Dấu hiệu nhận biết bé đang bị thừa cân
Theo dõi số cân nặng hàng tháng của bé là cách nhận biết con có bị béo phì, thừa cân chính xác nhất. Nếu trọng lượng đạt cao hơn sự phát triển bình thường thì bé đã có nguy cơ bị béo phì, thừa cân.
Thường xuyên theo dõi trọng lượng của bé hằng tháng giúp bạn biết con có bị thừa cân không (Ảnh minh họa)
Thông thường, bé trên 12 tháng tuổi sẽ tăng trung bình khoảng 250-300g/tháng. Nếu bé tăng trên 500g/tháng và giữ mức trọng lượng này trong nhiều tháng liên tục thì bé của bạn đã bị béo phì, thừa cân. Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng, bạn sẽ thấy rõ đường biểu thị cân nặng của bé gần như là một đường thẳng.
Chăm sóc bé thừa cân, béo phì như thế nào?
Ăn uống lành mạnh
Mặc dù, con bạn bị thừa cân, béo phì nhưng các bác sĩ không khuyến cáo phải cho bé ăn một chế độ hạn chế hoặc tham gia vào những chương trình giảm cân khác, trừ khi con bạn ở trong trường hợp thừa cân quá nặng. Bởi một chế độ ăn uống kiêng khem có thể gây hại cho sức khỏe, cản trở sự phát triển tự nhiên của cơ thể bé.
Xây dựng chế độ ăn theo hình “Kim tự tháp” cho bé thừa cân (Ảnh minh họa)
Các bé thừa cân nên duy trì trọng lượng với việc ăn uống lành mạnh để phát triển chiều cao cân xứng với trọng lượng của mình. Mẹ nên bắt đầu xây dựng khẩu phần ăn uống của bé theo hình “Kim tự tháp”, nghĩa là ba phần rau, hai phần trái cây/ngày, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và thịt nên ít hơn. Đặc biệt, mẹ nên hạn chế cho bé ăn vặt với các thực phẩm ngọt chứa nhiều calo.
Giúp con loại bỏ thói quen ăn trong khi xem tivi
Thói quen vừa ăn vừa xem tivi hoặc máy tính khiến bé bị phân tâm và không chú ý vào việc ăn uống; dạ dày bé đã no căng nhưng bé có thể không nhận ra điều đó vì quá quan tâm đến việc xem tivi. Ngoài ra, các quảng cáo đồ ăn, thức uống hấp dẫn trên tivi còn kích thích bé ăn nhiều hơn. Vì vậy, mẹ nên giúp con loại bỏ ngay thói quen xấu này bằng những cách phù hợp như không để tivi trong phòng ăn, tắt tivi, máy tính khi đến giờ ăn, nghiêm khắc khi bé đòi xem tivi trong lúc ăn…
Tạo cơ hội cho con tích cực vận động
Mẹ nên cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn (Ảnh minh họa)
Vận động giúp bé không tăng thêm trọng lượng và còn có thể giảm cân nặng hiện tại của bé. Hãy thử dẫn bé đi dạo một vòng công viên hay đạp xe đạp sau bữa ăn tối thay vì chỉ ngồi quanh quẩn trong nhà. Đối với các bé lớn, mẹ có thể cho tham gia vào những lớp học bơi, múa hoặc nhảy để cơ thể giảm bớt mỡ thừa.
Không chê bai trọng lượng của con
Nhiều bé sẽ cảm thấy áp lực, bực bội, thậm chí là “nổi loạn” khi mẹ cứ chê bai về trọng lượng quá khổ của mình. Thay vì nói những lời chê bai như vậy, mẹ hãy khuyến khích con ăn uống và có lối sống lành mạnh hơn. Đặc biệt, bố mẹ hãy làm gương về cách sống và ăn uống lành mạnh để bé bắt chước và thực hiện theo.