Có thể phòng ngừa cúm không?
Câu trả lời là có! Đừng đợi đến khi những cơn hắt hơi thi nhau đến, đầu nhức ong ong mới chịu đến bác sĩ. “Bầu bí” cần chủ động thực hiện cho mình những bước này.
Bạn nên… | Vì sao? |
Uống nhiều nước | Cơ thể đủ nước sẽ giúp giảm các triệu chứng như viêm họng và sổ mũi. Bạn hãy uống nhiều nước, nếu có thêm các loại nước ép trái cây như nước bưởi, nước cam thì càng tốt. Khi thấy vài dấu hiệu bất ổn, một viên sủi vitamin C cũng sẽ là cách giúp tăng cường sức đề kháng ngay cho cơ thể để chống chọi với vi-rút. Nhớ là chỉ uống vitamin C khi bạn no bụng nhé. |
Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng diệt khuẩn. | Thật dễ làm phải không? Bạn hãy cho nửa muỗng cà phê muối vào ly nước ấm, sau đó súc miệng thật kỹ. Muối sẽ “bóc tách” các chất đeo bám thành họng, giúp giảm viêm, làm sạch nhầy và giảm các kích thích ở cuống họng. Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặ nước súc miệng diệt khuẩn cũng giúp “tống cổ” các vi khuẩn, vi-rút, giảm mật độ của chúng trong họng bạn. |
Không để mình quá stress vì công việc. | Đang “bầu bí” là cơ thể bạn vốn đã khá nhiều mệt mỏi rồi. Nếu bạn còn tham công tiếc việc, khiến cơ thể thường xuyên không được nghỉ ngơi đầy đủ, stress, căng thẳng, thì khả năng chống chọi với vi-rút càng giảm sút hơn. Nên giữ cho mình nhịp sinh hoạt, ăn ngủ nghỉ ngơi thật ổn định trong giai đoạn này. Một giấc ngủ đủ 8 tiếng, tinh thần sảng khoái, sẽ giúp bạn ngăn cúm hữu hiệu vô cùng. |
Ăn đủ chất | Ăn đủ chất cũng là biện pháp để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, khi cơ thể bắt đầu thoáng có dấu hiệu cảm cúm mà bạn còn bỏ bữa, ăn uống qua loa thì chẳng khác nào “tiếp tay cho giặc”. Hãy chọn những món dễ ăn, món lỏng như cháo hay súp cũng được, nhưng phải đảm bảo đầy đủ chất, thật bổ dưỡng. Không ăn nổi trong một bữa thì bạn có thể chia thành nhiều bữa nhỏ, cách nhau vài giờ. |
Tắm bằng nước ấm | Khi thấy cơ thể mình xuất hiện những dấu hiệu không được khỏe, bạn nên thư giãn dưới vòi sen bằng nước ấm. Điều này sẽ mang đến những tác dụng không ngờ. Nhớ là chỉ tắm nhanh và tắm bằng nước ấm chứ đừng ngâm bồn cả buổi nhé. Sau khi lau khô người, thay một bộ quần áo ấm áp, hãy cố gắng để có một giấc ngủ ngon. |
Rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn. | Rửa sạch tay luôn là một trong những biện pháp được các bác sĩ đề cập đến đầu tiên. Bạn cần rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi ra ngoài vừa về nhà, khi tiếp xúc với trẻ nhỏ hoặc các con vật… Nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và rửa thật kỹ ở các kẽ tay, móng tay. |
Tránh nơi đông người, tránh tiếp xúc với gia súc, gia cầm… | Khi ra những nơi đông người, bạn cần mang khẩu trang y tế. Hạn chế ở quá lâu ở những khu vực ấy. Cũng nên tránh dùng tay chạm trực tiếp, vuốt ve gia súc, gia cầm. Trong những giai đoạn cúm đang tràn lan thế này, bạn cũng cần tránh tối đa việc giết mổ gia cầm, tránh ăn các thức ăn tái sống, nấu không chín kỹ. |
Những nhóm thực phẩm giúp bạn ngăn cúm “đến thăm”
Tác dụng của chúng đặc biệt tốt cho cơ thể, lại rất lành tính, không tác dụng phụ nên bạn cần tăng cường chúng trong nhà bếp của mình mùa này nhé!
