Cách điều trị truyền thống đối với chứng rối loạn lo âu bao gồm liệu pháp trò chuyện và dùng thuốc. Mặc dù những phương pháp này có hiệu quả đối với nhiều người, nhưng không phải ai cũng có thể tiếp nhận được chúng. Vì thế các nhà trị liệu vẫn luôn cố gắng tìm ra những phương pháp điều trị mới mẻ để đem đến nhiều sự lựa chọn hơn cho bệnh nhân và châm cứu là một trong những cách điều trị lo âu đang được phát triển hiện nay. Thực hư về cách điều trị này như thế nào? Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây cùng Mẹ và Con nhé!
Châm cứu và mối liên hệ với chứng rối loạn lo âu
Châm cứu ngày càng trở nên phổ biến trong 40 năm qua. Một cuộc khảo sát được công bố trên tạp chí Psychosomatics cho thấy, gần 1/3 số người bị rối loạn lo âu sử dụng các liệu pháp thay thế như châm cứu cùng với các kỹ thuật xoa bóp hoặc thư giãn.
Châm cứu liên quan đến việc đưa các kim vô trùng và rất mỏng qua da tại các điểm có áp lực máu mạnh. Điều này cân bằng dòng chảy của năng lượng – được gọi là chi hoặc khí – thông qua các con đường hoặc kinh mạch trong cơ thể. Chèn kim vào các điểm cụ thể dọc theo những con đường này để cân bằng lại dòng năng lượng.
Ý tưởng đưa kim vào da đối với một số người có thể hơi khó chịu. Tuy nhiên, nó được thực hiện bằng một cái chạm nhẹ và bạn khó có thể cảm thấy nó, vì kim không cắm đủ sâu vào da để làm cho một người chảy máu.
Các tác dụng phụ tiềm ẩn là tối thiểu và chúng có thể bao gồm: mệt mỏi, bầm tím nhẹ, đau nhức, cảm giác lâng lâng… Sau khi bắt đầu điều trị, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào. Tuy vậy, Chris Powell, người sáng lập Dịch vụ Châm cứu & Sức khỏe Missouri ở Thành phố Kansas, Missouri, cho biết: “Trong 27 năm tôi thực hành châm cứu, tôi chưa chứng kiến tác dụng phụ tiêu cực nào”.
Những lợi ích của châm cứu với chứng rối loạn lo âu
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích của châm cứu đối với sức khỏe tổng thể. Châm cứu được sử dụng để điều trị vô số các vấn đề sức khỏe, bao gồm: đau mạn tính, nhức đầu, bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường loại 2…
Châm cứu được sử dụng phổ biến nhất để điều trị cơn đau, nhưng ngày càng nhiều người chú ý đến việc nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể như thế nào, bao gồm cả việc kiểm soát lo lắng và căng thẳng. Powell nói: “Châm cứu kích thích các hormone tạo cảm giác tốt tự nhiên của cơ thể và làm giảm mức độ của các hormone gây căng thẳng như cortisol, khiến phương pháp trở nên đầy hứa hẹn.”
Dược lý và tâm lý trị liệu là những phương pháp điều trị rối loạn lo âu thông thường, nhưng chúng có hiệu quả hạn chế, đặc biệt là trong trường hợp lo âu mãn tính, tỷ lệ tái phát cao và thường gây ra các tác dụng phụ bất lợi.
Các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến châm cứu và việc sử dụng nó trong việc điều trị đặc biệt chứng lo âu trong lịch sử đã bị hạn chế. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi khi nó được chấp nhận nhiều hơn trong y học chính thống.
Khoa học nói gì về phương pháp này?
Trong vài năm gần đây, đã có rất nhiều nghiên cứu xem xét cách châm cứu ảnh hưởng đến phản ứng sinh lý trong cơ thể để kiểm soát căng thẳng và đau đớn
Ví dụ, một nghiên cứu đầy hứa hẹn từ năm 2015 đã phát hiện ra rằng, châm cứu đã cải thiện các triệu chứng ở những người mắc chứng lo âu không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bao gồm cả liệu pháp tâm lý và thuốc. Những người tham gia được thực hiện 10 buổi châm cứu kéo dài 30 phút trong suốt 12 tuần và kết quả là họ đã giảm đáng kể sự lo lắng của họ, thậm chí 10 tuần sau khi điều trị.
Trong một nghiên cứu gần đây hơn vào năm 2016 trên chuột, châm cứu được phát hiện có hiệu quả trong việc giảm lo lắng và cũng được chứng minh là hoàn toàn an toàn, lành tính. Vậy nên nếu bạn lo lắng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc chỉ đơn giản là bạn muốn thử một cái gì đó mới, thì châm cứu sẽ không làm các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Một nghiên cứu khác so sánh giữa châm cứu, điều trị thông thường và một chương trình điều trị tích hợp châm cứu với liệu pháp nói chuyện cho thấy rằng: Châm cứu trị liệu làm giảm đáng kể sự lo âu, trầm cảm so với điều trị thông thường. Hơn nữa, khoảng một nửa số bệnh nhân trong cả nhóm châm cứu và châm cứu tích hợp bị trầm cảm hoặc lo lắng ban đầu đã đạt được những cải thiện đáng kể sau khi điều trị.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu vẫn còn là một dấu hỏi và cũng không có một giải pháp nào là tuyệt đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, châm cứu đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát lo lắng. Nếu được thực hiện bởi một chuyên gia giàu kinh nghiệm, đây có thể là một phần của phương pháp tiếp cận toàn diện để quản lý lo lắng và căng thẳng.