Mẹ và Con - Cách nấu lẩu cua đồng khá đơn giản nên đây là món ăn phổ biến ở nhiều nơi. Còn gì tuyệt bằng cả nhà quây quần bên nồi lẩu cua thơm ngọt, béo ngậy. Nước dùng chua ngọt, rau nấm giòn giòn ngon miệng.

Cua đồng là nguyên liệu nấu ăn cho nhiều món ngon như canh cua, bún riêu cua ngon và đặc biệt là lẩu cua đồng. Cách nấu lẩu cua đồng đơn giản, lẩu cua dễ ăn, dùng để đãi khách hay tiệc gia đình đều ngon.

Cách chọn cua nấu lẩu cua đồng ngon

Để làm lẩu cua đồng ngon thì việc chọn cua là rất quan trọng. Có nhiều yếu tố quyết định một mẻ cua ngon như sau:

  • Màu sắc: Những con cua màu cam và xám sẽ nhiều gạch, thịt cũng đầy đặn hơn.
  • Hình dáng: Chọn cua mập mạp bằng cách ấn nhẹ tay vào yếm cua. Nếu bụng cua chắc, yếm không bị lún xuống thì đó là cua ngon.
  • Tươi: Những con cua còn khỏe mạnh, bò nhanh thì càng tươi. Tuyệt đối không mua cua chết vì có nguy cơ nhiễm bệnh và hơn nữa cua chết cũng bị mất vị, nấu lên không thơm ngon.
  • Thời gian: Để chọn được cua ngon, thịt nhiều thì bạn nên mua vào đầu hoặc cuối tháng âm lịch. Lý do là khi trăng tròn thì cua thường lột vỏ, lúc này cua ít thịt, thịt bở, không ngon.
  • Cua đực thì nhiều thịt còn cua cái thường nhiều gạch hơn. Tùy vào mục đích cũng như khẩu vị mà bạn chọn cua cho phù hợp nhé.

cách nấu lẩu cua đồng miền Trung

Hướng dẫn sơ chế cua

Cua mua về để ngăn đông hoặc ngâm nước đá cho cứng lại rồi rửa sạch, bỏ yếm và miệng cua, tách mai để riêng. Múc gạch trong mai cua ra để riêng, thân cua thì ngâm nước muối 15p để loại bỏ ký sinh rồi vớt ra để ráo. Đây là cách chế biến, khửi mùi tanh hải sản rất hiệu quả.

Cho cua vào máy xay hoặc dùng cối giã nhuyễn. Lọc cua với nước (khoảng 2L nước cho 500g cua) để lấy nước cốt. Khi giã bạn nên cho chút muối để riêu cua đóng thành bánh chắc hơn. Đeo găng tay, vò bóp xác cua nhiều lần để ra hết thịt. Lọc đến khi hết cốt cua, thấy xác trong là được. Nước cốt lọc này dùng để làm nước lẩu theo cách nấu lẩu kiểu miền Bắc.

Cách làm lẩu cua đồng ngon

Cách nấu lẩu cua đồng miền Bắc

Ngoài các món như canh cua ngon, bún riêu cua thì lẩu cua đồng cũng được nhiều người miền Bắc yêu thích.

Nguyên liệu: 600g cua đồng ngon, 500g thịt bò, 05 miếng đậu hủ, 4 quả cà chua, 10 quả sấu, rau nhúng lẩu như mồng tơi, rau muống, tía tô… và các loại gia vị, rau nêm.

cách nấu lẩu cua đồng miền Bắc

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Rau sống nên ngâm nước muối khoảng 15 phút rồi rửa sạch để ráo.
  • Hành bóc vỏ băm nhỏ, sả cắt khúc đập dập, cà chua cắt miếng, sấu cạo vỏ rửa sạch.
  • Đậu hủ cắt miếng vừa ăn, chiên sơ cho vàng
  • Cua thì làm theo hướng dẫn sơ chế bên trên.

