Bánh su kem chắc hẳn đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nếm thử bánh su kem vỏ giòn chưa? Nếu chưa hãy học ngay cách làm bánh su kem vỏ giòn bằng công thức này nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 80gr bơ lạt
- 90gr
- 80gr đường thốt nốt
- 90gr bột mì đa dụng
- 5gr bột quế
- 220ml sữa tươi không đường
- 60gr bơ lạt
- 65gr bột mì đa dụng
- 3 quả trứng gà
- 1 muỗng đường
- 10gr bột bắp
- ¼ muỗng cà phê muối
- 2ml vani (dạng chiết xuất)
- 5gr bơ lạt
Cách làm bánh su kem vỏ giòn
Bước 1: Trộn bơ
- Các bạn lấy 80gr bơ lạt cho vào một cái tô, rồi để ở nhiệt độ phòng khoảng 3 – 5 phút để bơ bắt đầu mềm ra nhưng không để bơ thành tan thành nước
- Khi bơ bắt đầu dần mềm ra, các bạn cho thêm 80gr đường thốt nốt vào rồi trộn đều đến khi đường và bơ hòa tan vào nhau
Bước 2: Trộn bột
Khi hỗn hợp bơ đường trên đã được trộn đều xong các bạn rây thêm 90gr bột mì vào tô cùng 5gr bột quế và tiếp tục trộn đều lên khi hỗn hợp đều lại. Lúc này bột sẽ rời rạc ra.
Bước 3: Nhào bột
Khi bạn trộn hỗn hợp trên đến khi khô (không thành một khối) thì các bạn dùng tay nhào bột thành một khối bột mềm mịn. Nếu trong quá trình nhào bột còn quá khô, các bạn hãy cho từng muỗng sữa tươi vào đến khi bột đạt là được.
Bước 4: Cán bột
- Bạn lấy một tấm giấy nến trải lên bàn và dùng ít bột mì xoa lên để làm lớp chống dính. Sau đó, các bạn đặt khối bột đã nặn lên
- Lúc này bạn úp một tờ giấy nến khác lên và bắt đầu cán cho bột dẹp xuống. Khi cán bột dẹp, mỏng đều thì các bạn đậy bột bằng giấy nến cho cẩn thận và ủ bột trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 20 phút
Lưu ý: Ở công đoạn này nếu bạn ẩu, không dùng giấy nến lót trên dưới của bột, thì khi cán bột sẽ bị nứt và rất khó cán mỏng.
Bước 5: Cắt bột làm mai rùa
Sau khi các bạn ủ bột xong, bạn hãy gỡ phần giấy nến ra rồi cắt bánh thành những hình tròn để làm mai rùa. Tiếp đến các bạn hãy để những chiếc bánh này trong ngăn đông của tủ lạnh ít nhất là 3 tiếng.
Lưu ý: Tùy vào kích thước của bánh mà lựa chọn khuôn cắt bánh to hay nhỏ. Thường thì kích thước vòng tròn được cắt sẽ bằng kích thước của đáy bánh.
Bước 6: Đánh bông lòng đỏ trứng
Bạn lọc lấy lòng đỏ trứng vào một cái tô cùng với 15gr đường. Tiếp đến các dùng dùng máy đánh trứng và bật ở tốc độ thấp rồi đánh hỗn hợp đến khi lòng đỏ bông nhẹ lên thì bắt đầu tăng tốc độ đánh và đánh hỗn hợp đến khi chuyển sang màu vàng nhạt. Bạn nhấc phới lên, hỗn hợp chảy như dải ruy băng là đạt.
Bước 7: Trộn bột với hỗn hợp lòng đỏ
Bạn dùng rây để rây khoảng 10gr bột bắp vào hỗn hợp lòng đỏ trứng ở trên. Sau đó các bạn trộn đều lên đến khi hỗn hợp sánh mịn là được.
