Mẹ&Con – Không cẩn thận, con có thể bị dao cắt đứt tay, bị vướng chân vào miếng chắn pô xe làm chảy máu chân hoặc gặp phải các tai nạn liên quan đến vết đứt, vết cắt nguy hiểm hơn nữa.

Bạn nên làm gì để bảo vệ trẻ với những tai nạn này, và nếu chẳng may tai nạn xảy ra, phải sơ cứu thế nào cho đúng? 

1001 kiểu đứt da

Trẻ vốn hiếu động và chưa lường trước được những hiểm nguy ẩn nấp trong cuộc sống thường ngày. Chính vì thế, tai nạn do vết đứt, vết cắt rất dễ xảy ra. Đã có rất nhiều trường hợp, bé bị đứt tay chỉ vì bắt chước mẹ, lấy dao để thái lá cây chơi bán hàng và bị đứt tay. Những tai nạn khác cũng rất thường gặp như bé bò chơi trong nhà, nắm tay vào các cạnh bàn, cạnh ghế hoặc thậm chí là cây gác chân dưới bàn / ghế và không biết nên miết tay theo đó. Đa phần các tai nạn này hay xảy ra trong nhà. Nhưng cũng có những trường hợp, tai nạn xảy ra ngay ở lớp mẫu giáo, ở nhà bạn, khi bé chơi đùa trong xóm hoặc về quê.   

Làm cách nào để đề phòng tai nạn bị vết cắt, đứt da cho con? Đây là những điều cơ bản bạn có thể đề phòng:

+ Không để các vật nhọn, sắc như dao, kéo trong tầm tay của trẻ. Kể cả những loại dao bạn nghĩ là chẳng có gì nguy hiểm như dao rọc giấy bằng nhựa, dao cạo râu vẫn có khả năng làm con bạn đứt tay như thường.

+ Tuyệt đối không cho trẻ chơi bất kỳ món đồ chơi nào sắc, nhọn, có cạnh đủ sức gây đứt da cho trẻ. Ví dụ, nếu bạn mua cho con một bộ đồ chơi làm bếp, nên chắc chắn rằng những con dao “đồ chơi” này an toàn với trẻ.

+ Tất cả những cạnh bàn, cạnh ghế, cạnh cửa trong nhà đều phải được che chắn cẩn thận. Luôn đặt câu hỏi rằng con bạn có thể va vào những cạnh này và bị nguy hiểm hay không. Hãy để ý đến cả các cạnh sắc nhọn ở tầm thấp trong nhà, vì nên nhớ rằng chiều cao của con bạn rất thấp, bé có thể bị đứt tay vì chính một thanh gác chân ghế sắc nhọn mà với tầm mắt của mình, bạn không để ý đến.

+ Luôn nhắc con mang giày dép khi chạy chơi ngoài đường để tránh dẫm phải các vật sắc nhọn gây nên vết cắt, vết đứt ở chân. Nhắc con không được chạy giỡn quá mức vì đã từng có những tai nạn bé va vào các tấm tôn của nhà hàng xóm đang xây để bừa bãi trong khi đùa giỡn, chảy máu nhiều phải đi cấp cứu.

+ Khi chẳng may có vật bằng kính vỡ trong nhà (cửa kính, gương, ly rơi vỡ…), cần lập tức thu dọn gọn gàng, tránh không để bé đến gần “hiện trường”. Bé cũng cần mang dép và tránh chơi ở khu vực đó cho đến khi bạn chắc rằng không còn mảnh vỡ nào sót lại mà bạn chưa nhặt được.

Can than vet cat da

(Ảnh minh hoạ)

Sơ cứu cách nào?

Hầu như bà mẹ nào từng nuôi con nhỏ đều thường xuyên phải đối mặt và xử trí với các vết thường trầy xước, đứt da ở trẻ suốt thời thơ ấu. Tuy nhiên, sơ cứu đúng cách cho con thì lại không phải bà mẹ nào cũng biết! Vài “công thức” căn bản sau sẽ giúp bạn thực hiện tốt điều đó.

+ Trường hợp có cát, đất bám xung quanh vết đứt, vết cắt, hãy vệ sinh cho bé ở vùng vết thương bằng nước sôi để nguội, trừ trường hợp vết thương hở và máu chảy quá nhiều. Cách thức vệ sinh là: Trước tiên, hãy rửa tay thật sạch. Sau đó, làm sạch vết thương bằng cách để vết thương dưới vòi nước sạch hoặc lau nhẹ xung quanh vết thương bằng gạc tiệt trùng sẵn nhúng vào nước nóng ấm. Bạn nhớ là phải sử dụng miếng gạc mới cho mỗi lần lau chùi chứ đừng dùng cùng một miếng để lau chùi quanh vết thương nhé.

+ Nếu bạn thấy vết thương nhỏ, đơn giản, không chảy máu nhiều, có thể dùng oxy già để sát trùng vết thương, sau đó băng lại cho con bằng băng cá nhân hoặc đặt gạc sạch lên và dùng băng keo y tế dán lại. Bạn cần thay băng hàng ngày hoặc bất cứ khi nào thấy vết thương của con bị ướt, bẩn. Các loại băng đều có bán ở nhà thuốc. Tuyệt đối không lấy vải hoặc tự “chế” ra các loại băng bằng cách cắt vải cũ băng, buộc vết thương cho con rất dễ bị nhiễm trùng. Sau khi vết thương đã liền đủ để không thể bị nhiễm trùng, bạn không cần băng mãi. Việc để hở sẽ làm cho vết thương liền nhanh hơn.

+ Nếu vết đứt, vết cắt khiến con bạn bị chảy máu nhiều, việc trước hết phải làm là ấn giữ chặt hoặc nâng vết thương lên cao hơn tim nếu có thể để ngăn chảy máu. Trường hợp vết đứt, vết cắt vẫn còn dính vật cứng cắm vào, đừng cố rút nó ra vì sẽ gây chảy máu nhiều hơn. Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ lấy vật gây vết đứt, vết cắt còn bị cắm vào cơ thể ra cho bé an toàn hơn.

+ Trường hợp vết đứt da vẫn tiếp tục chảy máu sau 5 phút, bạn hãy ấn một tấm gạc sạch lên vết thương trong vài phút. Sau đó đưa bé đến trạm y tế nếu tình hình không tốt hơn. Bạn lưu ý suốt quá trình này không bôi một loại thuốc mỡ sát trùng nào lên vết thương hở đang chảy máu nhiều cả nhé.

+ Đối với các vết đứt da, vết cắt quá sâu, bé có thể phải được khâu. Việc này là cần thiết vì đóng kín miệng vết thương sớm trong vòng vài giờ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

Tags:

Bài viết liên quan