Món ăn | Công dụng của chúng |
Súp gà | Không cần phải vì đang mùa cúm gia cầm nên bạn tránh xa luôn… gà! Chỉ cần bạn chọn mua gà sạch, đảm bảo đã qua kiểm dịch, đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà thôi.
Súp gà có chứa một loại amino acid cần thiết cho việc phong tỏa các tế bào miễn dịch bị viêm, không cho chúng đi vào cơ thể. Nếu các tế bào này vào cơ thể và tích lũy trong khí quản sẽ gây ra các triệu chứng cảm và cúm liên quan đến cổ họng. Nếu làm súp gà, bạn nên nấu gồm những loại nguyên liệu sau: gà, hành củ, khoai tây, củ cải, cà rốt, mùi tây, cần tây, muối và tiêu. Những nguyên liệu này được xem là có dược tính giúp ngăn không cho chảy nước mũi, giảm ho, trị đau họng… |
Gừng | Gừng có tác dụng thúc đẩy toát mồ hôi và thường được sử dụng để hạ cơn sốt. Khi bị ngạt mũi do cảm cúm, bạn có thể ăn gừng cũng như các loại gia vị cay như quế, rau mùi, chúng sẽ giúp thu nhỏ mạch máu trong mũi và cổ họng để tạm thời làm giảm tắc nghẽn ở mũi và họng. |
Sữa chua | Trong sữa chua có probiotics giúp tập hợp các vi khuẩn có lợi trong dạ dày và ngăn chặn các vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, trong đó có bệnh cúm. Mỗi ngày chúng ta nên ăn 200g sữa chua sẽ giúp cung cấp đủ lượng probiotics cho cơ thể. |
Mật ong | Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, mật ong là một phương thuốc trị ho, cảm rất hiệu quả và an toàn. Nguyên nhân là mật ong có tính kháng khuẩn tự nhiên. Mật ong cũng có hoạt chất Albumin và acid Panthoteni kích thích tái tạo tế bào mới giúp mau lành các tổn thương niêm mạc họng. |
Trà xanh | Trong trà xanh có chất epigallocatechin- gallate (gọi tắt là EGCG. Vi-rút cúm có thể bị tiêu diệt ngay khi gặp chất EGCG. Đặc biệt EGCG có khả năng ngăn virus cúm lây lan trong nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, EGCG còn có khả năng chống lại những chủng vi-rút kháng thuốc trị cúm thông thường. |
Tỏi | Trong tỏi có chứa allicin, một loại kháng sinh mạnh có thể chống lại vi khuẩn, vi-rút. Tỏi có công dụng sát trùng mạnh. Mỗi ngày bạn nên ăn một tép tỏi sống để giúp tăng sức đề kháng, chống lại vi-rút cúm rất hiệu quả. |
Trái cây giàu vitamin C | Các loại trái cây giàu vitamin C như chanh, cam, kiwi hay ớt hỗ trợ sự hình thành kháng thể, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, phòng chống vi-rút lây nhiễm nên giúp ngăn ngừa cảm cúm. |
Thịt nạc | Trong thịt có chứa nhiều kẽm có tác dụng trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của vi-rút cúm, đồng thời làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Kẽm được đặt cho biệt danh là “khắc tinh của vi-rút”. Ngoài thịt nạc, kẽm còn có nhiều ở gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng… |
Khoai lang | Beta-carotene trong khoai lang có thể giúp cải thiện khả năng “phòng thủ” của cơ thể trước bệnh cúm. Nó giúp cho sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào hệ miễn dịch và trung hòa các chất độc hại trong cơ thể. Khoai lang và các loại thực phẩm màu cam khác như cà rốt, bí, bí đỏ, lòng đỏ trứng và dưa đỏ đều có tác dụng phòng ngừa cúm tương tự nhau. |