Mẹ&Con - Những ngày hè tưng bừng, con có rất nhiều cơ hội leo trèo, khám phá khắp nơi. Nào leo cây, nào đùa giỡn chạy nhảy… Và cũng vì thế nên tai nạn liên quan đến té ngã rất dễ xảy ra với trẻ. Trang bị cho trẻ 7 kỹ năng ứng phó khi lạc đường Các lưu ý khi dạy bé đánh răng Dấu hiệu con bị lệch lạc giới tính

Con có thể té ngã ở mọi nơi

Té ngã là sự mất thăng bằng ngoài ý muốn khiến cho cơ thể bất ngờ rơi xuống mặt đất, sàn nhà. Nghe thì có vẻ… đơn giản, nhưng thực tế đây là một trong những tai nạn rất phổ biến, xảy ra thường xuyên vào giai đoạn mùa hè, khi trẻ thoát khỏi sự quản thúc chặt chẽ của gia đình – nhà trường, có nhiều điều kiện chạy nhảy nhiều hơn.

can-than-tai-nan-te-nga-o-tre

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, mỗi năm, tai nạn té ngã đã cướp đi sinh mạng của 47.000 trẻ em trên thế giới. Đó là chưa kể một số lượng lớn gấp nhiều lần trẻ té ngã bị gãy xương, chấn thương nhiều mức độ nặng nhẹ, thậm chí bị thương tật suốt đời. Nguyên nhân gây té ngã rất đa dạng, nhưng phần nhiều là do cha mẹ chưa có được sự để mắt trông nom đến trẻ, chưa hướng dẫn cho trẻ cách tránh xa những nguy cơ, đồ đạc trong nhà thiết kế không an toàn. Một ví dụ đơn giản, khi có dịp tìm hiểu, khảo sát ngôi nhà của những trẻ em phải nhập viện do tai nạn té ngã, thì phát hiện hầu hết lan can không có đủ độ cao cần thiết, sàn nhà tắm trơn trợt, nhà có cây cao nhưng lại để trẻ leo trèo…

“Té ngã là nguyên nhân thường gặp nhất trong số tai nạn thương tích ở trẻ em, nhất là té ngã trong sinh hoạt và vui chơi. Đặc biệt, tại các khu vui chơi, dù mức độ an toàn cao, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là nguy cơ té ngã”.

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ
(BV Chấn thương chỉnh hình)

Bạn có biết những con số này?

* Mỗi năm, có đến khoảng trên 20.000 trường hợp bị tai nạn thương tích do té ngã khiến trẻ phải nhập viện ở TP.HCM.

* Chỉ tính riêng bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), mỗi năm có không dưới 4.000 trường hợp trẻ em bị té ngã đến khám, trong đó có khoảng 1.000 trường hợp nặng cần nhập viện để can thiệp ngoại khoa.

* Theo thống kê của BV Nhi Đồng 1, có đến trên 70% trẻ bị té ngã là do tai nạn sinh hoạt, ví dụ như té cầu thang, té gác, té võng, té khi leo trèo lên bàn ghế… 

 Té ngã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ như chảy máu, bong gân, trật khớp, gãy xương, chấn thương cơ quan bên trong, chấn thương sọ não, thậm chí dẫn đến tử vong. Điều khá nguy hiểm là hiện nay, một tỷ lệ lớn phụ huynh vẫn chưa biết hoặc chưa có kỹ năng sơ cứu các tai nạn té ngã. Vì thế, rất nhiều trẻ gặp phải tình trạng nặng nề hơn chính vì việc sơ cứu sai cách này. Cần biết rằng nếu sau khi trẻ té ngã, thấy có nguy cơ trẻ bị thương ở chân hay xương sống thì không được cho trẻ cố ngồi dậy. Bị thương ở cột sống mà cố ngồi dậy, cử động có thể ảnh hưởng tới não tủy, gây hậu quả trầm trọng hơn cho trẻ sau này.

Sơ cứu đúng cách, nghĩa là…

Bạn không nên vội vàng xoa bóp, chườm nóng, bôi dầu hay sốc trẻ lên. Nếu bạn chưa từng học qua các lớp huấn luyện thì không được phép tự mình nắn tay chân cho trẻ khi thấy trẻ quá đau hay có vẻ như tay chân bị… lệch. Việc tự nắn bóp, đắp thuốc này có thể làm tổn hại đến định vị xương.

Khi trẻ bị thương vùng chân và không có cảm giác quá đau đớn, có thể nhẹ nhàng cho trẻ gác chân lên hơi cao để máu được lưu thông. Bạn lưu ý không chườm nóng ngay vì tuy cách này dễ chịu tạm thời (trẻ bị cảm giác nóng lấn át cảm giác đau), nhưng rất nguy hiểm vì nếu mạch máu đang bị xuất huyết, chườm nóng sẽ khiến cho mạch máu bị giãn ra, máu chảy càng nhiều, vết thương càng khó lành hơn. Tương tự, không được bôi dầu gió lên vết thương. Khi trẻ than đau, bạn có thể chườm mát hoặc chườm lạnh cho trẻ. Nên dùng một cái khăn, nhúng nước lạnh vắt khô, áp lên chỗ chấn thương. Cơn đau sẽ dịu bớt phần nào.

can-than-tai-nan-te-nga-o-tre

Nên cho trẻ học võ!

