Vào dịp Tết nguyên đán, trong mâm cơm của người dân Nam Bộ không thể nào thiếu món thịt kho hột vịt hay còn gọi là thịt kho trứng hoặc thịt kho tàu. Cách chế biến món ăn này vô cùng đơn giản nhưng đằng sau đó là cả ý nghĩa của người dân mong mỏi một năm mới “vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an”.
Nguồn gốc, ý nghĩa món thịt kho hột vịt trong ngày Tết
Nguồn gốc món thịt kho hột vịt
Món thịt kho tàu là một món ăn truyền thống góp mặt trong mâm cơm của các gia đình vùng Nam Bộ, đặc biệt là trong những dịp Tết đến xuân về. Do có chữ “kho Tàu” nên nhiều người nhầm tưởng đây là món ăn của người Tàu – người Hoa. Tuy nhiên, bạn sẽ phải bất ngờ khi món ăn này xuất phát hoàn toàn từ nên ẩm thực nước nhà đấy nhé!
Có rất nhiều phiên bản khác nhau về nguồn gốc của món thịt kho hột vịt. Trong đó, một dị bản phổ biến nhất là: Ngày xưa, dân làng chài thường xuyên kho một nồi thịt thật to để khi lên tàu ra biển lớn, lênh đênh nhiều ngày đêm vẫn thức ăn và đảm bảo có sức để kéo được nhiều mẻ lớn. Vì là thịt kho để ăn khi đi tàu nên món ăn này có tên là “thịt kho tàu”.
Ngoài ra, còn có một lời giải thích khác về món thịt kho hột vịt này như sau: “tàu” trong văn nói miền Tây chính là “mặn ngọt lờ lợ”. giống như vị nước của con sông Cái – con sông chia làm hai nhánh Cái Tàu Hạ và Cái Tàu Thuợng (theo nhà văn Bình Nguyên Lộc – một nhà văn hoá tên tuổi của Nam Bộ trong thời kỳ 1945 – 1975). Với nguồn gốc này, món thịt kho tàu được hiểu là món thịt kho có vị lạt, nhạt lờ lợ để người dân ăn liên tục trong nhiều ngày Tết trong khi chờ chợ truyền thống mở lại.
Ý nghĩa món thịt kho hột vịt
Món thịt kho hột vịt không chỉ có nguồn gốc đặc biệt mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Khi chọn thịt để làm thịt kho tàu, cần chọn thịt ba chỉ (ba rọi) heo hoặc các phần thịt có cả nạc và mỡ, thái miếng vuông to. Hột vịt làm món này cũng là hột to, tròn. Vì thế, món thịt kho hột vịt sẽ mang ý nghĩa vuông tròn đều đặn, mong cầu một năm mới mọi sự đều bình an, thuận lợi, đong đầy phúc lành.
Không chỉ vậy, nhiều người còn cho rằng, hương vị của món thịt kho hột vịt cũng giống như những hương vị mà chúng ta nếm trải trong cuộc đời, có vị cay của ớt, có vị đắng của nước hàng, vị mặn từ nước mắm và vị ngọt của đường. Và khi kết hợp những hương vị này, chúng ta sẽ có một nồi thịt thơm ngon, giống như khi trải qua gian lao sẽ có thành quả ngọt ngào.
Cách nấu thịt kho hột vịt chuẩn vị
Nguyên liệu
- Thịt ba rọi heo: 1kg
- Trứng vịt: 8 quả
- Nước dừa tươi: 700ml
- Nước lọc: 600ml
- Củ hành tím, tỏi, ớt sừng và các gia vị khác (bột ngọt, hạt nêm, nước mắm, nước màu đường hoặc nước hàng, đường phèn, chanh)
Cách chế biến thịt kho hột vịt chuẩn vị Nam Bộ
Để có thể cho ra lò món thịt kho tàu thơm ngon cho dịp Tết, bạn có thể áp dụng các bước sau:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Trước tiên, sơ chế thịt heo (cắt nhỏ thành khối 4-5cm rồi rửa sạch với nước).
