Mẹ&Con – Con phát triển từng ngày. Cái quần tây mới mua hồi Tết thôi, giờ con mặc mẹ đã phải thả lai quần xuống. Nhưng nhìn con lớn, mẹ không chỉ phải bận tâm đến chuyện áo quần đâu. Có một việc khác quan trọng hơn, đó chính là hệ xương của con. Xương cần sự “chăm sóc” đúng cách, nhất là trong giai đoạn này, để có thể phát triển hoàn thiện.
Chăm sóc cho xương trẻ chắc khỏe

(Ảnh minh họa)

Bạn biết gì về xương của bé?

Câu chuyện về xương “li kỳ” hơn bạn tưởng. Xương là chỗ dựa của toàn bộ cơ thể. Một số xương giữ nhiệm vụ bảo vệ não, tim, phổi… nên sự vững chắc và phát triển hoàn thiện của xương đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Xương sẽ phát triển cho đến lứa tuổi 20-25, tuy nhiên giai đoạn trước 15 tuổi mới chính là thời kỳ “vàng son” dành cho sự phát triển của xương.

Nếu xương không được “chăm sóc” đúng cách để có thể phát triển hoàn thiện, con bạn sẽ bị ảnh hưởng ngay và xuất hiện dần những triệu chứng như: Chậm phát triển chiều cao, nếu bé còn đang tuổi mầm non mẫu giáo thì có thể bị chân vòng kiềng, thiếu máu do xương kém phát triển thì tủy xương cũng chậm trễ trong chức năng tạo máu, cơ bắp bị nhão, thành bụng yếu khiến “bụng ỏng” dưới áp lực phát triển của phủ tạng bên trong.

Trong giai đoạn phát triển của con, bệnh về xương hay gặp nhất và được mẹ nghe nói đến nhiều nhất chính là còi xương. Không nên chủ quan với bệnh này vì còi xương sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ xương, ảnh hưởng đến chiều cao trẻ em trong thời kỳ tăng trưởng. Trẻ sẽ bị còi xương nếu thiếu vitamin D, thiếu canxi. Do đó, việc cho trẻ uống mỗi ngày 1-2 ly sữa, ăn nhiều cá nhỏ nguyên xương, tôm tép… là cực kỳ quan trọng.

Cũng cần lưu ý rằng tuy nhiều bé được mẹ bổ sung canxi nhiều nhưng lại vẫn còi xương hoặc mắc các bệnh về xương! Nguyên nhân là vì có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi mà mẹ không nên bỏ qua. Ví dụ như việc trẻ được ăn uống đầy đủ chất, chế độ dinh dưỡng cân đối, có tập thể dục, được bổ sung vitamin D sẽ giúp hấp thu canxi tốt hơn.

Bạn cũng nên biết rằng để xương phát triển hoàn thiện thì khối lượng và mật độ xương cũng rất cần được quan tâm. Hãy hình dung nôm na là như một cái cây cao lên nhưng trong ruột lại không vững vàng, chắc khỏe thì sẽ rất dễ… gãy, nếu bé cao lên nhưng khối lượng và mật độ xương không phát triển bình thường thì có thể dẫn tới việc bị loãng xương, dễ gãy xương, răng dễ bị “lung lay”, không cứng chắc, men răng cũng bị yếu và dễ hư răng hơn.

Bảo đảm cho xương phát triển hoàn thiện

Không chỉ giúp bé có chế độ ăn uống phong phú, đa dạng, đảm bảo đủ các khoáng chất, vitamin cần thiết, bạn cũng nên nhắc nhở con giữ tư thế đứng ngồi thật “chuẩn”, nếu không sẽ dễ bị vẹo cột sống, gù lưng, mất dáng… sau này. Đừng cho bé vừa nằm vừa đọc sách hay học bài. Tư thế ngồi học cũng luôn cần thẳng lưng, với bàn ghế vừa tầm. Với giường nằm của bé, mẹ nên chọn loại nệm tốt, có độ cứng đúng chuẩn để bé không bị “trũng lưng” trong quá trình nằm ngủ. Một số bé rất thích nằm võng, song hãy hạn chế con nằm võng quá nhiều vì tư thế nằm võng dễ khiến bé bị “lưng tôm”.

Một lời dặn dò không thừa khác là đừng cho bé mang vác nặng trong giai đoạn đang lớn thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến xương và sự phát triển chiều cao của con. Bé đi học thì không được mang cặp nặng quá 4kg. Cặp cũng nên đeo hai dây trên hai vai để chia đều lực, không bị lệch người.