Trong quá trình học võ, trẻ sẽ được tập luyện và quen dần với việc phản xạ nhanh nhạy, có tư thế chống đỡ tốt hơn nếu chẳng may tai nạn té ngã xảy ra. Việc tập luyện võ thuật hoặc một môn thể thao nào đó cũng giúp làm tăng sức mạnh cơ bắp, tăng chức năng của tim, giữ thăng bằng cơ thể tốt, để phòng tránh bị té ngã. 

Sau khi cho trẻ nằm yên, nếu khoảng 5 phút trẻ thấy cơn đau giảm bớt, kiểm tra bằng mắt thường không thấy có dấu hiệu gãy xương, bong gân, bạn có thể cho trẻ cử động nhẹ nhàng rồi ngồi từ từ lên. Trường hợp trẻ vẫn đau, có dấu hiệu tay chân biến dạng bất thường phải giữ trẻ nằm nguyên rồi gọi cấp cứu.

Cha mẹ cũng cần lưu tâm đến việc theo dõi sau khi trẻ bị té ngã. Có thể ngay tức thời lúc ấy, trẻ vẫn tỉnh táo, chỉ bị xây xát nhẹ không chảy máu và không sao, nhưng đến ngày kế tiếp lại bị choáng, ngất, có dấu hiệu nôn ói, sau đó hôn mê do chấn thương sọ não. Sau khi té ngã, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào đều phải nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện. Đã từng có trường hợp, trẻ bị té ngã va đầu xuống đất nhưng vẫn ngồi dậy được, tỉnh táo nên cha mẹ cũng lơ là không quan tâm. Sau đó vài giờ, trẻ bắt đầu nôn ói nhưng gia đình lại tưởng… ngộ độc thức ăn, cho uống thuốc chống ói! Đến ngày hôm sau, khi thấy trẻ bị yếu liệt nửa người, cha mẹ mới chịu đưa trẻ vào bệnh viện và được phát hiện có máu tụ trong não!

 

Cần làm gì để giảm nguy cơ té ngã

* Trẻ con thường rất hiếu động, nhất là các bé trai. Bạn cần nhắc trẻ không nên chạy giỡn quá đà. Đặc biệt, phải hướng dẫn để trẻ biết rõ nguy cơ, không được đùa giỡn khi lên xuống cầu thang.

* Không cho trẻ chơi thả diều trên các tầng cao (sân thượng) nếu những nơi này không có rào chắn bao bọc an toàn cao hơn đầu trẻ.

* Không cho trẻ cầm các vật nhọn khi đang chạy chơi, đùa giỡn. Nếu trẻ té ngã và bị vật nhọn đâm vào người thì hậu quả sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với té ngã thông thường.

* Nhắc trẻ tuyệt đối không đùa giỡn trong khu vực bếp, khu vực nấu ăn. Đã có nhiều trường hợp, trẻ đi cắm trại, đùa giỡn với nhau quanh khu vực nấu ăn và té vào nước sôi, bị bỏng.

* Khi cho trẻ tập đi xe trong mùa hè, người lớn phải giám sát chặt chẽ. Không cho trẻ phóng xe đạp nhanh để… đua hay đùa giỡn với bạn bè, rất dễ té.

* Tất cả cửa sổ trong nhà đều phải có chấn song. Lan can ngoài ban công nhà phải cao vượt quá đầu trẻ và có rào chắn cẩn thận (kín toàn bộ) nếu nhà có trẻ dưới 15 tuổi. Nhắc con không được bắc ghế leo lên cao khi đứng ngoài ban công.

* Sàn nhà phải luôn được giữ cho khô ráo. Nếu bạn lau nhà, phải thông báo để nhắc trẻ ngồi yên hoặc đi đứng cẩn thận trong lúc nhà còn ướt. Phòng tắm nên lót loại gạch nhám, tránh trơn trợt, ngoài ra có thể yêu cầu trẻ mang dép nhựa riêng khi ra vào phòng tắm.

* Nhắc trẻ sau khi chơi đồ chơi xong phải dọn dẹp ngăn nắp. Việc chạy nhanh, vướng phải đồ chơi dưới chân té ngã rất dễ xảy ra.

* Nếu sàn nhà (kể cả sân vườn) của bạn không bằng phẳng, nên tìm cách thiết kế lại. Nhà có trẻ nhỏ, sân vườn không nên lót đá cầu kỳ.

* Cầu thang phải có chiều cao của các bậc thang đúng chuẩn, có tay vịn.

* Bạn nên kiểm tra đèn và các thiết bị chiếu sáng, đảm bảo không tối đến mức không thấy đường và cũng không sáng tới mức gây chói mắt.

* Bàn ghế, tủ kệ trong nhà phải thường xuyên được kiểm tra để đảm bảo chúng chắc chắn, không dễ dàng gãy sụp, ngã đổ. Nhất là các thiết bị, vật dụng trong phòng bé. 

Tags:

Bài viết liên quan