Mẹ&Con - Một số chị nói với em là lác sữa có thể lan toàn thân của bé luôn. Em lo lắng lắm. Mong bác sĩ cho em một lời khuyên. Lời khuyên cho mẹ bị tắc sữa 8 cách chăm sóc thận cho trẻ Cách chọn sữa công thức cho con

Con em 6 tháng tuổi. Sức khỏe của bé ổn định, chiều dài – cân nặng đều bình thường. Tuy nhiên, bé đã bị lác sữa suốt 3 tháng nay, tái đi tái lại không dứt. Em rất lo lắng vì ban đầu chỉ ít thôi ở hai má, giờ thì lan ra nhiều hơn ở vùng mặt. Một số chị nói với em là lác sữa có thể lan toàn thân của bé luôn. Em lo lắng lắm. Mong bác sĩ cho em một lời khuyên. 

Quỳnh Như
(Quận Bình Thạnh)

chuyen gia mevacon

Lác sữa là cách gọi dân gian của bệnh chàm sữa. Đây là dạng chàm thể tạng ở trẻ em từ 2 tháng đến 2 tuổi. Hiểu một cách nôm na, đơn giản nhất là tình trạng viêm da mạn tính, không lây, xảy ra ở bệnh nhi có tiền sử bản thân hay gia đình có cơ địa dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng, chàm thể tạng). Nếu tái diễn nhiều lần, bệnh sẽ trở thành chàm thể tạng nên người ta còn gọi chàm sữa là giai đoạn đầu của chàm thể tạng.

Khi bị chàm sữa, trẻ có biểu hiện khởi đầu là mảng hồng ban, sẩn, mụn nước, đóng mày, tróc vảy. Vị trí thường ở hai má, sau đó có thể lan đến cằm, trán. Bệnh nặng có thể lan đến mặt dưới cánh tay, khuỷu, da đầu, thân mình, tứ chi nhưng vùng tã lót và vùng nách không bị ảnh hưởng.

Thông thường, những yếu tố có khả năng làm bệnh nặng thêm là: Các dị ứng nguyên (thức ăn, không khí, thú nuôi…); Các chất kích ứng da như: xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, vải len, khói thuốc…; Khí hậu nóng, lạnh hay khô; Da khô do tắm rửa lâu, nhiều lần; Tiền sử bản thân hay gia đình có bệnh dị ứng; Nhiễm trùng, nhiễm siêu vi; Tiêm phòng, đặc biệt là tiêm phòng đậu mùa.

Để phòng tránh bệnh tái đi tái lại, kéo dài, lan rộng ra cho trẻ, bạn cần tự kiểm tra lại một số yếu tố:

– Nhà có nuôi thú nuôi như chó mèo không? Nếu có cần tạm thời ngừng nuôi, chuyển chó mèo sang nơi khác.

– Quần áo của bé không giặt bằng xà phòng nữa. Hạn chế tối đa để da bé tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bất kỳ loại hóa chất nào (ví dụ không dùng nước xả để giặt xả quần áo), không dùng nước hoa, phấn rôm. Nên cho bé mặc quần áo bằng chất liệu 100% cotton để thấm tốt mồ hôi và cho da thông thoáng. Không mặc đồ trẻ quá chật hay bằng vải len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da. Cắt ngắn móng tay để tránh bé gãi khi ngứa làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Nên đi găng tay cho bé để hạn chế cào gãi.

– Nhà ở phải thông thoáng, không có khói thuốc, không dùng nước hoa. Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm quá thấp.

– Cho bé bú mẹ nhiều, vệ sinh kỹ vùng mặt, miệng sau mỗi lần ăn hay bú sữa.

– Không tự ý dùng thuốc. Tạm thời không đưa bé đi tiêm chủng vì có thể làm bệnh nặng thêm.

Tags:

Bài viết liên quan