Mẹ&Con – Không như người lớn, đối với trẻ béo phì, bạn cần cho trẻ ăn kiêng đúng cách vì bé vẫn cần dinh dưỡng để phát triển.

Chào bác sĩ!

Mới 6 tuổi nhưng con tôi đã được chẩn đoán bị béo phì độ 1. Tôi rất lo và muốn cho bé ăn kiêng nhưng bé rất thèm ăn và cứ đòi ăn nhiều hơn. Không cho con ăn khi con than đói, cảm giác của người làm mẹ như tôi xót xa lắm bác sĩ ạ. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi cách nào giúp bé có thể ăn kiêng, giảm béo phì mà không đói hoài như thế. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Nguyễn Thị Bách Thu (Quận Tân Phú)

Chế độ ăn kiêng cho trẻ béo phì 3

Béo phì độ 1 là độ nhẹ nhất. Điều trị béo phì ở giai đoạn này là phù hợp nhất vì nếu để bé mập hơn sẽ khó cải thiện. Tuy nhiên, điều trị béo phì không có nghĩa là áp dụng một chế độ ăn kiêng khắt nghiệt cho bé, nhất là vì bé còn quá nhỏ tuổi, đang ở độ tuổi cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển.

Để lên kế hoạch giảm béo phù hợp cho con, bạn nên cùng bé hình thành thói quen ăn uống và vận động lành mạnh. Hướng dẫn bé ăn nhiều rau và trái cây mỗi ngày. Mỗi bữa cơm nên ăn ít nhất một chén canh rau và một ít rau xào. Mỗi ngày nên ăn trái cây, sinh tố trái cây tráng miệng hay ăn trong bữa phụ. Nên thu xếp để bé ăn bữa cuối cùng trước 8 giờ tối.

Bạn cũng nên hạn chế để bé thụ động ngồi xem ti vi, chơi game liên tục. Thay vào đó, hãy khuyến khích con tham gia những hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, đá bóng, đi bộ, đạp xe đạp, v.v.. Không được kiêng sữa vì bé cần canxi để phát triển chiều cao. Bé có thể uống sữa 1 – 2 lần mỗi ngày nhưng có thể chọn loại không đường hay ít đường. Hạn chế cho bé ăn đồ ngọt, béo, mặn như nước ngọt, bánh ngọt, kẹo, bánh snack, thịt mỡ, v.v..

Những gia đình có người lớn (cha mẹ, ông bà) bị béo phì, rối loạn dung nạp đường, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, ung thư vú, ung thư đại tràng, v.v. nên đề phòng béo phì cho trẻ em trong gia đình để hạn chế nguy cơ các bệnh tật của người lớn sẽ truyền cho con cháu.

Tags:

Bài viết liên quan