Thêm một lời nhắc nhở cuối cùng là tuổi này trẻ rất hiếu động, xương lại chưa hoàn chỉnh nên dễ xảy ra tình trạng gãy xương. Hãy để ý đến các yếu tố như: Đảm bảo nhà tắm không trơn trợt, cho con đi giày vừa vặn chân, tránh cho con chơi những trò chơi đùa giỡn quá mức, chạy nhảy kiểu như rượt bắt sẽ dễ xảy ra tai nạn.

Trẻ ăn gì cho xương chắc khỏe?

Đây là những vitamin và khoáng chất không thể thiếu trong giai đoạn phát triển của con bạn…

– Canxi: Canxi là một thành phần chính tạo nên xương. Canxi kết hợp với phốt pho để tạo thành collagen giữ các xương liên kết với nhau và tăng độ dày cho xương. Con bạn ở tuổi cấp 1 và cấp 2 cần từ 800-1.000mg Canxi mỗi ngày. Có thể bổ sung Canxi cho trẻ thông qua các loại thực phẩm như sữa tươi (cho trẻ uống 1-2 ly/ngày), sữa chua (ăn tối thiểu một hộp), phô mai, các loại tép tôm, cá, nghêu sò ốc hến…

– Phospho: Phospho là loại khoáng chất quan trọng thứ nhì (chỉ sau Canxi) trong việc đảm bảo cho xương chắc khỏe. Để cung cấp đủ lượng phosphor cho trẻ, cần bổ sung trong bữa ăn của bé các loại thịt gà, cá, trứng, đậu…

– Vitamin D: Vitamin D được xem là một loại vitamin bổ sung, bởi nó không thực sự là một phần trong chế độ ăn uống. Trẻ em chỉ hấp thụ được một lượng ít vitamin D từ những gì họ ăn. Tuy nhiên, hầu hết lượng vitamin trẻ hấp thụ được là từ ánh sáng mặt trời. Vitamin D giúp hấp thu canxi và phốt pho để xây dựng xương. Cha mẹ cũng có thể cung cấp vitamin D cho con bằng cách uống sữa.

Các bài tập tốt cho xương của bé

– Đi bộ

– Chạy với tốc độ vừa phải

– Leo cầu thang

– Nhảy dây

– Bơi lội

– Bóng rổ

Cẩn thận ung thư xương ở trẻ!

Bạn dễ rùng mình và bỏ qua những box thế này vì tâm lý không bà mẹ nào muốn liên tưởng (dù chỉ một chút) căn bệnh đáng sợ đó với con mình. Tuy nhiên, bạn nên đọc để có thể hiểu được và biết cách phát hiện các dấu hiệu sớm nhất nếu chẳng may nó xuất hiện.

– Ung thư xương ở trẻ em là bệnh rất nguy hiểm và khó chữa. Lứa tuổi thường xảy ra nhất là ở trẻ thiếu niên, từ 13-15 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn bị. Điều kỳ lạ là ung thư xương thường gặp phải ở bé trai hơn (gấp đôi bé gái), hầu hết các trường hợp xảy ra ở gần vị trí khớp (khớp gối, khớp vai).

– Triệu chứng của bệnh là bé hay cảm thấy đau và sưng vùng gần khớp. Bạn lưu ý: Khi trẻ đang độ tuổi phát triển, việc đau khớp có thể xảy ra nhưng không gây sưng, và sẽ hết khi bé lớn hơn. Còn với ung thư xương thì bé sẽ bị đau và sưng ngày càng nhiều hơn, khiến phải đi khập khiễng.

– Để xác định được chính xác bệnh, bác sĩ sẽ phải cho thực hiện việc chụp X-quang, scan khối u hay chụp MRI để xác định vị trí, kích thước, tính chất khối u (xâm lấn cơ quan lân cận, nội tủy…). Công tác chẩn đoán cũng sẽ thực hiện kỹ để xác định độ ác tính (thấp, vừa, cao) và giai đoạn bệnh (khu trú hay đã di căn phổi, gan, xương khác…).

– Như đã nói, bệnh rất nguy hiểm và thường gặp trong quá trình bé đang có sự phát triển về xương nên mẹ không bao giờ nên thờ ơ khi con than đau chân, tay. Khi có tình trạng đau kéo dài, nhất là kèm sưng, nhất định phải đưa trẻ đến khám ở bác sĩ chuyên khoa.

Để đảm bảo hệ xương của trẻ phát triển hoàn thiện, cần khuyến khích trẻ tập thể dục (nhất là bơi), cung cấp cho trẻ một chế độ ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng, nhất là bổ sung đủ lượng Canxi cần thiết.

Tags:

Bài viết liên quan