Mẹ&Con – Là bài kiểm tra cần được thực hiện ngay sau khi trẻ chào đời, thế nhưng mẹ đã biết gì về chỉ số Apgar? Tham khảo những thông tin bổ ích dưới đây để có thêm kiến thức về chỉ số Apgar cũng như cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời, mẹ nhé!
I. Chỉ số Apgar là gì?
Chỉ số Apgar (hay còn gọi là điểm số Apgar) được coi là bài kiểm tra đầu tiên, thực hiện ngay tại phòng sinh để đánh giá tổng quát sức khỏe của trẻ khi vừa chào đời.
Chỉ số này được đặt tên theo Virginia Apgar – nữ bác sĩ gây mê người Mỹ đã phát minh vào năm 1952. Apgar cũng đồng thời là tên viết tắt của các nhóm từ tương ứng:
– A: Appearance (Màu da)
– P: Pulse (Nhịp tim)
– G: Grimace (Phản ứng của cơ thể khi bị kích thích)
– A: Activity (Hoạt động của tay chân)
– R: Respiration (Nhịp thở)
Chỉ số Apgar được coi là bài kiểm tra đầu tiên, thực hiện ngay tại phòng sinh để đánh giá tổng quát sức khỏe của trẻ khi vừa chào đời. (Ảnh minh họa)
II. Các tiêu chí đánh giá chỉ số Apgar
Thông thường, bài kiểm tra đo chỉ số Apgar được chia làm hai lần thực hiện: Lần thứ nhất tiến hành ngay khi trẻ vừa chào đời, lần thứ hai tiến hành sau đó 5 phút.
Trường hợp hiếm hoi, nếu trẻ không may gặp những vấn đề nguy hiểm thì bài kiểm tra đo chỉ số Apgar sẽ được tiến hành thực hiện thêm vài lần nữa ở phút thứ 10, 20 sau khi trẻ chào đời.
Dưới đây là bảng tiêu chí đánh giá chỉ số Apgar:
Chỉ số | 0 | 1 | 2 |
Màu da | Toàn cơ thể có màu xám xanh, tái, nhợt nhạt | Cơ thể hồng hào, tay chân nhợt nhạt | Toàn bộ cơ thể, tay chân đều hồng hào |
Nhịp tim | Không có nhịp tim | Tim đập chậm, dưới 100 nhịp/phút | Tim đập đều đặn, ít nhất 100 nhịp/phút |
Phản ứng | Không có phản ứng | Có biểu hiện nhăn mặt | Có biểu hiện nhăn mặt, hắt hơi và quay đầu |
Hoạt động của tay chân | Không cử động | Cử động một chút ở chân và tay. Tay chân có thể co lại | Cử động tốt, mạnh mẽ và tích cực. |
Nhịp thở | Không thở | Khóc yếu, thở bất thường, không đều đặn và chậm | Khóc tốt, mạnh và ổn định |
III. Ý nghĩa kết quả đo chỉ số Apgar
Sau khi đo xong các chỉ số Apgar theo 5 tiêu chí trên, bác sĩ sẽ cộng tổng điểm lại. Tổng điểm cuối cùng là thước đo giúp đánh giá tổng quát tình hình sức khỏe của trẻ sau khi chào đời:
– Apgar 8 – 10: Tình trạng trẻ tốt
– Apgar 4 – 7: Trẻ ngạt từ nhẹ đến trung bình, hô hấp yếu, trương lực cơ nhão, màu sắc da xanh đến tím nhưng nhịp tim và kích thích phản xạ vẫn tốt, cần hồi sức ngay.
– Apgar 0 – 3: Trẻ có dấu hiệu ngạt nặng, không khóc, không có tín hiệu hô hấp, mạch rốn không đập hoặc đập dưới 80 lần/phút. Nhịp tim chậm hoặc không nghe được. Phản xạ của trẻ rất yếu hay thậm chí không có, cần phải hồi sức tích cực ngay lập tức.
Nhìn vào kết quả trên, ta có thể thấy điểm số lý tưởng cho một đứa trẻ là 8 – 10. Tuy nhiên, nếu sau bài kiểm tra ở phút thứ nhất trẻ chưa đạt được kết quả tích cực mẹ cũng không nên quá lo lắng. 5 phút sau, trẻ sẽ được tiến hành lại bài kiểm tra Agpar thứ hai thêm một lần nữa. Nếu ở lần kiểm tra này, các chỉ số vẫn không cải thiện các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao và tiến hành các nghiệp vụ y khoa cần thiết.
Chỉ số Apgar trung bình, khoảng 7 điểm ở lần kiểm đầu tiên là hoàn toàn bình thường. Chỉ số Apgar kiểm tra lần một dưới 7 điểm thường sẽ được cải thiện ở lần hai và lần ba. Ngoài ra, không phải chỉ số Apgar ở trẻ nào cũng giống nhau. Đối với trẻ sinh non, sinh mổ, khó sinh thì chỉ số Apgar có thể dao động thấp một chút.
