Mẹ&Con - Mỗi lứa tuổi phát triển của trẻ sẽ phù hợp với một loại đồ chơi nhất định để đảm bảo sự an toàn cũng như phù hợp với tâm lý trẻ ở độ tuổi ấy.

Chào bác sĩ!

Con trai tôi được 4 tuổi rưỡi. Bé hay đòi đi nhà sách, siêu thị với tôi và mỗi lần như vậy đều nằng nặc đòi mua một số loại đồ chơi mới. Có khi tôi không thích một món đồ chơi nào đó nên không muốn mua, nhưng bé cứ khóc lóc, nài nỉ. Những lúc đó tôi thật không biết làm sao! Mua về thì con lại rất mau chán, có khi chỉ chơi có chừng vài tiếng đồng hồ đã quăng đồ chơi vào một xó, không bao giờ đụng tới nữa. Tôi muốn chọn đồ chơi nào ít bạo lực, không có súng ống, không phải những con “siêu nhân”, giúp phát triển tốt tâm lý cho con nhưng bé lại tỏ vẻ không thích. Tôi nên làm gì trong trường hợp này?

Trần Thị Mỹ Hằng (Quận 3)

 bác sĩ trả lời

Nói vui vui là “chọn đồ chơi cho trẻ cũng là một… nghệ thuật”. Nếu bạn từng đi các nước phát triển, thì khi vào một cửa hàng đồ chơi cho trẻ nhỏ, sẽ thấy rõ sự chăm chút của nhà sản xuất cho từng món đồ chơi. Ví dụ như trên bao bì món đồ chơi được in rất rõ đồ chơi này dành cho lứa tuổi nào, cách sử dụng ra sao, giúp phát triển những gì, v.v., vì thực tế mỗi lứa tuổi sẽ phù hợp với một loại đồ chơi nhất định để đảm bảo sự an toàn cũng như phù hợp với tâm lý độ tuổi ấy.

Ở nước ta, việc này chưa được chú trọng lắm. Rất nhiều phụ huynh không biết chọn đồ chơi nào cho con mà vẫn chọn đại theo ý thích của bé, cho con chơi những đồ chơi không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ Trung Quốc. Chất liệu sản xuất các loại đồ chơi này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như báo chí đã nhiều lần lên tiếng báo động. Do đó, cách tốt nhất có thể làm hiện nay là chị phải “tự thân vận động” để có thể chọn được đồ chơi thích hợp cho bé mà thôi.

Đây là một số gợi ý cho chị:

– Món đồ chơi đó có an toàn với độ tuổi của bé không? Ví dụ: trẻ dưới 3 tuổi rất dễ cho món đồ chơi vào miệng nên bắt buộc đồ chơi ở tuổi này phải có kích thước lớn để bé không bỏ vào miệng được. Tuyệt đối không nên chọn các loại đồ chơi có vật bắn ra vì rất dễ trúng mắt. Trọng lượng đồ chơi phải nhẹ, để tránh việc trẻ bị dập tay, dập chân vì món đồ chơi.

– Món đồ chơi đó có phù hợp với độ trưởng thành của trẻ không? Ví dụ: con bạn đã 4 tuổi rưỡi thì bé sẽ không thích các món đồ chơi đơn giản kiểu như con vịt nhựa bóp vào tạo ra tiếng kêu nữa. Trẻ cần những món đồ chơi phức tạp hơn, đòi hỏi sự khéo tay, mày mò. Đồ chơi quá đơn giản sẽ khiến trẻ mau chán.

– Hãy ưu tiên chọn những món đồ chơi kích thích khả năng sáng tạo, có thể cho ra “kết quả” khác nhau sau mỗi lần chơi. Ví dụ, bạn có thể chọn cho con một bộ đất sét và hướng dẫn cháu nhào nặn các hình dáng khác nhau hoặc một bộ xếp hình có thể cho ra các “sản phẩm” khác nhau như ngôi nhà, cái xe, cái bàn, v.v..

– Quan tâm đến chất lượng, nguyên liệu sản xuất món đồ chơi. Đừng chọn những món đồ chơi không rõ xuất xứ (dù giá của chúng rất rẻ) hoặc những món đồ chơi có yếu tố bạo lực, không tốt cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Tags:

Bài viết liên quan