Đêm giao thừa là thời khắc được nhiều người mong đợi nhất. Ngày nay, trong thời điểm chuyển giao thiêng liêng của đất trời, nhiều địa phương trên khắp cả nước ăn mừng bằng cách bắn pháo hoa. Tuy nhiên, đối với mỗi người Việt thì những nghi thức, phong tục trong đêm giao thừa này cũng có ý nghĩa rất thiêng liêng và quan trọng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ&Con tìm hiểu về các phong tục truyền thống trong thời khắc sang canh này nhé!
Ý nghĩa đặc biệt của đêm giao thừa
“Giao thừa” có nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy” cho nên đêm giao thừa là đêm cuối cùng của năm cũ, là điểm giao chuyển giữa năm cũ và năm mới. Thời điểm bắt đầu giờ Tý (tức 0 giờ ngày mùng 1 tháng Giêng) được gọi là giao thừa. Đây là thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một năm.
Trong tâm thức của người Việt, một năm mới đến, người già thêm trường thọ và người trẻ thêm trưởng thành. Đêm giao thừa không chỉ là điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mọi điều xấu xa trong năm trước đi và rước nhiều may mắn, thành công đến cho một năm mới bắt đầu. Đây cũng là đêm của đoàn tụ gia đình khi mà những người đi học, đi làm xa quê hương giũ bỏ hết tất cả muộn phiền để trở về sum vầy ấm cúng, hạnh phúc bên mâm cơm gia đình.
Các phong tục truyền thống trong đêm giao thừa
Đêm giao thừa mang những đặc trưng văn hóa của người Việt. Vào thời khắc chuyển giao này trong mỗi gia đình sẽ bắt đầu tiến hành theo phong tục truyền thống mà cha ông xưa để lại cốt mong cho gia đình bình yên, phát tài trong năm mới.
Cúng giao thừa
Cúng giao thừa trong dân gian được ví như một buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghênh đón những vị thần năm mới. Thời điểm bắt đầu nghi thức cúng bái này là đúng giờ chính Tý tức 0 giờ ngày 1 tháng 1 trong năm. Theo phong tục từ xa xưa truyền lại, lễ cúng trong đêm giao thừa được chia làm 2 mâm: 1 mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà, 1 mâm cúng thiên địa ở khoảng trước sân nhà. Đối với mâm cúng thiên địa, hầu như không quá cầu kỳ, hương thắp lên có thể được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương. Nhiều gia đình còn đặt hương thắp trên mâm lễ hoặc cắm vào khe nải chuối dùng làm đồ lễ.
Ý nghĩa của việc cúng giao thừa là xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc. Người ta tin rằng mọi điềm hay dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi điều hay dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Do đó, trong thời khắc thiêng liêng này, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay, cúng bái để hướng tới một năm mới.
Chọn hướng xuất hành
Khi ra khỏi nhà lần đầu tiên trong năm mới, người ta chọn giờ và hướng xuất hành để hợp với năm tuổi và để gặp được may mắn trong suốt một năm tiếp theo này. Tuy nhiên ngày nay việc lựa hướng xuất hành cũng không còn nhiều người thực hiện nữa.
Đi lễ chùa, đình, đền
Trong đêm giao thừa, sau khi cúng bái xong mặc dù đã muộn nhưng mọi người vẫn kéo nhau đi lễ các đình, chùa, đền, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, xin trời phật, thần linh phù hộ độ trì cho bản thân, gia đình trong năm mới. Cũng trong lúc này nhiều người sẽ xin quẻ đầu năm để coi vận hạn trong năm mới này.
Hái lộc
Sau khi đi lễ ở chùa, đình, đền, miếu, điện, người ta thường có tục hái một cành cây trước cửa những nơi linh thiêng này và gọi đó là cành lộc mang về ngụ ý là “lấy lộc”, xin lộc của trời đất, thần phật ban cho. Những cành lộc này sẽ được đặt ở trên bàn thờ cho tới lúc tàn khô. Ngày nay để hạn chế việc hái hoa bẻ cành thì nhiều nơi hái sẵn, đặt sẵn những cành lộc đã được làm lễ để người dân mang lộc về nhà.
Hương lộc
Khi đi chùa trong đêm giao thừa, thay vì hái lộc là những cành cây sau khi lễ, nhiều người sẽ xin hương lộc tại các chùa, đình, đền…Chỉ cần đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ thần phật và mang hương đó về cắm tại bát hương tổ tiên hoặc bát hương thổ công trong nhà. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt nên lấy lửa từ nơi thờ tự mang về tức là xin thần phật phù hộ cho phát tài phát lộc quanh năm. Thường những người buôn bán hay làm ăn hay xin hương lộc về nhà. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương thì người dân vừa hái lộc là cành cây vừa xin hương lộc về để cầu mong gia đình ấm no, hạnh phúc trong năm mới này.
Xông nhà
Xông nhà cũng là một phong tục quan trọng trong đêm giao thừa. Đối với các gia đình muốn tự xông gia, người ta sẽ chọn ra một người hợp vía, hợp tuổi để ra khỏi nhà từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch (tức 0 giờ ngày mùng 1 tháng Giêng) và đi lễ chùa xin hương lộc hoặc hái lộc về nhà. Người này sẽ trở về nhà lúc đã sang năm mới và tự xông nhà cho gia đình. Việc xông nhà có ý nghĩa những điều tốt đẹp, phù hợp với gia đình sẽ tới trong suốt một năm này. Một số gia đình khác nếu không ra ngoài vào đêm giao thừa thì sẽ nhờ người khác tốt vía đến sớm vào ngày mùng một Tết để xông nhà, tốt nhất là trước khi khách tới để người này đem tới những điều may mắn cho gia đình.
Đêm giao thừa không chỉ là thời khắc sum vầy, quây quần gia đình mà còn là đêm nguyện cầu cho những điều tốt lành, bình an, phát tài phát lộc sẽ đến trong năm mới này. Đối với mỗi gia đình người Việt, đây đều là những đặc trưng văn hóa, phong tục truyền thống thiêng liêng mà ông cha ta để lại và sẽ còn tiếp tục được lưu giữ, phát huy tới mãi thế hệ sau này.