Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Để bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách, mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Sữa mẹ sau khi vắt ra nên cho ngay vào túi đựng sữa chuyên dụng. Sau đó, dán nhãn bên ngoài túi trữ sữa, ghi ngày, giờ vắt, ghi tên của bé (nếu mẹ gửi bé đi nhà trẻ).
- Cất sữa đã vắt vào tủ lạnh ngay khi có thể. Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, mẹ nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông trước khi mang sữa ra bên ngoài.
- Chia sữa thành các túi nhỏ với dung tích từ 80 – 120 ml để giảm thiểu thời gian làm lạnh, tránh lãng phí, khi rã đông thì sữa tan nhanh hơn. Nếu bị cúp điện trong thời gian dài, mẹ nên lấy các túi sữa đã trữ đông xếp vào thùng cách nhiệt cùng với đá viên.
Lưu ý: sau 3 tháng, chất béo trong sữa mẹ bị suy giảm, vitamin C cũng giảm dần theo thời gian. Vì vậy nên sử dụng càng sớm càng tốt. Tủ lạnh mở nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ ổn định trong tủ lạnh, làm giảm thời gian bảo quản sữa mẹ. Không nên trộn bất kì sữa gì với sữa mẹ khi bảo quản.
Có nên trữ đông sữa mẹ hay không?
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF), sữa mẹ vắt ra hoặc trữ lạnh, trữ đông được xếp ở vị trí thứ 2 chỉ sau sữa mẹ bú trực tiếp. Vì sữa mẹ bảo quản theo phương pháp này có dinh dưỡng và kháng thể rất gần bằng và đạt được gần hết các lợi ích của sữa mẹ bú trực tiếp.
Sữa trữ đông vẫn đầy đủ chất, các đặc tính vi sinh và vẫn tốt cho bé hơn là sữa bột cho trẻ em nếu được thực hiện đúng phương pháp vắt trữ, bảo quản và rã đông đúng cách.
Sữa mẹ để ngoài bảo quản được bao lâu?
Nếu không thể trữ đông sữa ngay, sữa mẹ vắt ra để ở môi trường bình thường ở Việt Nam sẽ để được khoảng 3 giờ. Sữa ở nhiệt độ phòng điều hòa có mức nhiệt khoảng 26°C có thể để tối đa trong vòng 6 giờ. Cần để sữa tránh xa những nơi có bức xạ, ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác. Cụ thể mức nhiệt độ tham khảo:
- Trong phòng 15 độ C: 24 giờ.
- Trong phòng 22 độ C: 10 giờ.
- Trong phòng 25 độ C: 4 – 6 giờ.
Sữa mẹ để ngăn mát tủ lạnh được bao lâu?
Thông thường, nhiệt độ bảo quản sữa mẹ càng thấp thì thời gian bảo quản sẽ càng được lâu hơn. Trong trường hợp mẹ vắt và trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh thì thời gian bảo quản tối đa là từ 1 – 3 ngày, thường chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ.
Sữa mẹ để ngăn đá tủ lạnh được bao lâu?
Theo các chuyên gia, sữa mẹ để tủ lạnh ở ngăn đá sẽ giúp tránh được vi khuẩn và sử dụng được lâu hơn, chúng ta vẫn thường gọi là trữ đông sữa. Khi sữa mẹ để ở ngăn đá, thời hạn bảo quản như sau:
- Đối với tủ lạnh mini chỉ có một cửa chung cho cả ngăn đá và ngăn mát, vì hoạt động đóng mở làm nhiệt độ trong ngăn đá thay đổi liên tục nên chỉ có thể bảo quản được trong 2 – 3 tuần.
- Đối với loại tủ lạnh 2 cánh, có cánh riêng cho ngăn đá và ngăn mát, sữa mẹ vắt ra có thể để được 3 – 6 tháng.
Đặc biệt nếu mẹ nào bảo quản sữa trong tủ kem, loại tủ đông chuyên dụng thì có thể giữ sữa trong 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, sử dụng càng sớm sẽ càng tốt.
Sữa mẹ ủ ấm để được bao lâu?
Thực tế, việc ủ ấm sữa nếu không dùng ngay sẽ càng làm sữa dễ hỏng hơn, vì nhiệt độ ấm nóng sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để các vi khuẩn phát triển. Do đó, sữa ủ ấm, ủ nóng ở 40 độ C chỉ nên giữ trong 1 giờ đầu. Sau thời gian đó, sữa này phải đổ bỏ, không được cho con bú, cũng không được tiếp tục bảo quản trong tủ lạnh.
Cách rã đông và hâm nóng sữa mẹ
Dựa vào thời gian vắt sữa, mẹ sẽ lấy các túi sữa vắt trước đó xa nhất rồi làm ấm và cho bé dùng trước, sữa vắt sau sẽ cho bé dùng sau.
