Các virus gây cảm lạnh và cúm sẽ “hoành hành” dữ dội vào mỗi mùa cuối năm khi thời tiết bắt đầu trở lạnh. Điều đáng nói là phần lớn các loại virus mùa đông đều “có mặt” trong không khí. Vì vậy, không chỉ riêng các bé mà ngay cả người lớn khỏe mạnh cũng rất dễ bị nhiễm phải. Chưa kể đến, hầu hết các trường hợp nhiễm virus đều bị lây nhiễm từ trước khi các triệu chứng xuất hiện. Do đó, rất khó để phòng tránh nhiễm lạnh hay cảm cúm, ngay cả khi bạn cho bé ở trong nhà.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy càng tiếp xúc nhiều với môi trường ẩm ướt và thời tiết lạnh, trẻ sẽ càng có khả năng nhiễm cảm lạnh và cúm cao.
Mặc dù vậy, cũng không nên vì thế mà giữ trẻ ở trong nhà cả ngày khi trời trở lạnh hay vào những lúc giao mùa. Dưới đây là những bước căn bản để giúp bé tự chống chọi với cái lạnh mùa đông.
Rửa tay thường xuyên
Rửa tay là cách đơn giản và hiệu quả nhất để giúp bé tránh khỏi sự tấn công của các vi trùng gây cảm lạnh và cúm
Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất để giúp bé tránh khỏi sự tấn công của các vi rút gây cảm lạnh và cúm. Vì vậy, chính bạn cũng cần rửa tay ngay sau khi thay tã cho bé, lau mũi cho mình cũng như trước khi chuẩn bị thức ăn cho bé.
Nên rửa tay cho bé thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn (với các bé ăn bốc) và sau khi bé trở về từ nhà trẻ hoặc vừa đi chơi về.
Nếu trong nhà có nhiều trẻ, hãy thường xuyên rửa tay cho tất cả các bé, nhất là khi một bé đã mắc bệnh. Bạn không nhất thiết phải mua loại xà phòng cao cấp, chỉ cần là loại xà phòng có khả năng diệt khuẩn.
Nếu bé đã đi nhà trẻ, bạn nên kiểm tra chế độ chăm sóc sức khỏe của nhà trường. Hiện nay, một số trường mẫu giáo đều yêu cầu bé bị sốt, cúm, tiêu chảy, đau mắt… đều phải ở nhà điều trị cho đến khi các triệu chứng dứt hẳn.
Cho bé tiêm chủng
Bé sơ sinh càng được bú mẹ nhiều càng tăng cường sức đề kháng
Một số loại virus và vi khuẩn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm chủng. Khi bé đã được 6 tháng tuổi, mỗi năm, bé cần phải tiêm phòng cúm một lần. Tốt nhất, hãy làm tất cả những gì có thể để giúp bé tăng khả năng miễn dịch một cách tự nhiên nhất.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch là cho bé bú mẹ nhiều hơn.
Với các bé đã ăn dặm, hãy đảm bảo bé ăn đủ các chất và dùng các thực phẩm lành mạnh. Vào ban ngày, hãy khuyến khích bé vận động nhiều hơn. Vào ban đêm, hãy cho bé ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Làm gì khi bé bị bệnh
Khi bé nhiễm bệnh vào mùa lạnh, cần phải:
– Nhỏ mũi cho bé: Thuốc nhỏ mũi có thể giúp làm loãng chất nhầy mũi và nhờ đó làm giảm nghẹt mũi. Để cho hiệu quả tốt nhất, bạn nên dùng ống hút tròn, cho bé nằm hơi ngửa đầu, sau đó bóp nhẹ bình hút để nước nhỏ mũi chảy vào khoang mũi. Kế tiếp, hãy bóp nhẹ để hút các chất nhầy ra ngoài. Mỗi ngày nên hút mũi cho bé vài lần để giảm nghẹt mũi.
– Nghỉ ngơi đủ: Càng được nghỉ ngơi nhiều bé sẽ càng chóng bình phục hơn. Tốt nhất, mỗi buổi trưa nên cho bé nghỉ từ 1-1,5 tiếng. Nếu bé chán vì phải ở một chỗ, hãy tìm cho bé một cuốn sách nào đó để xem hình, đọc hoặc cho bé xem một vài cuốn phim hay. Nếu có thời gian, bạn hãy chơi trò con rối cùng con.
– Tăng độ ẩm: Về đêm hoặc vào giấc ngủ trưa của bé, máy tạo độ ẩm sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn. Không khí từ máy làm ẩm sẽ làm loãng chất nhầy, nhờ đó giúp làm dịu cơn ho và tránh ngạt mũi.
– Uống nhiều nước: Bé sẽ bị khô đi mỗi khi bị ốm hoặc tiêu chảy do hao hụt lượng chất dịch trong cơ thể. Để bổ sung chất lỏng, bạn nên cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn. Nếu bé đã 4 tháng tuổi, có thể cho uống dung dịch điện giải để bù nước nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, cần pha đúng liều lượng hướng dẫn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
– Ăn uống đủ chất: Với các bé đã ăn được thức ăn rắn, hãy cho bé ăn một loại quả có nhiều vitamin C hoặc bổ sung thêm nước trái cây.
– Ôm ấp bé: Trời lạnh, những cái ôm cũng thực sự trở nên thật cần thiết. Bé chỉ đơn giản muốn được quấn quýt bên mẹ trong những ngày này.
Khi nào cảm cúm cần gọi bác sĩ?
Hầu hết các loại virus phổ biến trong mùa đông đều xuất hiện trong vài ngày. Tuy nhiên, một số khác có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị kịp thời.
– Hãy gọi cho bác sĩ nếu thấy bé thường kéo tai của mình (có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tai); bé thở khò khè hoặc khó thở (viêm phế quản hoặc viêm phổi) hoặc bị tiêu chảy, nôn mửa dẫn đến mất nước.
– Nếu bé dưới 3 tháng và sốt trên 38 độ C, bé cần được khám ngay vì có thể đã bị nhiễm trùng nặng.
– Kiên nhẫn là cách để bạn cùng bé vượt qua những ngày bệnh. Bé sẽ cần ít nhất một tuần hoặc lâu hơn thế để có thể vượt qua được các triệu chứng của bệnh.
Khi bé lớn hơn, khả năng miễn dịch cũng sẽ được cải thiện. Lúc này bé sẽ ít bị cảm hơn mỗi khi thời tiết thay đổi. Tuy vậy, bé cũng cần giữ gìn vệ sinh thật tốt, nhất là hai bàn tay để tránh nhiễm virus.
Theo parenting