Mẹ&Con - Cuộc sống vợ chồng bạn không phải lúc nào cũng “sóng yên biển lặng”. Đôi khi có những “đợt sóng” nổi lên mà nếu người trong cuộc không khéo giải quyết thì gia đình bạn có thể sẽ bị “chia đôi”.

1. Không thể chia sẻ!

Tình yêu bao giờ cũng gắn chặt với sự quan tâm, đồng cảm. Vợ chồng “bên nhau” không có nghĩa là phải “đồng hành” trong tất cả các buổi tiệc tùng. “Bên nhau” nghĩa là bạn và một nửa của mình có thể hiểu được ước mơ, suy nghĩ, những mong muốn và đam mê của nhau, là chia sẻ với nhau những buồn vui, lo lắng. Hãy ân cần hơn và hãy để người bạn đời của bạn biết rằng bạn rất mong biết được những gì anh ấy/cô ấy nghĩ.

Cach nao de giai quyet bat on gia dinh

(Ảnh minh hoạ)

2. Không có thời gian dành cho nhau!

Bạn bận rộn việc nhà. Chàng mê mải kinh doanh, phải đi công tác thường xuyên. Chàng ở trên phòng đọc sách trong khi bạn mải miết dán mắt vào màn hình với… những bộ phim tình cảm. Không có cãi cọ. Nhưng thật ra, tình trạng “yên bình” này khiến nhiều đôi vợ chồng đã có lúc phải tự hỏi là… tại sao mình cưới nhau?! Dĩ nhiên, mọi gia đình đều có những khoảng thời gian nhất định xảy ra tình trạng như thế. Nhưng nếu nó trở thành nhịp sống đều đặn từ năm này sang năm khác thì… Hãy cẩn thận! Gia đình bạn có nguy cơ rạn nứt rất dễ dàng. Hãy sắp xếp thời gian để ở bên nhau nhiều hơn. Có như vậy bạn và nửa kia mới có thể hâm nóng tình cảm mà bấy lâu đã để quá “nguội”.

3. Thiếu tôn trọng nhau!

Sự coi thường, thiếu tôn trọng là một trong những yếu tố nguy hiểm vào hàng bậc nhất với cuộc sống hôn nhân. Người xưa dạy: “Phu thê tương kính như tân”, tức là vợ chồng phải luôn đối xử với nhau như khách, tôn trọng nhau. Nhưng sau một thời gian chung sống, khi đã phải làm quen với hàng lô hàng lốc “tật xấu” thì sự tôn kính này sẽ có nguy cơ bị thử thách. Luôn nhắc nhở mình lắng nghe, tôn trọng nhau là điều bắt buộc để tạo nên một quan hệ hôn nhân hạnh phúc.

4. Rơi vào nhàm chán

Gia đình đúng nghĩa luôn mang đến niềm vui, sự mới mẻ và hưng phấn. Nó là động lực cho bạn để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Hãy thường xuyên làm mới mình, làm mới ngôi nhà và có những thay đổi nho nhỏ về du lịch, âm nhạc, thể thao, v.v. để tạo ra cho nhau cảm giác thích thú.

5. Thiếu lòng biết ơn

Bất kỳ ai cũng ao ước: người mình yêu thương hiểu rằng mình luôn nghĩ đến họ và vì họ. Một lời cảm ơn, một thái độ thích thú của bạn sẽ khuyến khích người kia rất nhiều. Một lời khen cho món ăn ngon. Một nụ cười thích thú khi nhận ra phòng ngủ được chăm chút cẩn thận, v.v.. Tất cả sẽ tạo nên trong gia đình một cảm giác biết ơn lẫn nhau, hài lòng và hạnh phúc.

6. Vắng bóng nồng nàn

Những món quà nho nhỏ, những bữa tối bất ngờ và lãng mạn sẽ chạm đến được ngóc ngách nhạy cảm nơi trái tim người bạn đời của bạn. Hãy nhớ lại ngày bạn và anh ấy mới quen. Bạn luôn muốn dành cho anh ấy những món quà bất ngờ để anh ấy hiểu rằng bạn muốn làm vui lòng anh ấy. Giá trị món quà không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng ở chỗ, thông qua những quan tâm nho nhỏ tự nguyện ấy, anh ấy có thể hiểu được rằng anh luôn ở trong tâm trí bạn và bạn tha thiết mong làm anh vui.

Cach nao de giai quyet bat on gia dinh

(Ảnh minh hoạ)

7. Vợ chồng như… “chủ tớ”

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, trở về nhà tiếp tục phải… lao vào công việc nhà một mình khiến phụ nữ dễ bị ức chế và cảm thấy “tủi thân”. Phụ nữ không đòi hỏi một đức lang quân phải “chia đôi” sòng phẳng công việc với mình. Nhưng khi chàng chịu “động tay động chân” một chút vào việc nhà, người vợ luôn cảm thấy được chia sẻ.

8. Gia trưởng

Sự đối xử gia trưởng có thể khiến gia đình “yên ấm” theo cách giả tạo, mọi người luôn phục tùng, vâng lời, v.v.., nhưng thật chất không mang lại hạnh phúc. Khi một phụ nữ cảm thấy sợ hãi, họ sẽ bị ức chế và không thể thổ lộ cảm xúc. Không người chồng nào cảm thấy hạnh phúc thật sự khi biết rằng vợ chỉ… sợ mình!

9. Hụt hẫng “gối chăn”

Điều này biến bạn và người bạn đời trở thành… hai người ở cùng phòng hơn là một đôi vợ chồng. Những giây phút gần gũi gối chăn, những vuốt ve, những nụ hôn và chăm chút lẫn nhau, tay trong tay… sẽ làm dịu đi những căng thẳng, những giận dữ nảy sinh trong quá trình chung sống. Không gì có thể thay được điều đó. Một ánh mắt yêu thương, một vòng tay choàng qua chàng khi chàng đang mệt mỏi sẽ đủ sức mang đến sinh khí mới cho cuộc sống gia đình bạn.

10. Giận dữ ngấm ngầm…

Bạn và người bạn đời chắc chắn có những điểm không hợp nhau, và những điểm này sẽ lộ ra dần trong quá trình chung sống. Tuy nhiên, nếu khéo léo, bạn và chàng có thể ngồi lại, bàn bạc, thậm chí tranh luận, nhưng làm rõ được vấn đề và hiểu nhau hơn. Ngược lại, nếu bạn “thờ ơ” với chuyện này, những bất đồng sẽ càng lúc càng dồn nén và chỉ chờ bùng nổ! 

11. Niềm khao khát về con cái

Đấy là một cảm xúc mãnh liệt. Đứa con ra đời là sợi dây kết nối vợ chồng bạn lại với nhau. Cách nuôi dưỡng con cũng là vấn đề dễ nảy sinh mâu thuẫn. Đừng khăng khăng theo ý mình. Hãy bàn bạc, lắng nghe và tôn trọng ý kiến người bạn đời của bạn.

12. Rắc rối về kinh tế

Nam giới rất dễ tự ái khi vợ mình có thu nhập cao hơn. Nếu việc này xảy ra, bạn phải thật khéo léo để chàng biết bạn hoàn toàn tôn trọng những ý kiến của chàng. Khi cảm thấy bắt đầu có những bất đồng về kinh tế trong gia đình, bạn nên tìm cách để trò chuyện cởi mở với người bạn đời càng sớm càng tốt.

Tags:

Bài viết liên quan