Trứng vịt mang luộc chín, bóc vỏ. Hành tím, tỏi bóc vỏ, chia làm 2. 1 nửa đập dập và 1 nửa băm nhuyễn cùng với ớt sừng bỏ cuống.
Bước 2: Ướp thịt
Lấy thịt đã sơ chế ướp cùng với hỗn hợp hành tỏi ớt băm nhuyễn, cho thêm 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, 1 muỗng canh bột ngọt, 1 muỗng canh hạt nêm, 3 muỗng canh nước mắm. Trộn đều và để khoảng 1 tiếng để thịt thấm gia vị. Không nên ướp thịt ít hơn 45 phút vì lúc này món thịt kho hột vịt sẽ không tròn vị nữa.
Bước 3: Kho thịt
Ở giai đoạn kho thịt, cần áp chảo sơ thịt đã ướp rồi mới cho thịt vào nồi. Sau đó cho nước dừa (700ml), nước lọc (300ml), hành tỏi đập dập vào nồi rồi đun với lửa to trong 30 phút, vừa đun vừa chú ý hớt bọt thường xuyên.
Sau khoảng thời gian này, tiếp tục cho vào 300ml nước lọc và đun với lửa nhỏ khoảng 1 tiếng, vừa đun vừa đảo thịt (5 phút/lần) để thịt không bị cháy cạnh. Cuối cùng, cho trứng vịt đã lột vỏ vào và chỉnh lửa thật nhỏ, đun tiếp 30 phút rồi nêm nếm gia vị lại 1 lần nữa (3 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường phèn). Chờ đường tan, tắt bếp là bạn đã có nồi thịt kho hột vịt kiểu Nam Bộ thanh ngọt của nước dừa, mằn mặn của nước mắm, cay nhè nhẹ, thơm nồng cho ngày Tết nguyên đán thêm tròn vị rồi đấy.
Thịt kho hột vịt có thể ăn cùng với cơm trắng, củ kiệu, dưa cải chua, rau sống hoặc dưa hấu đấy nhé. Ngoài ra, một số gia đình còn dùng thịt kho hột vịt để cuốn cùng bánh tráng cũng rất bắt vị.
Một số lưu ý cho món thịt kho hột vịt thêm thơm ngon
Một số bí quyết khi chế biến món thịt kho tàu mà bạn có thể bỏ túi như:
- Khi mua thịt, nên tranh thủ đi chợ sớm để mua được thịt heo tươi vừa được mổ ra, tránh được tình trạng mua thịt cũ.
- Khi chọn thịt. nên ưu tiên thịt ba rọi, thịt nhiều hơn mỡ (khoảng 7 nạc 3 mỡ là ngon nhất). Thịt mua nên có nguyên khối và còn tươi.
- Khi ướp thịt, nên dùng 1 tấm màn để che thịt lại hoặc ở những khu vực có nắng tốt, có thể mang thịt ra phơi nắng khoảng 30 phút để thịt thấm gia vị nhanh hơn, làm cho da và mỡ được trong hơn sau khi kho.
- Bạn có thể dùng 1 tấm màn che phần thịt lại, nếu có ánh nắng tốt bạn có thể mang ra phơi nắng tầm 30 phút. Việc phơi nắng này nhằm mục đích giúp thịt thấm gia vị nhanh hơn, phần mỡ và da lúc kho thịt được trong hơn.
- Lúc kho thịt, không nên dùng nước lạnh mà nên dùng nước sôi để thịt ngon hơn, đều màu hơn.
- Không nên kho thịt với nhiệt độ quá lớn mà chỉ nên chỉnh lửa liu riu.
- Không đậy kín nắp nồi trong lúc kho vì việc này sẽ khiến thịt bị đục. Nếu có thể, nên dùng một miếng lá chuối tươi để trên mặt nồi để da heo được săn hơn, trong hơn, vàng ngon hơn.
Trên đây là cách chế biến món thịt kho hột vịt ngon chuẩn vị Nam Bộ, cho buổi sum họp ngày Tết nguyên đán thêm tròn đầy. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết rồi, còn chờ gì mà không vào bếp nấu ngay món ăn ngày tết này bạn nhỉ?