Mẹ&Con – Để những viên thuốc xanh đỏ, bọc đường ngòn ngọt nằm trên bàn làm việc, đổ dầu lửa vào chai nước suối và vô ý cất trong một góc nhà… Những việc làm tưởng chừng “có gì đâu” của cha mẹ có thể gây nên tai nạn khó lường cho con trẻ mà không biết!

Chat doc trong nha

(Ảnh minh hoạ)

Những “chất độc” hớ hênh…

Trong rất nhiều trường hợp điều trị ngộ độc cho trẻ nhỏ, khi bác sĩ trách phụ huynh sao lại vô ý để các chất độc hại bừa bãi trong nhà như thế, không ít bậc cha mẹ vò đầu bứt tóc… thanh minh: “Tôi cứ nghĩ chai thuốc cất trên cao rồi, ai ngờ con lại leo lên ghế lấy xuống chơi”, “Dầu lửa hôi thấy mồ, tôi cứ tưởng cho dù có cầm lên mở nắp chai ra, cháu nó nghe mùi cũng biết mà không uống phải chứ…”.

Những điều cha mẹ “tưởng” thì vô số kể, nhưng tựu trung lại đều giống nhau ở chỗ: Cha mẹ chủ quan, không nghĩ rằng những thứ rất bình thường, mình nhìn thấy hàng ngày, để lung tung trong nhà hàng ngày không sao, đến một lúc lại có thể mang đến hậu quả nghiêm trọng cho con trẻ!

Nhiều bà mẹ thậm chí thờ ơ khi nghe bác sĩ nhắc rằng: Khi trong nhà có trẻ nhỏ, tuyệt đối không được để thuốc hay các hóa chất gia dụng nằm lung tung, bừa bãi. Có người còn cho rằng “chất độc” tức là thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, diệt cỏ gì thôi, chứ các hóa chất gia dụng thì làm sao gọi là chất độc trong nhà được! Nhưng thực tế cho thấy, các loại thuốc thông dụng, thường dùng và các loại hóa chất gia dụng như dầu gội đầu, sữa tắm, dung dịch tẩy rửa lại chính là những thứ khiến trẻ phải… vào bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc nhiều nhất!

Mỗi năm, bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận gần 10.000 trẻ nhập viện do tai nạn trong sinh hoạt. Điều đáng lưu tâm là phần lớn các thương tích đều xảy ra trong nhà hoặc gần nhà và đều có thể phòng tránh được như tình trạng ngộ độc hóa chất.

Thống kê cho thấy, độ tuổi thường phải cấp cứu vì ngộ độc nhất là 1-3 tuổi. Vì thế, nếu con bạn còn ở tuổi này, trong nhà, khi để bất cứ loại hóa chất, mỹ phẩm, dung dịch, thuốc men nào, bạn cũng luôn phải kiểm tra để chắc chắn rằng chúng được cất trong tủ, kệ cao, có khóa càng tốt, ngoài tầm nhìn, tầm với của trẻ. Đã từng có bé phải vào bệnh viện vì… ăn phải son môi, có bé uống phải nước hoa hồng để trên bàn trang điểm của mẹ vì thấy thơm thơm(!). Nói thế để bạn nhận ra rằng chính những thứ bạn thấy bình thường nhất, yên tâm nhất, ít cho là độc hại với trẻ nhất lại trở thành thứ dễ hớ hênh gây tai nạn cho con.

Nếu nhà có hai bé trở lên mà các bé anh, chị cũng chỉ mới 4-5 tuổi, bạn càng phải cẩn thận. Vì bé lớn rất dễ lấy các loại hóa chất trong nhà làm đồ chơi để chơi với em, dễ gây tai nạn cho em. Trường hợp đã xảy ra là một cháu bé 4 tuổi lấy chai dung dịch vệ sinh phụ nữ mẹ mua về để trên bàn rót ra làm đồ chơi bán hàng và… cho em bé mới 2 tuổi của mình uống! Rõ ràng một chút bất cẩn của mẹ có thể gây nên cho đứa con bé bỏng của mình tai nạn khó lường nếu không kịp thời phát hiện ra.

Khi bị ngộ độc, có trường hợp nặng trẻ ho ra máu, đàm có bọt màu hồng, diễn tiến nhanh đến sốc và ngưng tim, ngưng thở trong vòng 24 giờ. Các triệu chứng khác là đau bụng, tức ngực, buồn nôn, tiểu ra máu…

Làm gì khi con chẳng may ngộ độc?

Thật ra, tốt nhất là bạn nên tự hỏi mình: Làm gì để tránh cho con gặp phải trường hợp đáng tiếc ấy? Trẻ nhỏ rất hay bắt chước, rất nghịch phá, tò mò, thích lục lọi những thứ cha mẹ thường dùng. Vì vậy, bạn luôn luôn phải nhắc nhở mình cất mỹ phẩm, hóa chất trong ngăn tủ có khóa hoặc trên kệ cao. Con ở độ tuổi dưới 6 tuổi không nên để bé chơi một mình mà không có người thỉnh thoảng để mắt trông chừng. Tuyệt đối không được để bé dưới 5 tuổi trông chừng em, chơi với em nhỏ tuổi hơn mà không có người lớn quan sát, theo dõi.

