Đó là trường hợp của một bệnh nhi mới 6 tháng tuổi ở Cần Thơ. Ngày 12/12, bé nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng toàn bộ vùng ngực bị bỏng nặng, vết thương chảy dịch, da bong tróc có dấu hiệu nhiễm trùng.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược chẩn đoán bé bị nhiễm trùng da, bỏng sâu độ 4. Nguyên nhân được xác định là do bà nội của bé đắp lá trầu không trị sổ mũi cho bé.
Các mẹ nên cẩn thận trước khi áp dụng các biện pháp dân gian truyền miệng. (Ảnh minh họa)
Gia đình cho biết, thấy bé thở khò khè nhiều vào ban đêm nhưng uống thuốc mãi tình trạng bệnh vẫn không cải thiện. Tin theo phương thuốc truyền miệng của mọi người, bà nội đã dùng nhiều lá trầu hơ nóng trên lửa rồi đắp lên ngực bé. Sau khi đắp, bệnh chẳng những không khỏi mà bé còn quấy khóc cả ngày đêm, ngực đỏ ửng và còn nổi bóng nước.
Nhận thấy tình trạng của con đang diễn biến xấu nên bố mẹ quyết định đưa bé lên TP.HCM chữa trị. Lúc này, gia đình mới tá hỏa khi bác sĩ báo tin bé bị nhiễm trùng da và bỏng sâu toàn bộ vùng ngực.
Sau 2 ngày được các bác sĩ tích cực điều trị nhiễm trùng và chăm sóc da bỏng, đến sáng 14/12 sức khỏe của bé đã dần ổn định. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, do vết bỏng quá sâu nên khó tránh khỏi sẹo lớn để lại trên ngực bé.
Trường hợp này cũng là bài học kinh nghiệm cho các bậc phụ huynh, đừng vội tin mà đắp lá trầu không trị sổ mũi cho trẻ. Bởi sức đề kháng của trẻ nhỏ còn kém, việc áp dụng các biện pháp dân gian không có cơ sở khoa học có thể khiến bé gặp phải một số hậu quả khó lường.
Thực hư việc thông đờm cho trẻ bằng lá trầu không
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nhiều mẹ bỉm sữa thay nhau chia sẻ bài thuốc chữa thông đờm cho trẻ bằng lá trầu không. Bài chia sẻ có nội dung cụ thể như sau:
“Chuẩn bị: 2 lá trầu không, dầu tràm. Hơ lá trên nến hoặc nướng lá. Để có hiệu quả, nướng liền hai lá, một lá đặt trên ngực của em bé, lá còn lại đặt sau lưng trẻ. (Hơ nóng xong đợi lá ấm ấm là làm cho con). Sau khi chuẩn bị lá xong, thoa dầu lên ngực trẻ. Đặt lá lên trên ngực và sau lưng bé. Không cần chờ lâu, nước mũi trẻ sẽ chảy ròng ròng, hệ hô hấp của trẻ tốt lên trông thấy, việc hít thở của trẻ được thông suốt hơn. Các mẹ có thể áp dụng cho con xem sao nhé”.
Theo các chuyên gia, đây chỉ là tin đồn nhảm nhí, không có tác dụng chữa bệnh sổ mũi cho trẻ. Việc đắp lá trầu không trị sổ mũi kết hợp với việc thoa dầu lên ngực sẽ gây bỏng nặng cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, với những trẻ dưới 1 tuổi, nếu áp dụng sẽ vô cùng nguy hiểm vì da trẻ còn non nớt.
Hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ lên xuống thất thường nên trẻ nhỏ rất dễ ốm vặt. Điều quan trọng là bố mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề chăm sóc, vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ. Tuyệt đối nói “không” với các biện pháp dân gian, truyền miệng không có cơ sở khoa học.