Sặc cháo là một trong những tai nạn thường thấy với trẻ nhỏ và gặp nhiều nhất ở độ tuổi các bé bắt đầu ăn dặm cho đến 2 tuổi. Nguyên nhân khiến các bé ở độ tuổi này dễ ho sặc là do trẻ chưa quen với việc ăn nên có phản ứng theo kiểu không hợp tác. Bên cạnh đó, hầu hết các trường hợp sặc cháo nhập viện đều do phụ huynh cho bé ăn chưa đúng cách.
Sặc cháo là trường hợp thường gặp ở độ tuổi các bé bắt đầu ăn dặm đến năm 2 tuổi – Ảnh minh họa
Phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc theo “lộ trình” từ loãng đến đặc dần, từ ít đến nhiều và từ mịn đến thô. Tùy theo từng độ tuổi mà chọn thức ăn phù hợp, tránh tình trạng vì thấy trẻ ăn khỏe mà chuyển quá nhanh từ thức ăn sệt sang cơm nát hoặc chuyển hẳn sang cơm. Thực tế cho thấy, một số trường hợp trẻ bị sặc là do sự thay đổi đột ngột độ đặc – lỏng hoặc nhuyễn – thô của thức ăn.
Điều tối kỵ là đút cho bé ăn khi bé đang nằm. Tư thế này rất dễ khiến bé bị sặc và ngạt đường tiêu hóa. Với các bé chưa thể ngồi vững khi bắt đầu ăn dặm, phụ huynh không nên vừa bế vừa đút cho trẻ ăn vì rất khó kiểm soát. Cách tốt nhất là cho bé ngồi tựa trên ghế tập ăn vững vàng.
Phụ huynh không đút khi trẻ đang quấy khóc, hoặc trẻ đang vui cười, hoặc ngọ nguậy không yên, hãy cho trẻ thời gian nhai nuốt hẳn thức ăn trong miệng. Phải chờ trẻ kịp thở trước khi đút muỗng kế tiếp. Quát mắng dọa nạt hoặc bóp mũi, ép bé há miệng để đút thức ăn là những điều tối kỵ.
Nếu trẻ chẳng may ho sặc rồi khó thở, tím tái, có thể sơ cứu nhanh bằng cách đặt bé nằm sấp trên lòng bàn tay hoặc trên đùi, dùng tay còn lại vỗ mạnh vào lưng ở vị trí giữa hai xương bả vai để tống lượng thức ăn ngạt ra khỏi đường thở. Nếu không thành thạo thao tác, ngay sau khi bé gặp nạn, phải tức tốc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo tư vấn của Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1)