Mẹ&Con - Có thể bạn rất hoảng và nghe tim thình thịch ngay khi đọc đến tựa bài. Thật vậy, chẳng bà mẹ có con nhỏ nào lại dám đọc những bài viết cảnh báo về chuyện ung thư cả (u nguyên bào võng mạc chính là ung thư võng mạc, một bệnh mắt ác tính gặp ở trẻ nhỏ). Tuy nhiên, lời khuyên của tôi vẫn là hãy đọc thật kỹ. Vì không ít trẻ đã mắc phải bệnh này và bạn cần hiểu rõ, cần biết mọi triệu chứng được xem là bất thường để sớm kiểm tra cho con! Cách giữ đôi mắt khỏe mạnh khi làm việc Những thói quen gây nguy hiểm cho mắt Xử lý bệnh mắt ở trẻ sơ sinh

Cảnh giác bệnh u nguyên bào võng mạc ở trẻ 4

Mẹ hỏi

Bác sĩ trả lời

U nguyên bào võng mạc nguy hiểm thế nào?

Câu trả lời của tôi là rất nguy hiểm, vì bệnh không những phá hủy chức năng thị giác của mắt bị bệnh mà còn có thể đe doạ đến tính mạng của bệnh nhi.

Bệnh xuất hiện với tần suất thế nào?

Tỷ lệ mắc u nguyên bào võng mạc ở trẻ mới sinh dao động từ 1/17.000 đến 1/34.000 nhưng đang có xu hướng tăng lên do thai nhi phải tiếp xúc ngày càng nhiều với bức xạ ion hóa.

Đây không phải là tỷ lệ cao, nhưng bạn cần hiểu rõ về bệnh, vì đã có những trường hợp gia đình đưa trẻ đến bệnh viện vào giai đoạn rất muộn.

Thường bệnh xuất hiện ở 1 hay 2 mắt?

Hầu hết bệnh xuất hiện ở một mắt (75%) nhưng có thể bị cả 2 mắt.

Bệnh có tính di truyền không?

Có 10% số bệnh nhi có tiền sử gia đình bị bệnh này.

Một câu hỏi mẹ nào cũng muốn hỏi: Ung thư võng mạc có đe dọa đến tính mạng trẻ?

Có. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh là nếu điều trị đúng và kịp thời, bệnh ít khi gây tử vong.

Bệnh có cần theo dõi lâu dài sau khi điều trị khỏi?

Đây là điều bắt buộc. Theo dõi lâu dài rất quan trọng đối với các bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh ung thư võng mạc.

Biểu hiện của bệnh như thế nào? (Làm sao phát hiện trẻ bất thướng?)

Bệnh có biểu hiện rất đa dạng, chủ yếu bệnh nhi có dấu hiệu ánh đồng tử trắng, kế đến là lác, mắt của trẻ không nhìn thẳng mà có thể lác vào trong hoặc ra ngoài. Ngoài ra, trẻ bị bệnh này có thể có biểu hiện mắt đau, đỏ, nhìn kém, lồi mắt, dị sắc mống mắt (màu sắc lòng đen hai mắt khác nhau), mắt giãn to…

Tại sao trẻ lại bị ung thư võng mạc? (Nguyên nhân bệnh là gì?)

 

Nguyên nhân gây bệnh của ung thư võng mạc thường do bất thường trên nhiễm sắc thể (NST) số 13, trong đó 60% số trường hợp chỉ biểu hiện bệnh lý tại mắt còn 40% có biểu hiện toàn thân. NST 13 chịu trách nhiệm kiểm soát sự phân chia của tế bào võng mạc, nơi chịu trách nhiệm cho sự nhìn của mắt. Trên trẻ có bệnh, sự phân chia tế bào võng mạc không được kiểm soát gây nên ung thư của võng mạc.

Để xác định chính xác về bệnh, cần làm những gì?

Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng, bệnh nhi sẽ được cho làm siêu âm, chụp CT Scanner, cộng hưởng từ… để xác định kích thước, vị trí khối u trong mắt cũng như hình ảnh xuất ngoại của khối u vào hốc mắt, ổ di căn ở não hoặc u của tuyến tùng…

Có phải bệnh cũng chia thành nhiều giai đoạn?

Đúng vậy. Thông thường, bệnh được chia thành 4 giai đoạn.

– Giai đoạn 1: U còn nhỏ, khu trú ở võng mạc.

– Giai đoạn 2: Giai đoạn gây biến chứng, u nội nhãn to gây tăng nhãn áp.

– Giai đoạn 3: Giai đoạn xuất ngoại, tế bào ung thư phá vỡ thành nhãn cầu đi vào hốc mắt, lan vào thị thần kinh.

– Giai đoạn 4: Di căn xa, tế bào ung thư di căn đến hạch trước tai, dưới hàm, vào thành xương hốc mắt hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể và có thể gây tử vong.

Có phương pháp điều trị ung thư võng mạc ở trẻ không?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị. Tuy vậy, điều trị bệnh ung thư võng mạc phụ thuộc thời điểm phát hiện bệnh sớm hay muộn, độ tuổi, bệnh biểu hiện ở một hay hai mắt, đã di căn vào các bộ phận khác trong cơ thể hay không.

