Mẹ và Con - Việc hiểu và nhận biết dấu hiệu đậu mùa khỉ đóng vai trò quan trọng trong việc sớm có những phương pháp xử lý phù hợp. Do đó, cùng tìm hiểu xem người mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ có những triệu chứng nào bạn nhé.

Tuy rằng sự lây lan của đậu mùa khỉ không nhanh bằng dịch COVID-19, nhưng nếu không có biện pháp phòng ngừa và vaccine kịp thời, bệnh vẫn có khả năng trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Cùng tìm hiểu về các triệu chứng đậu mùa khỉ để có thể sớm nhận biết bệnh để có cách xử lý phù hợp nhất.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp, gây ra bởi một loại virus thuộc cùng “họ hàng” với virus gây ra bệnh đậu mùa thông thường. Các triệu chứng kinh điển của bệnh bao gồm phát ban, sốt, và đau đầu, xuất hiện ở cả trẻ em và người trưởng thành.

Căn bệnh này chủ yếu lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc qua các vật dụng cá nhân như chăn ga gối, quần áo, khăn mặt, và giọt bắn đường hô hấp.

Mặc dù đa số người nhiễm bệnh đều có khả năng hồi phục sau vài tuần từ thời điểm khởi phát các triệu chứng đậu mùa khỉ và tỷ lệ tử vong không cao, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng bệnh diễn tiến nặng và tử vong, bao gồm việc tiếp xúc lâu dài với virus, người bệnh thuộc đối tượng trẻ em và người có hệ miễn dịch kém.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì

Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ

Nguyên nhân gây ra bệnh đậu mùa khỉ là do chủng virus thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae. Chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958, khi các ổ dịch của bệnh xuất hiện giống như các trường hợp đậu mùa ở khỉ trong phòng nghiên cứu, từ đó tên gọi “đậu mùa khỉ” được ra đời.

Tuy chúng ta có thể biết đến bệnh qua việc nghiên cứu về khỉ, nhưng thực tế thì khỉ không phải là nguồn gốc chính dẫn đến sự bùng phát của dịch bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có nhiều khả năng rằng loài gặm nhấm là nguồn lây bệnh lớn nhất. Tuy nhiên, nguồn gốc chính xác và cách thức lây truyền của bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể.

Các triệu chứng đậu mùa khỉ

Thời gian ủ bệnh

Các triệu chứng đậu mùa khỉ sẽ có thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng 5 đến 21 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp thời gian ủ bệnh có thể từ 7 đến 14 ngày.

Sau thời gian ủ bệnh này thì các triệu chứng đậu mùa khỉ mới bắt đầu xuất hiện. Do đóm khi bạn mới tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, bạn sẽ thấy không có bất kỳ triệu chứng đậu mùa khỉ nào. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn không có nguy cơ mắc bệnh.

Các triệu chứng đậu mùa khỉ

Triệu chứng đậu mùa khỉ

Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, suy nhược và nổi hạch. Trong đó, sốt thường là triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Đau nhức cơ, đau họng cũng là những triệu chứng đậu mùa khỉ thường xuất hiện đầu tiên, khiến nhiều người nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm cúm.

Sau khi khởi sốt trong khoảng 1 đến 3 ngày, người bệnh có thể phát ban – một triệu chứng đậu mùa khỉ vô cùng đặc trưng. Các vị trí phổ biến trên cơ thể dễ bị phát ban khi mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm trên khắp gương mặt (95% trường hợp), lòng bàn tay, bàn chân (75% các trường hợp bệnh), miệng, mắt (kể cả giác mạc và kết mạc) và cơ quan sinh dục.

Các nốt phát ban ban đầu thường chỉ hơi sần trên bề mặt da, trông như những vết loét phẳng. Nhưng sau đó các vết phát ban do đậu mùa khỉ sẽ phát triển và trở nên nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to, sau đó chuyển sang mụn mủ. Triệu chứng đậu mùa khỉ này có thể gây ngứa, thậm chí đau đớn ở những vùng da có vết phát ban. Cuối cùng các nốt phát ban sẽ khô lại, đóng vảy và xẹp xuống.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, chỉ trong hơn một nửa trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, phát ban có thể xuất hiện trước hoặc cùng lúc với các triệu chứng khác và không phải lúc nào cũng tiến triển khắp cơ thể. Tổn thương đầu tiên có thể ở háng, hậu môn, trong hoặc xung quanh miệng.

WHO cũng cho biết, một số người mắc bệnh đậu mùa khỉ còn bị sưng đau trực tràng hoặc đau và khó đi tiểu.

Triệu chứng đậu mùa khỉ phổ biến

Triệu chứng đậu mùa khỉ kéo dài bao lâu?

Thông thường, các triệu chứng khác kéo dài từ 2 đến 4 tuần trước khi người bệnh tự khỏi mà không cần các biện pháp điều trị đặc biệt hay chăm sóc đặc biệt.

Biến chứng bệnh đậu mùa khỉ

Không phải trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể khỏi bệnh. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng nề hơn. Chẳng hạn như da có thể bị nhiễm khuẩn dẫn đến áp xe hoặc tổn thương da nghiêm trọng.

Các biến chứng khác của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng giác mạc gây mất thị lực; đau hoặc khó nuốt, nôn mửa và tiêu chảy gây mất nước nghiêm trọng hoặc suy dinh dưỡng; nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu với phản ứng viêm lan rộng trong cơ thể), viêm não, tim (viêm cơ tim), trực tràng (viêm trực tràng), cơ quan sinh dục (viêm quy đầu) hoặc đường tiết niệu (viêm niệu đạo) hoặc tử vong.

Biến chứng bệnh đậu mùa khỉ

Những người bị suy giảm miễn dịch do thuốc hoặc do mắc các bệnh nền nguy hiểm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do đậu mùa khỉ cao hơn. Những người nhiễm HIV không được kiểm soát hoặc điều trị tốt cũng thường mắc bệnh nặng hơn.

Đậu mùa khỉ có thể lây lan và trở thành dịch bệnh nguy hiểm nếu không được kiểm soát đúng cách. Vì thế, hãy đến bệnh viện thăm khám ngay khi có những triệu chứng đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ bạn nhé.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.