Thịt đông, nem rán, xôi gấc… đều là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con học ngay những công thức giúp những bữa cơm gia đình trong năm mới thật ngon lành, tiết kiệm nhé!
Món ăn ngày Tết thịt đông
Nguyên liệu
- 600gr thịt chân giò rút xương
- 150gr bì heo
- 25gr nấm hương
- 20gr mộc nhĩ
- 15gr hành tím
- 1,5 muỗng canh nước mắm
- 2 muỗng cà phê hạt tiêu
- 2 muỗng canh dầu ăn
- 1,5 muỗng cà phê hạt nêm
Cách chế biến thịt đông
Bước 1: Sơ chế
Nếu bạn sử dụng thêm bì heo, thì hãy cạo sạch lông để tránh cảm giác khó chịu khi ăn. Thịt chân giò hay thịt ba rọi cũng làm tương tự. Tất cả đem đi rửa sạch với nước muối và để ráo.
Cắt thịt chân giò thành từng khúc vừa ăn, bì heo bạn có thể để nguyên miếng hoặc cắt thành từng miếng nhỏ (khoảng 4 – 6 miếng).
Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở và cắt thành sợi nhỏ
Bước 2: Ướp thịt
Cho thịt vừa cắt vào tô, rồi lần lượt cho gia vị: 1,5 muỗng cà phê hạt nêm + 1,5 muỗng canh nước mắm + 1/3 hành tím đã được băm nhỏ + 1 ít bột ngọt. Ướp ít nhất khoảng 30 phút, nếu bạn có thời gian có thể ướp 3 tiếng để thịt thấm vị món ăn ngày Tết sẽ ngon hơn.
Bước 3: Hầm thịt
Phi ít hành tím với dầu ăn trên nồi cho vàng thơm. Tiếp đến, các bạn cho thịt vào xào đến khi thấy thịt săn lại thì đổ nước sôi vào để hầm khoảng 30 phút. Trong quá trình hầm thịt các bạn nhớ vớt bọt thường xuyên nhé!
Bước 4: Xào nấm
Trong lúc đợi thịt hầm mềm các bạn lấy chảo chống dính tiến hành phi thơm ít hành tím cùng với nấm hương, mộc nhĩ. Nêm thêm ít gia vị.
Bước 5: Hoàn thành
Khi thịt mềm, các bạn cho nấm và mộc nhĩ vào, đun sôi thêm khoảng 4 phút. Rắc ít hạt tiêu vào, đảo đều và để dưới quạt cho hỗn hợp mau nguội.
Để tăng màu sắc cho món ăn ngày Tết các bạn cắt thêm vài lát cà rốt hình bông hoa và cho vào đáy hộp đựng thịt đông, tiếp đến múc hỗn hợp thịt vào và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Đến khi thịt đông lại có thể đem ra dùng.
Món ăn ngày Tết: Nem rán
Nguyên liệu
- ½ kg thịt ba chỉ (bạn có thể thêm thịt cua, tôm)
- 3 tai mộc nhĩ (nấm mèo)
- 2 cái nấm hương (nấm đông cô)
- 1 củ hành tây nhỏ
- 1 củ cà rốt
- 2 quả trứng vịt (có nhiều lòng đỏ sẽ giúp món ăn ngon hơn)
- Miến dong
- Hành lá, hành củ, tỏi
- Các loại gia vị gồm hạt tiêu, ớt, bột ngọt, đường, muối, nước mắm, dầu ăn
- Bánh đa nem: 30 cái, nên chọn nem rế để cây nem được giòn hơn
Cách làm món ăn ngày Tết nem rán
Bước 1: Sơ chế
- Các bạn rửa thịt với nước muối loãng, sau đó rửa lại nhiều lần với nước sạch sau đó xay nhỏ.
- Dùng nước sôi để ngâm nấm hương, mộc nhĩ và miến dong. Đối với nấm hương và mộc nhĩ, sau khi ngâm thì vớt ra và thái sợi, miến dong dùng kéo cắt thành những đoạn ngắn sao cho vừa ăn.
- Hành tây bóc vỏ, rửa sạch và thái nhỏ.
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành những hạt nhỏ (để tạo màu sắc cho món ăn)
- Đập thêm 2 quả trứng và nêm các gia vị như muối, hạt tiêu, đường trộn đều hỗn hợp với nhau trong một cái tô lớn.
Bước 2: Cách cuốn nem rán
Đây là bước quan trọng quyết định món ăn ngày Tết nem rán có đẹp mắt hay không? Đầu tiên các bạn trải bánh đa nem ra một cái mâm hay dĩa to. Tiếp đến dùng thìa múc nhân để gọn trong một góc bánh tráng. Tiếp đến cuốn góc đó lại, nhẹ nhàng gập hai mép bên lại và cuốn thành một cuốn tròn.
Bước 3: Rán nem
Đặt chảo lên bếp và đổ một lượng dầu ăn sau đó để lửa to đến khi dầu sôi nóng lên. Bạn thả từng chiếc nem đã cuốn từ trước lần lượt vào chảo dầu. Tiếp đến vặn nhỏ lửa để nem rán chín từ từ (vàng đều cả hai mặt).