Bước 8: Làm nhân bánh
- Bạn bắt đầu đun 100ml sữa tươi trên lửa nhỏ, cho đến khi hỗn hợp sữa gần sôi thì bắt tắt bếp (sữa bắt đầu nổi bọt nhỏ xung quanh nép nồi, khoảng 80 độ C)
- Tiếp đến các bạn đổ từ từ sữa tươi vào hỗn hợp bột trứng, vừa đổ và vừa khuấy đều đến khi hỗn hợp hòa quyện lại với nhau
- Bạn cho hỗn hợp vừa khuấy vào nồi vừa đun trên lửa nhỏ vừa khuấy cho thật đều đến khi hỗn hợp bắt đầu sệt lại
- Đến khi hỗn hợp đã đặc lại theo ý bạn muốn bạn tắt bếp rồi cho ngay vào đó ¼ muỗng cà phê muối cùng 5gr bơ lạt và 2ml chiết xuất vanila rồi đảo đều là chúng ta đã có ngay một phần nhân bánh hoàn hảo rồi
- Khi phần nhân đã nấu xong bạn để 5 phút ở nhiệt độ bên ngoài cho nguội rồi bọc màng bọc thực phẩm lại và cho vào tủ lạnh
Lưu ý:
Độ đặc và sệt của nhân bánh là tùy vào sở thích khẩu vị của gia đình bạn, nhưng khi tắt bếp hỗn hợp sẽ đặc hơn khi lúc còn nóng.
Bước 9: Làm vỏ bánh
- Bạn cho 120ml sữa tươi cùng 1gr muối, 60gr bơ lạt vào một cái nồi. Sau đó bạn khuấy đều hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi bơ đã tan hoàn toàn và hỗn hợp sôi lên
- Tiếp đến các bạn cho 65gr bột mì vào và khuấy đều đến khi hỗn hợp tạo thành một khối dẻo và không dính nồi thì bạn tắt bếp ngay
Lưu ý: Ở bước này bạn phải khuấy trên lửa nhỏ và không nên khuấy quá lâu. Nếu không hỗn hợp sẽ bị mất nhiều nước và sẽ bị khô khi nướng lên.
- Khi hỗn hợp đã mịn dẻo thì bạn hãy cho chúng vào túi nặn kem
- Sau khi tắt bếp bạn cho vào hỗn hợp trên 1 quả trứng và đánh đều lên. Sau đó bạn cho tiếp thêm 1 quả trứng nữa rồi tiếp tục đánh đều bột lên lần nữa
Lưu ý: Bạn phải đợi bột nguội mới được cho trứng vào. Vì khi bột nóng, trứng sẽ bị chín làm bột sẽ không còn dẻo nữa.
Bước 10: Tạo hình bánh
- Trước tiên bạn nên làm nóng lò nướng trước với mức nhiệt 200 độ C trong khoảng 3 phút. Trong thời gian đợi lò nóng, các bạn nặn bột thành từng hình chóp nhỏ lên khay nướng bánh
- Sau đó lấy những chiếc bánh hình tròn đã được làm trước đó đặt lên trên vỏ bánh
- Tiếp đến là đem khay bánh đi nướng ở 200 độ C trong 15 phút. Lúc này bạn sẽ thấy bánh bắt đầu phồng lên, chiếc bánh tròn đằng trên bắt đầu nở và nứt ra thành hình mai rùa. Khi đó bạn lại tiếp tục hạ nhiệt độ xuống 180 độ nướng trong 10 phút nữa là được
Lưu ý:
Trong quá trình nướng không được mở cửa lò, điều đó sẽ làm lò hạ nhiệt độ xuống làm bánh bị xẹp và mất đi tính thẩm mĩ.
Bước 11: Bơm kem vào vỏ bánh
- Khi bánh đã chín, các bạn lấy khay bánh ra và dùng đũa đâm một lỗ nhỏ dưới đáy bánh
- Sau đó các bạn lấy phần nhân bánh trong tủ lạnh ra, rồi cho vào túi nặn kem và nặn đầy vào bên trong vỏ bánh là xong nhé
Thành phẩm
Bánh su kem sau khi hoàn thành có phần vỏ bánh bên trên giống như mai rùa trông rất dễ thương, phần vỏ bên ngoài thì giòn rụm còn nhân bánh thì tràn đầy kem và ngọt bùi.
Mẹo bảo quản bánh su kem vỏ giòn
Bánh su kem sau khi làm xong để trong hộp kín và cho vào ngăn mát tủ lạnh có thể để được 2 – 3 ngày hoặc bạn có thể để phần vỏ bánh riêng và nhân bánh riêng, khi nào ăn bạn hãy nặn nhân vào bánh. Tuy nhiên chỉ nên để bánh tối đa 1 ngày vì bánh để lâu sẽ bị khô và mất đi vị thơm ngon của chúng.
Hy vọng với cách làm bánh su kem vỏ giòn trên đây, bạn sẽ có thêm một công thức bánh mới để chiêu đãi gia đình vào những dịp lễ hay ngày nghỉ cuối tuần.