Mẹ hiểu gì về bệnh?
Tiêu chảy theo Tổ chức y tế thế giới là tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Phân lỏng là phân có hình của vật chứa. Cần lưu ý phân của trẻ bệnh tiêu chảy có sự gia tăng bất thường về tỷ lệ nước và số lần.
Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong cho trẻ em các nước đang phát triển. Trên toàn thế giới, hàng năm mỗi trẻ mắc trung bình 3,3 đợt tiêu chảy, nhưng ở một số vùng có thể mắc hơn 9 đợt. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là do siêu vi, kế đến là vi trùng, ký sinh trùng và một số nguyên nhân khác.
Đường lây truyền chủ yếu bệnh tiêu chảy là đường phân – miệng.
Người ta thường phân loại tiêu chảy theo tính chất phân hoặc thời gian bệnh. Nếu tiêu phân có máu thì gọi là tiêu đàm máu (hoặc hội chứng lỵ); nếu phân không có máu thì gọi là tiêu chảy KHÔNG đàm máu, hay chỉ gọi đơn giản là tiêu chảy. Nếu tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần thì gọi là tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy mạn, trước thời gian này gọi là tiêu chảy cấp. (Phạm vi bài này chỉ đề cập đến tiêu chảy cấp).
Ngoài ra còn có các từ tiêu chảy do bệnh lý tại ruột , do dị ứng protein sữa bò, do thiếu men tiêu hóa (lactase, sucrase, isomaltase…) do trẻ bị thiếu men này nên không thể tiêu hóa, hấp thu được thức ăn có chứa các chất tương ứng
Tiêu chảy có thể dẫn đến hậu quả gì cho trẻ?
Tiêu chảy làm bé bị mất nước và điện giải theo phân. Điều này rất nguy hiểm, cơ thể trẻ nhanh chóng bị khô kiệt dẫn đến tử vong nếu không được bù nước nhanh chóng và thích hợp. Tiêu chảy còn là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng. Lý do chính là trẻ ăn ít đi trong khi bị tiêu chảy và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cũng bị giảm một phần, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ lại cần phải cao hơn để chống lại bệnh.
Một câu hỏi đặt ra: Khi trẻ bị tiêu chảy có cần thiết phải cho nhập viện không?
Điều may mắn là hiện nay đã có các biện pháp điều trị hiệu quả và đơn giản. Hầu hết các trường hợp không còn cần thiết phải nhập viện (không tới 3%, theo số liệu của khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Đồng 1) mà có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi thăm khám bác sĩ sẽ quyết định chế độ điều trị, nhập viện hay có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Khi trẻ không cần nằm viện, những người trong gia đình, nhất là bà mẹ giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công trong việc chăm sóc bé bị tiêu chảy tại nhà. Nếu biết chăm sóc trẻ bệnh một cách đúng đắn, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.