhiên, các gia đình nên thường xuyên giữ cho bàn thờ gia tiên luôn được sạch sẽ, tươm tất vào tất cả thời điểm trong năm, không phải riêng mỗi dịp gần Tết Nguyên Đán. Điều này sẽ giúp khu vực tâm linh của gia đình luôn ngập tràn vận khí tốt lành, đón may mắn bình yên cả năm.

Tạp chí Mẹ và Con chúc bạn áp dụng thành công, đón một năm mới sum vầy, hạnh phúc nhé!

Bài viết liên quan