Cắt móng tay cho trẻ sơ sinh tưởng đơn giản, song xoay quanh đó còn rất nhiều điều cha mẹ cần biết để quá trình cắt móng tay, móng chân diễn ra an toàn. Cùng Mẹ&Con tìm hiểu cắt móng tay cho trẻ sơ sinh thế nào để an toàn nhé.
Vì sao phải cắt móng tay cho trẻ sơ sinh?
Ngoài 1 tháng tuổi, hầu hết trẻ không cần đeo bao tay. Mặc dù móng tay của trẻ sơ sinh không cứng và sắc nhọn như của người lớn, song chúng lại thường quơ tay, dụi mắt nên dễ gây tổn thương các bố phận trên khuôn mặt như mắt, mũi, miệng…
Hơn nữa, móng tay còn là nơi trú ngự của vi khuẩn, nếu không cắt móng tay vi khuẩn tích tụ sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Giống như người lớn, móng tay của trẻ cũng phát triển rất nhanh. Chỉ cần 1 tuần mẹ không để ý, móng tay có thể dài 2mm.
Tần suất và thời điểm cắt móng tay
Tùy thuộc vào mỗi độ tuổi, tần suất cắt móng tay của trẻ sẽ có sự khác biệt. 6 tháng tuổi là thời điểm tốc độ móng tay của trẻ mọc nhanh nhất, vì vậy mẹ hãy cắt móng tay cho con đều đặn mỗi tuần 1 – 2 lần nhé. Riêng hai ngón tay cái, móng tay mọc hơi chậm cho với những móng tay còn lại nên mẹ có thể tùy cơ ứng biến.
Trên 6 tuổi, tốc độ phát triển móng tay của trẻ bắt đầu chậm lại nên mẹ có thể “tỉa tót” móng tay cho con mỗi tháng 1 lần.
Thời điểm lý tưởng nhất để cắt móng tay cho trẻ sơ sinh, đó là vào lúc bé ngủ. Nếu không, mẹ lựa lúc bé đang chăm chú nhìn tivi hoặc lúc bé phân tâm để cắt móng tay móng chân cũng được. Tuyệt đối đừng cắt móng tay cho trẻ lúc chúng gắt ngủ, khóc lóc hay đang chơi đồ chơi mà mẹ cũng “đè” ra cắt nhé, nhất định trẻ sẽ cựa quậy “phản kháng” tới cùng.
Sau khi tắm, móng tay của bé trở nên mềm mại hơn và mẹ cũng có thể “xử lý” một cách dễ dàng.
Trẻ cũng cần được cắt móng tay thường xuyên. (Ảnh minh họa)
Tư thế và thao tác chuẩn
Nếu tiến hành cắt móng tay lúc trẻ đang thức và chưa biết ngồi: Mẹ ngồi tựa lưng vào tường hoặc gối mềm, khép chân lại, co lên và đặt bé nằm ngửa giữa hai chân mình, hai chân trẻ dựa vào ngực mẹ để hạn chế quẫy đạp.
Nếu bé đã biết ngồi, mẹ chỉ cần ngồi đối diện với con và trò chuyện vui vẻ để trẻ không quạu.
Khi cắt, nhớ nhấn nhẹ phần thịt đầu ngón tay xuống để tránh cắt phải ngón tay. Giữ bàn tay cắt móng xa mặt trẻ, đề tránh móng tay rơi vào mặt chúng sau đó dũa nhẹ để móng bớt sắc nhọn.
Tháng đầu sau sinh, móng tay của trẻ vẫn khá mềm nên mẹ không nhất thiết cắt móng tay. Chỉ cần dũa, làm gọn gàng móng tay cho con là được rồi.
Một vài lưu ý khi cắt móng tay cho trẻ
– Đảm bảo có đủ ánh sáng, nếu không sẽ dễ cắt vào thịt trẻ.
– Không cắt quá sát vào thịt, khiến phần thịt bị lộ rõ, lồi lên trên khiến trẻ đau đớn, khó chịu.
– Nhiều bậc phụ huynh thay vì cắt móng tay lại thường cắn móng tay cho trẻ. Cách này cũng được, nhưng phải đảm bảo bạn không mắc các bệnh về răng miệng.
– Nếu vô tình mẹ cắt trúng tay, làm chảy máu trẻ thì cũng đừng quá hoảng hốt. Chỉ cần dùng miếng gạc hoặc khăn sữa sạch đắp lên vết thương, máu sẽ ngừng chảy ít phút sau đó. Mẹ cũng có thể bôi một chút kem mỡ kháng sinh để vết cắt sau khi máu khô không bị đau nhé. Không cần phải băng bó vết thương vì như thế sẽ thu hút sự chú ý của trẻ, khiến chúng bứt rời.
Cắt móng tay cho trẻ sơ sinh không khó, nhưng cũng không phải việc hoàn toàn dễ dàng. Với những mẹo trên của Mẹ&Con, hy vọng bạn sẽ có thêm kinh nghiệm cắt móng tay thật “chuẩn” cho con yêu.