Theo quan niệm của một số người, họ sẽ kiêng ăn thịt vịt vào những ngày đầu tháng âm lịch. Tuy nhiên, khi tới dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm phong tục đó sẽ bị “phá vỡ” và thịt vịt hiển nhiên trở thành món ăn được ưa thích. Bởi theo kinh nghiệm của ông cha, cứ vào tháng 5 âm lịch khi tiết trời trở nên oi bức khiến cơ thể dễ bị mắc một số bệnh về thời tiết. Trong khi đó, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng và cân bằng âm dương.
Thời gian thực hiện: 40 phút
Khẩu phần ăn: Dành cho 4 người.
Nguyên liệu
– ½ con vịt đã làm sạch
– 500gr khoai sọ
– 1 quả dừa tươi
– Cà rốt, hành lá, mùi tàu, gừng, tỏi.
– Gia vị: Muối, hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu.
Cách thực hiện
Bước 1: Cà rốt cạo sạch vỏ rồi cắt thành từng khúc vừa ăn. Khoai sọ gọt bỏ vỏ, xát muối để hết sạch nhờn, sau đó bổ làm đôi. Hành, gừng, tỏi băm nhỏ.
Khoai sọ (Ảnh minh họa)
Bước 2: Bóp thịt vịt với muối hạt và một ít rượu trắng để khử mùi hôi. Sau đó rửa sạch, để ráo nước và chặt thành từng miếng vừa ăn. Ướp thịt vịt với hành, gừng, tỏi đã băm nhỏ, có thể cho thêm một ít hạt tiêu, hạt nêm.
Ướp thịt vịt với các gia vị cần thiết (Ảnh minh họa)
Bước 3: Phi thơm hành, gừng, tỏi rồi cho thịt vịt vào xào cho tới khi thịt ngấm gia vị và săn lại. Tiếp theo, thêm khoai sọ, cà rốt vào xào cùng.
Bước 4: Đổ nước dừa vào nồi thịt vịt, nếu nước dừa ít thì bạn đổ thêm nước lọc, đun đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa cho thịt và khoai sọ chín mềm.
Bước 5: Cuối cùng cho phần rau thơm thái nhỏ, nêm một ít nước mắm và hạt nêm cho vừa khẩu vị.
Món canh vịt khoai sọ (Ảnh minh họa)
Mẹo nhỏ cho bạn: Để khử mùi hôi của thịt vịt, bạn có thể cho vào nồi nước vài lát gừng đập dập, đun sôi để rửa thịt, sau đó vớt ra và rửa lại với nước sạch.
Chúc các bạn thực hiện thành công món canh vịt khoai sọ nhé!