Khi con bệnh, bạn cần đảm bảo trẻ uống thuốc đúng và đủ liều. Thuốc chưa uống phải được cất kỹ trong các loại chai khó mở nắp. Không tự ý mua thuốc cho con uống. Cũng không được dụ trẻ uống thuốc bằng cách nói rằng thuốc là kẹo. Trẻ có thể tưởng đó là… kẹo thật và lần sau khi không có cha mẹ sẽ lấy “kẹo” để ăn hoặc uống. Với những hóa chất độc hại như xăng, dầu, thuốc trừ sâu… tuyệt đối không cất giữ trong nhà có trẻ nhỏ. Không bao giờ được phép đựng bất kỳ hóa chất nào trong chai nước suối, ca đựng nước, chén bát vì trẻ rất dễ nhầm lẫn và uống phải khi khát nước.

Khi đưa trẻ ngộ độc đi cấp cứu, người nhà cần nhớ đem theo những lọ thuốc, chai hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc cho trẻ để các bác sĩ xác định nhanh tác nhân gây ngộ độc và tiến hành điều trị đặc hiệu giải độc cho trẻ.

Trong trường hợp nếu đã đề phòng đủ cách mà chẳng may việc ngộ độc xảy ra, cần cẩn thận không móc họng cho bé nôn một cách tùy tiện vì dễ gây sặc, tổn thương họng, phổi, làm nặng thêm tình trạng ngộ độc. Bạn cũng cần nhớ, không được tự ý xử trí theo kiểu nặn chanh gây ói vào lúc trẻ đang mê man sẽ rất nguy hiểm cho con. Hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc trung tâm cấp cứu mô tả cụ thể tình huống ngộ độc của trẻ, từ đó bạn sẽ được hướng dẫn thực hiện các bước sơ cứu hay chờ để bác sĩ đến nơi, hoặc đưa gấp trẻ vào bệnh viện.

Bạn cần lưu ý thêm một điểm quan trọng nữa là trong mọi trường hợp, sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất dù trẻ có biểu hiện gì hay không. Nên nhớ, có nhiều lúc trẻ không ngộ độc ngay tức thời nhưng lại dẫn đến nguy kịch vài giờ sau đó. Vì vậy, bạn không được tự ý “quyết định” rằng chẳng qua bé bị ngộ độc… chút xíu thôi(!) rồi để con ở nhà. Ở bệnh viện hoặc trung tâm y tế, các bác sĩ sẽ đánh giá được tình hình và tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bé càng sớm càng tốt.

ĐIỀU ĐÓ ĐÃ XẢY RA…

  • Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận bé N.H.K (2 tuổi) được đưa tới bệnh viện trong tình trạng li bì, vật vã, tay chân lạnh. Trước đó vài giờ, bé ở nhà chơi, được bố mẹ giao cho chị (5 tuổi) trông chừng. Hai chị em chơi với nhau, cô bé chị muốn chơi trò tập làm bác sĩ như ở trường mẫu giáo nên đã… lấy chai thuốc siro ho bố mẹ để ở trên bàn, cho em uống khoảng 30-40ml. Hậu quả của trò chơi là cháu bé 2 tuổi vật vã, li bì, đổ mồ hôi, tay chân lạnh ngắt sau đó. Gia đình sau một hồi lâu tá hỏa mới phát hiện ra nguyên nhân, liền đưa cháu bé đến bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, cháu bé được rửa dạ dày để loại bỏ độc chất, cho uống than hoạt để hấp thu độc chất còn sót lại trong đường tiêu hóa và truyền dịch dinh dưỡng. Sau 12 giờ điều trị, tình trạng của cháu bé mới được cải thiện.
  • Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã từng tiếp nhận trường hợp bé trai N.H.T (4 tuổi), được người nhà mang đến vì… uống phải gần cả vỉ thuốc ngừa thai của mẹ!!! Mẹ cháu bé cho biết, trong lúc mẹ đi tắm, cháu bé vào phòng ngủ lục ví mẹ, lấy vỉ thuốc ngừa thai trong ví, bóc ra cho vào miệng. Khi thấy vị thuốc ngòn ngọt do có bọc đường bên ngoài, cháu bé tưởng là kẹo nên đã… lần lượt lấy từng viên ngậm và nuốt. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cháu bé được rửa dạ dày để thải loại độc chất và cho uống than hoạt tính để hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa, cũng như truyền dịch duy trì dinh dưỡng. Sau 6 giờ điều trị, tình trạng sức khỏe của cháu cải thiện dần, tỉnh táo.
Tags:

Bài viết liên quan