Có phải nếu bé bị ung thư võng mạc là dù điều trị tốt cũng không thể có hi vọng lâu dài?

Không đúng. Nếu phát hiện kịp thời, theo dõi và điều trị với các bác sĩ chuyên khoa mắt trẻ em và chuyên khoa ung thư một cách tích cực, bệnh nhi hoàn toàn có cơ hội sống một cuộc sống bình thường, lâu dài và hạnh phúc.

90% bệnh nhi nhập viện muộn!

TS.BS Nguyễn Ðình Tùng, Phó Trưởng khoa khoa Ung-Bướu cho hay: Mỗi năm, khoa tiếp nhận trung bình từ 8-10 ca ung thư võng mạc. Mấy năm gần đây, số lượng bệnh nhân có tăng lên. Ðặc biệt, có tới 90% số bệnh nhân đến đây đều nhập viện khi bệnh đã nặng. Phần lớn bệnh đã ở vào giai đoạn khá muộn.

Ung thư võng mạc chiếm 1-3% ung thư trẻ em khoa Nhi. Ở Việt Nam, u nguyên bào võng mạc chiếm 3,7% tổng số ung thư trẻ em.

Trường hợp được phát hiện sớm, bệnh viện Mắt TP.HCM đã điều trị bảo tồn thành công cho nhiều bệnh nhi u nguyên bào võng mạc bằng laser nhờ khám sàng lọc và phát hiện kịp thời.

Dặn dò từ bác sĩ

Có kiến thức về mọi căn bệnh liên quan đến trẻ em là một điều rất quan trọng với tất cả những ai làm mẹ. Bởi vì hơn ai hết, mẹ là người gần gũi với trẻ nhất, có khả năng phát hiện sớm nhất mọi bất thường ở con. Ở nhiều quốc gia, người ta gọi mẹ chính là “bác sĩ gia đình” cũng vì ý nghĩa này. Vì vậy, bạn không nên giữ tâm lý né tránh đọc đến những thông tin về bệnh tật của trẻ, vì sợ phải hình dung đến những căn bệnh nan y.

Với u nguyên bào võng mạc, bệnh thường được phát hiện khi trẻ 25 tháng tuổi (trường hợp bệnh 1 mắt) hoặc 15 tháng tuổi (trường hợp bệnh 2 mắt). Nếu trong gia đình có người bị mắc, bệnh được phát hiện sớm hơn nhiều, thường là vào lúc 3-9 tháng tuổi.

Một lần nữa, xin nhấn mạnh với mẹ điều vô cùng quan trọng: Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quyết định sự sống còn của trẻ, giúp cứu vãn thị lực cho một hoặc cả hai mắt.

Nếu phát hiện muộn khi bệnh đã lan rộng hay di căn, bác sĩ phải múc bỏ nhãn cầu, có khi còn phải nạo vét hốc mắt, làm mất thị lực và đe dọa đến tính mạng của trẻ. Nếu không tử vong, xương mặt trẻ cũng bị biến dạng. Phần lớn các trường hợp u nguyên bào võng mạc ở trẻ em hiện nay đều được phát hiện muộn, khi còn rất ít khả năng giữ lại mắt và duy trì thị lực. Điều này một lần nữa nhắc lại rằng bạn cần luôn cẩn trọng trước mọi dấu hiệu bất thường dù nhỏ nhất của con, không bao giờ được tự nhủ rằng: “Kệ, chắc… lớn lên con sẽ khác!” mà cần hỏi bác sĩ, đưa trẻ đi kiểm tra.

 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh!

Cảnh giác bệnh u nguyên bào võng mạc ở trẻ 5

Cách phòng ngừa ung thư võng mạc tốt nhất cho trẻ là trong vòng 3 năm đầu tiên phải đưa trẻ đến bệnh viện khám mắt định kỳ 6 tháng/lần. Bố mẹ phải thường xuyên nhìn vào tròng đen của mắt trẻ.

Những dấu hiệu quan trọng phát hiện bệnh

Mẹ cần đặc biệt lưu ý, nếu phát hiện con có các dấu hiệu sau:

• Ðồng tử trắng: 56% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Mắt bé có ánh trắng, nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn. Cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.

• Lé: 34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Ðặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ ngay có u nguyên bào võng mạc.

• Thị lực kém: 8% trường hợp bệnh được phát hiện vì có dấu hiệu này.

* Ngoài ra, cha mẹ cần đưa con đi khám mắt nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh.

Mẹ lưu ý!

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, 70% trẻ mắc bệnh tập trung ở 2-3 tuổi. Vì vậy, đây là độ tuổi mẹ cần đặc biệt quan tâm đến mắt của con, đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu cảm giác từ người mẹ cho bạn biết mắt của con không giống với bình thường. Những gợi ý phát hiện bệnh đã nêu trong bài là những gợi ý điển hình nhất.

Tags:

Bài viết liên quan