Chỉ số Apgar không nói lên tình trạng sức khỏe của trẻ trong tương lai, nó chỉ báo trước cho bác sĩ và bố mẹ biết được sức khỏe cũng như mức độ lanh lợi hay chậm chạp của trẻ khi vừa chào đời. Dựa vào đó, các bác sĩ và bố mẹ sẽ có cách chăm sóc phù hợp để trẻ thích nghi với thế giới bên ngoài.
Chỉ số Apgar hiếm khi đạt 10 điểm vì trẻ thường bị tím tái thoáng qua sau sinh. (Ảnh minh họa)
IV. Chăm sóc trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý
1. Cho trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ là sự phát triển tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bú sữa mẹ càng lâu, trẻ càng khỏe mạnh vì sữa mẹ cung cấp rất nhiều các chất dinh dưỡng, giúp tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ chống lại nhiều bệnh tật.
2. Đừng cai sữa quá sớm
Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Nếu mẹ muốn cai sữa sớm hơn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
3. Pha sữa đúng cách
Vì một lý do nào đó, mẹ không thể đáp ứng đầy đủ sữa cho trẻ hãy thận trọng trong việc cho trẻ bú sữa công thức. Pha sữa quá loãng sẽ khiến sữa không cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ, pha sữa quá đặc lại làm thận trẻ hoạt động quá sức, ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu về dài.
4. Tiêm vắc-xin
Khả năng điều trị một số bệnh của y học hiện đại vẫn còn hạn chế, thậm chí ngay cả khi được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nặng hay tử vong. Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất giúp cơ thể trẻ tự tạo miễn dịch với những chứng bệnh phổ biến.
5. Rửa tay sạch
Nhớ rửa sạch tay trước khi ẵm bồng trẻ, đề phòng trường hợp lây nhiễm vi khuẩn, vi rút từ người này sang bé hoặc từ tã của bé sang cho người khác.
6. Không hôn trẻ
Dù là cha mẹ hay những người thân thiết trong gia đình cũng không hôn lên môi trẻ. Nụ hôn của người lớn có thể khiến một đứa trẻ sơ sinh tử vong vì lây nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu biểu là vi rút gây viêm màng não herpes.
7. Không hút thuốc
Để con bạn hít phải khói thuốc lá làm gia tăng khả năng đột tử và gây ra những vấn đề thật sự nghiêm trọng về hô hấp, kể cả bệnh hen suyễn.”- Bác sĩ Su Laurent – chuyên viên phụ khoa M&B cảnh báo tới các bậc làm cha mẹ.
8. Tắm nắng
Thường xuyên tắm nắng trước 8 giờ sáng và sau 4 giờ chiều giúp bé phát triển hệ xương vững chắc. 80% vitamin D sẽ được hấp thụ vào cơ thể trẻ thông qua việc tắm nắng.
9. Mát xa cho trẻ
Mát xa không những giúp trẻ thoải mái mà còn giúp chúng ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân. Song song với đó, xoa bóp còn giúp gắn kết tình mẫu tử giữa cha mẹ và con cái.
10. Ăn uống thận trọng
Trong quá trình cho con bú, mẹ đã truyền hết tất cả những gì mà cơ thể mình hấp thụ sang cho trẻ thông qua sữa mẹ. Chính vì vậy, cần lưu ý thực phẩm ăn uống của mẹ trong thời gian mới sinh. Tuyệt đối tránh cách chất kích thích hay đồ uống chứa cồn.
11. Thay tã lót kịp thời
Các chứng bệnh như: Viêm nhiễm, hăm tã, rôm sảy có thể tấn công bé ngay nếu mẹ để bỉm quá lâu, không thay cho bé trong một khoảng thời gian dài. Thường xuyên thay tã lót là cách mẹ giúp con thoát khỏi cảm giác ướt át và những cơn đau rát khó chịu.
12. Trang phục dành cho trẻ
Đồ mới mua cho trẻ cần được giặt sạch và lưu ý các sợi chỉ còn sót lại bên trong bao tay, bao chân. Hãy lộn ngược chúng ra và cắt bỏ hết các sợi chỉ thừa bên trong ngay sau khi mua về.
13. Lưu ý nhiệt độ phòng
Nhiệt độ trong phòng tốt nhất nên duy trì ở mức 26-28 độ C. Nhiệt độ quá cao khiến trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp. Ngược lại, nhiệt độ quá thấp là yếu tố làm cho vi khuẩn sinh sôi trong môi trường sống, khiến cơ thể trẻ ra mồ hôi và dễ bị cảm lạnh.