Mẹ&Con thân mến,
Con trai mình mới được 4 tuổi rưỡi thôi. Bé phát triển bình thường. Nhà mình cũng không đến nỗi bị thiên lệch giới tính, tức là không phải quá đông phụ nữ hay các bé gái. Mình sống chung với gia đình chồng. Con lớn lên trong môi trường có đầy đủ anh chị em họ cả trai lẫn gái, có đầy đủ ông bà, chú bác, các cô…
Sở dĩ phải kể lể dài dòng như thế, là vì thời gian khoảng một năm gần đây, mình rất lo khi phát hiện con có xu hướng thích chơi những món đồ chơi… dành cho bé gái! Chẳng hạn anh xã mình mua cho con rất nhiều đồ chơi “con trai” như xe tăng, siêu nhân, banh, mô hình nhà cửa… nhưng bé rất thờ ơ, thậm chí không chơi. Bé lại quan tâm và thích thú rõ rệt khi chơi với chị họ, những trò như bán hàng, làm bếp (rất thích thú với các món đồ chơi nhà bếp). Khi xem các đĩa nhạc thiếu nhi, bé cũng thích xem các bé gái biểu diễn. Bé cũng tỏ ra khá khéo tay chứ không vụng về, cẩu thả như các bé trai tuổi này thường thế. Mới 4 tuổi rưỡi nhưng bé đã tự mình nặn tượng bằng đất sét hình các con thú, tô màu thuộc hàng đẹp nhất lớp mẫu giáo.
Ban đầu, thú thật tôi không quan tâm lắm. Nhưng càng về sau, tôi càng “hoảng” khi thấy con tỉ mẩn, khéo léo, thích nấu ăn và thích những thứ “nữ tính” như vậy. Tôi không cho bé vào bếp xem tôi nấu ăn hay phụ tôi các việc lặt rau này kia như hồi nhỏ tôi hay cho bé “thử” nữa. Nhưng bé vẫn lấy lá cây để tưởng tượng, chơi. Những việc này có ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính về sau của bé không, thưa bác sĩ?
Trần Phương Anh
(Quận Phú Nhuận)
Thật ra, chuyện bé đặc biệt thích nấu ăn, khéo tay, tỉ mẩn thì chưa thể kết luận đó là những thứ “thiếu nam tính”, bạn ạ. Hầu hết các đầu bếp danh tiếng trên thế giới là… đàn ông và điều đó không khiến họ “nữ tính” đi chút nào đấy thôi! Đùa với bạn cho vui, để bạn bớt căng thẳng và lo lắng. Bốn tuổi rưỡi là độ tuổi bé đang thích quan sát xung quanh, bộc lộ nhiều thiên hướng, thích học hỏi và bắt đầu thể hiện dần “sở thích cá nhân”. Bạn có thể khéo léo “định hướng” cho con bằng cách tăng cường thêm giờ vui chơi của bé với bố và các anh trai, cho bé tham gia thêm nhiều hoạt động ngoài trời, thử các trò cũng đòi hỏi tỉ mẩn, khéo tay nhưng “nam tính” như xây lâu đài cát, lắp ráp các mô hình nhà cửa, vườn tược… Cũng có thể cho bé chơi các trò diễn kịch, đóng vai, dựa trên các câu chuyện trong đó có các nhân vật là con trai, con gái, có tính cách khác nhau. Sau những trò chơi như vậy, trẻ dần được trải nghiệm và nhận ra những tính cách dũng cảm, mạnh bạo, sẵn sàng giúp đỡ người khác… là những đặc trưng của bé nam.
Tuy nhiên, xin nhắc lại là nên làm những việc này thật khéo và đừng ứng xử với bé theo kiểu cực đoan, đại loại như đừng “cấm” bé chơi với chị, không cho bé phụ bếp nữa dù bé thích, la mắng, trách phạt chỉ vì thấy bé chơi làm bếp, chơi đất sét hay bán đồ hàng với chị. Bố mẹ càng cực đoan, bé sẽ càng có xu hướng “chống đối”, bị tổn thương, ám ảnh và nhạy cảm hơn với những gì bị “cấm”.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, nhiều bé thời điểm này tò mò với các trò chơi “con gái”, nhưng lớn dần lên sẽ thay đổi dần sở thích và đó không phải là yếu tố quyết định sự hình thành “nam tính” ở trẻ đâu. Bạn đừng lo quá nhé!
Theo sự tư vấn của BS. Lê Phương Thúy (Chuyên khoa Tâm lý trẻ em)