Bước 2: Nấu nước dùng lẩu

  • Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu đợi nóng thì phi hành cho thơm, tiếp tục cho cà chua vào đảo đều. Cho đường để tạo màu vàng đẹp mắt rồi thêm gạch cua, đảo 5 phút rồi tắt bếp.
  • Nấu nước lọc cua, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi nấu với lửa nhỏ, đến khi riêu cua nổi lên mặt là vừa chín. Tắt bếp, vớt riêu cua để riêng tránh làm bể vụn miếng riêu.

Bước 3: Làm lẩu cua đồng

  • Bật bếp tiếp tục nấu lửa nhỏ nồi nước dùng, cho hỗn hợp gạch cua, cà chua ở bước 1 vào nồi, cho cả sấu, sả vào nấu.
  • khoảng 10 phút sau thì vớt sấu, dầm nhỏ rồi cho lại vào nồi.

Lúc nào chuẩn bị ăn thì mới cho đậu hủ, các loại rau, thịt bò… vào nồi. Cách nấu lẩu cua đồng miền Bắc cho nước lẩu chua chua ngọt ngọt ăn kèm với mì gói hoặc bún thì hấp dẫn vô cùng.

Cách làm lẩu cua đồng kiểu miền Nam

Ở miền Nam cũng có cách nấu lẩu cua đồng riêng, khá “thập cẩm” so với nồi lẩu cua miền Bắc. Cách làm cũng rất đơn giản.

Nguyên liệu: 600g cua đồng, 1kg xương ống heo, 200g thịt bò nhúng lẩu (gia giảm tùy khẩu phần ăn), 3 miếng đậu hủ, rau nhúng như bông bí, rau đắng, bắp chuối bào, mồng tơi, rau muống… hành tỏi gừng băm nhuyễn, các loại gia vị…

cách nấu lẩu cua đồng miền Nam

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Sơ chế cua đồng theo hướng dẫn bên trên.
  • Thịt bò rửa sạch xắt mỏng, ướp gia vị gồm tỏi, hành, gừng băm, đường, muối có thể thêm bột nêm cho vừa miệng rồi để 20 phút cho thịt ngấm.
  • Rau ăn lẩu ngâm nước muối và rửa sạch, để ráo
  • Đậu hủ cắt miếng vừa ăn, để nguyên hoặc chiên sơ đều được.

Bước 2: Nấu nước lẩu

  • Xương ống làm sạch, chần nước sôi sau đó cho vào nồi với 1-2 củ hành tím đập dập, ninh xương trong 45 phút – 1 tiếng.

Bước 3: Xào gạch cua đồng

  • Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn cùng với hành tím phi thơm sau đó cho gạch cua vào đảo đều khoảng 5 phút rồi tắt bếp.

Bước 4: Thưởng thức!

  • Gạn lấy nước dùng trong từ nồi xương heo sau đó đổ vào nồi nấu lẩu.
  • Khi nước sôi thì cho thịt cua vào đun đến khi nước sôi, riêu cua nổi lên thì tiếp tục cho phần gạch cua đã xào ở bước 2 vào nồi.
  • Thả rau, đậu hủ và nhúng thịt bò rồi thưởng thức thôi!

Cách nấu lẩu cua đồng kiểu miền Nam cho hương vị lẩu đậm đà, thơm ngọt mà lại không chua nên rất mát lành. Nước dùng xương đậm đà, gạch cua béo ngậy kết hợp với rau xanh thanh mát. Nấu lẩu cua như thế này thì trẻ nhỏ lẫn người bệnh đều có thể thưởng thức. Cua đồng vì thế cũng trở thành thức ăn tốt cho dạ dày, mang lại nhiều dinh dưỡng cho cơ thể.

Trên đây là hai cách nấu lẩu cua đồng được nhiều người yêu thích nhất hiện nay. Mỗi vùng miền thường có phiên bản lẩu cua riêng phù hợp với khẩu vị địa phương. Thế nên bạn có thể biến tấu tùy sở thích mà vẫn có món lẩu “chuẩn vị” nhà làm.

Bài viết liên quan