Với sữa để trong tủ đá, khi sử dụng mẹ phải rã đông trước. Đầu tiên, mẹ nên chuyển gói/bình sữa sắp dùng xuống ngăn mát để sữa tan dần. Khi sữa đã tan, cho sữa vào bình hâm ở nhiệt độ 40 độ C trước khi bé bú, vì đây là nhiệt độ tốt nhất để sữa không bị tác động nhiệt làm mất các dinh dưỡng.
Không nên rã đông sữa ở nhiệt độ phòng vì làm thế sẽ khiến vi khuẩn trong sữa tăng lên. Để rã đông sữa mẹ, mẹ có thể hấp cách thủy hoặc làm ấm sữa bằng cách đặt bình chứa sữa vào một bát nước nóng khoảng 40 độ C.
Mẹ tuyệt đối không hâm sữa ở nhiệt độ quá cao hoặc ngâm trong nước sôi vì sẽ làm mất dinh dưỡng từ sữa. Không bao giờ hâm nóng sữa dự trữ bằng lò vi sóng vì sẽ phá hủy những dưỡng chất có trong sữa và tạo ra các “hạt nóng” khiến trẻ bị bỏng đường tiêu hóa.
Lắc nhẹ chai sữa để phần váng sữa và sữa trộn lẫn với nhau. Đừng lắc quá mạnh vì sẽ làm phân hủy một số chất dinh dưỡng có giá trị có trong sữa, làm đứt gãy cấu trúc của một số phân tử protein bảo vệ, hay còn gọi là kháng thể trong sữa, từ đó làm mất tính năng tự nhiên của sữa mẹ do các kháng thể như lysozyme, lactoferrin… trong sữa chỉ phát huy được chức năng bảo vệ của nó khi ở đúng cấu trúc phân tử ban đầu.
Sữa sau khi rã đông, sữa thường có mùi hơi hăng, tanh, gây nồng, không thơm như sữa mới vắt nên khiến nhiều mẹ cảm thấy sữa trữ có vấn đề và đổ đi ngay. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề mà các mẹ phải lo lắng.
Thật ra, đó là do tác động của các enzym lipase bẻ gãy các chất béo có trong thành phần sữa mẹ khi được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, dinh dưỡng không thay đổi, nên các mẹ cứ yên tâm cho con sử dụng nếu rã đông đúng cách.
Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng
Sữa mẹ nguyên chất không quá nồng, có mùi thơm dễ chịu và hấp dẫn. Do đó, khi mở bình hoặc túi trữ sữa ngửi thấy mùi hôi khó chịu, không thơm dịu thì chắc chắn sữa mẹ đã bị hư hoặc sữa đã để quá lâu. Sữa có mùi như xà phòng hoặc kim loại thì là bình thường nhưng nếu có mùi chua thì là đã hỏng nghĩa là cách bảo quản sữa mẹ chưa đúng.
Trong sữa mẹ chứa chất béo nên có váng sữa là điều bình thường, chất béo này sẽ được hòa tan khi lắc đều và vẫn có thể sử dụng được. Tuy nhiên, nếu sau khi mẹ bảo quản, đem ra sử dụng mà thấy váng sữa nổi lên trên bề mặt, lắc không hòa tan thì rất có thể sữa mẹ bị hỏng.
Nếm sữa là một trong những cách giúp nhận biết sữa mẹ có bị hỏng hay không. Thông thường, sữa mẹ sẽ có vị béo, ngậy, thơm ngon. Nhưng nếu bạn nếm thấy có vị khác lạ, có vị chua và cảm giác rất khó uống thì tức là hỏng.
Ngay cả khi sữa mẹ không có dấu hiệu bị hư hỏng nhưng đã được bảo quản quá lâu, quá thời gian cho phép cũng không nên tiếp tục sử dụng vì lúc này chất lượng sữa đã không còn được đảm bảo. Việc cho bé bú lúc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Vị giác của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, vì vậy khi bé không chịu bú từ ngụm đầu tiên, thậm chí quấy khóc khi mẹ cố tình cho bú bình thì rất có thể sữa có vấn đề, bị hư hỏng, quá hạn, khiến bé không thích thú, mẹ cần xem lại cách bảo quản sữa mẹ.
Cách bảo quản sữa mẹ cũng không quá phức tạp. Mẹ chỉ cần kĩ tính một chút sẽ bảo quản được nguồn sữa mẹ quý giá cho con với đầy đủ chất dinh dưỡng như trẻ bú sữa trực tiếp từ mẹ.
Theo Phụ Nữ Sức Khỏe