Mẹo nhỏ cho bạn:
Để món ăn ngày Tết nem rán giòn lâu hơn khi cuốn bạn nên thoa thêm ít nước cốt chanh hay nước đường lên vỏ bánh.
Món ăn ngày Tết canh bóng thả
Nguyên liệu:
- 15gr tôm khô
- 350gr xương gà
- 55gr bóng bì heo
- 150gr giò sống
- 15 quả trứng cút
- Su hào, cà rốt mỗi thứ 1 củ
- Súp lơ trắng và xanh mỗi thứ ½ cây
- 15gr nấm hương khô
- Hành lá, rau mùi, hành khô, gừng, gia vị
- 40 ml rượu trắng
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Đối với bóng bì các bạn ngâm nước đến khi hơi mềm thì rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ khoảng 5cm. Gừng cạo vỏ, rửa sạch băm nhỏ trộn cùng rượu trắng và bóp với bóng bì khoảng 2 – 3 phút nhằm khử mùi hôi. Tiếp đến các bạn rửa sạch với nhiều lần nước và để ráo.
- Cà rốt, su hào gọt vỏ, tỉa thành hình hoa đem rửa nước muối loãng rồi thái miếng mỏng. Súp lơ xanh, súp lơ trắng chẻ thành từng miếng vừa ăn, rửa sạch
- Nấm hương ngâm nở, rửa sạch, cắt bỏ chân để nguyên cái. Hành lá, rau mùi bỏ rễ, rửa sạch, thái khúc dài 2cm
Bước 2: Nấu nước dùng
Tôm khô ngâm nước cho mềm, xương gà rửa sạch. Đun sôi 1 nồi nước, cho xương gà cùng với 1 chút muối vào đun thêm 4 phút cho ra hết bọt bẩn. Rửa xương lại cho sạch. Cho xương vào nồi nước cùng với vài nhánh hành khô đập dập. Hầm lửa nhỏ khoảng 30’ để lấy nước dùng gà, sau đó bỏ phần xương.
Cho tôm khô (đã đập dập) vào trong nước dùng gà, đun nhỏ lửa thêm 10 – 15 phút.
Bước 3: Chuẩn bị những nguyên liệu khác
- Trong lúc chờ nước dùng đạt, các bạn luộc chín trứng cút sau đó bóc vỏ thấm sạch nước và rán ngập dầu cho vàng đều để vào giấy thấm dầu.
- Tiếp đến dùng thìa cho giò sống vào cây nấm hương quết đều để giò sống bám chắt vào nấm. Thả nấm vào nồi nước dùng gà đang sôi, đến khi nấm mộc nổi lên (khoảng 4 phút) thì vớt ra để riêng.
- Lần lượt trụng từng loại rau và bóng bì vào trong nồi nước dùng đến khi vừa chín, vớt ra để riêng.
Bước 4: Hoàn thành
Nêm nếm lại nồi nước dùng cho vừa miệng với gia vị và 1 chút nước mắm. Xếp vào trong bát to lần lượt các loại rau, bóng bì, mọc, trứng, hành mùi rồi chan nước dùng ngập lên rắc thêm chút tiêu, ăn nóng.
Xôi gấc
Nguyên liệu
- 250gr quả gấc
- 2 bát nếp Bắc
- 1 muỗng canh đường
- 170ml nước cốt dừa (nếu bạn muốn ăn béo có thể tăng lượng nước cốt dừa)
- ½ muỗng cà phê muối (giúp xôi đậm đà hơn)
- 7ml rượu nếp
Cách chế biến Xôi gấc
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Các bạn rửa sạch nếp để loại bỏ bụi bẩn, tiếp đến ngâm qua đêm hoặc ít nhất là 4 tiếng với ít muối.
Rửa sơ quả gấc, sau đó bổ đôi ra để lấy thịt gấc
Bước 2: Ướp màu hạt nếp
Bạn bóp lấy phần thịt gấc, sau đó trộn đều với 1 thìa cà phê rượu nếp. Tiếp đến các bạn lấy phần thịt gấc trộn đều với nếp và ít muối. Sau đó trộn đều với ít nước cốt dừa để xôi thơm và có vị béo.
Bước 3: Hấp xôi
Các bạn cho hỗn hợp nếp vào xửng hấp, có thể thực hiện bằng nồi cơm điện có xửng. Hấp khoảng 35 – 40 phút. Khoảng 15 phút bạn có thể trộn thêm ít nước cốt dừa.
Sau khi xôi chín các bạn có thể đặt vào khuôn (hình hoa, hình cá…) ép nhẹ và cho ra đĩa. Vậy là bạn có thể bày món ăn ngày Tết này ra mâm cơm của mình rồi đấy!
Những món ăn miền Bắc khá thanh đạm nhưng cũng không kém phần tinh tế và độc đáo so với món ăn Tết miền Nam, đúng không bạn? Mẹ và Con chúc bạn thành công với những món ăn ngày Tết này để gia đình thêm đầm ấm nhé!